Phiên họp thứ Mười tám của Ủy ban thường vụ Quốc hội

22/03/2009

Ngày 20.3, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, tại Phiên họp thứ Mười tám, UBTVQH đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh.

* Có thể phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần sau sẽ có đường dây nóng

* Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Nếu việc bình xét, trợ cấp tiền Tết cho hộ nghèo ở cơ sở chưa thật sự nghiêm túc thì phải sửa ngay

* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Phân bổ vốn đầu tư phải căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết của QH

* Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch Hoàng Tuấn Anh: Chưa có hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức lễ hội nên các địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo

 

“ Chất vấn và trả lời chất vấn với tinh thần đối thoại, đi thẳng vào vấn đề, thật sự cầu thị, tôn trọng lắng nghe lẫn nhau với mục đích làm sáng tỏ tình hình, đánh giá đúng và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, phát huy những ưu điểm, thúc đẩy thực tiễn phát triển hơn”. - Trích lời của Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại ngày làm việc thứ hai Phiên họp thứ Mười tám của UBTVQH

 

Mở đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đây là lần thứ ba trong vòng một năm qua UBTVQH tổ chức việc chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp của mình. Cơ sở pháp lý để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại UBTVQH là dựa vào Điều 98 của Hiến pháp năm 1992, Điều 16 và Điều 49 của Luật Tổ chức Quốc hội, một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, nội quy kỳ họp của Quốc hội. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, chất vấn và trả lời chất vấn  theo tinh thần tập trung, không tản mạn, mạch lạc, dứt điểm đến từng việc một, thiết thực, hiệu quả. Tất cả các vị ĐBQH đều có quyền chất vấn, bởi UBTVQH tổ chức chất vấn tại phiên họp của UBTVQH để trả lời các chất vấn của ĐBQH, cho nên các ĐBQH tham dự Phiên họp có thể trao đổi, cốt làm sáng tỏ vấn đề. Nhưng hỏi cần ngắn gọn, không diễn giải, trả lời thì phải rất tập trung, không lan man. Tinh thần là đối thoại, đi thẳng vào vấn đề, thật sự cầu thị, tôn trọng lắng nghe lẫn nhau với mục đích làm sáng tỏ tình hình, đánh giá đúng và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, phát huy những ưu điểm, thúc đẩy thực tiễn phát triển hơn.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân trả lời về: Việc trợ cấp đối với hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán; Việc sửa đổi, bổ sung chính sách và thực hiện chính sách đối với các đối tượng người có công, thương binh, người về hưu, người nghèo, cán bộ công chức; Chính sách đối với người thất nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

 

 

 

Về việc Chính phủ hỗ trợ cho hộ nghèo trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định cơ bản các hộ nghèo trên cả nước đã nhận được tiền hỗ trợ đúng, đủ và kịp thời. Tuy nhiên, tại một số địa phương còn xảy ra sai phạm trong quá trình cấp hỗ trợ cho hộ nghèo, tái phạm diễn ra chủ yếu tại cấp thôn, xã. Nguyên nhân là do sự lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra để thực hiện ở chính quyền các cấp chưa thật tốt. Tại một số nơi thiếu trách nhiệm, phó mặc cho cấp cơ sở, không kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn đến sự tùy tiện, tắc trách của cán bộ cơ sở. Việc rà soát, quản lý hộ nghèo tại một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc, thiếu công khai, khách quan, chạy theo thành tích nên khi có chế độ với hộ nghèo đã lúng túng trong giải quyết, nên cào bằng hoặc bỏ sót đối tượng. Đồng thời, do thời gian thực hiện chính sách ngắn nên công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát không được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Và Bộ trưởng cũng khẳng định: Các bộ ngành đã nỗ lực để chính sách kịp thời đến với các hộ nghèo, sai phạm chủ yếu xảy ra trong quá trình thực hiện tại địa phương. Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết nêu câu hỏi những dấu hiệu sai phạm đó có phải là do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu cho Chính phủ trong thời gian quá gấp không? Và cần xác định rõ trách nhiệm của Bộ. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, với chức năng tham mưu cho Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành chỉ tiêu xác định chuẩn nghèo, hướng dẫn địa phương rà soát, kiểm tra các hộ gia đình trên địa bàn quản lý. Dù vậy, do chưa kiểm tra, cập nhật thường xuyên số lượng hộ nghèo trên cả nước nên số hộ nghèo trong kế hoạch thấp hơn so với thực tế khi triển khai chính sách. ĐB Lê Thị Dung (An Giang) yêu cầu: Bộ trưởng giải trình về các biện pháp khắc phục bất cập trong xác định hộ nghèo, cận nghèo. Bộ trưởng khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các địa phương cập nhật kịp thời, chính xác số lượng hộ nghèo. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn: Việc cán bộ cơ sở tổ chức thực hiện không đúng chủ trương hỗ trợ tiền, ăn bớt, ăn xén - gây xúc động lớn và tạo ra bất bình trong nhân dân. Chúng ta cũng rất khó chịu khi thấy chỉ có 200.000 đồng mà bị ăn bớt, ăn xén hoặc đem chia bình quân, chia cho cả người có nhà 2 tầng, trong khi đó, có nhiều gia đình rách nát không được. Nếu như công việc bình xét cơ sở chưa thật sự nghiêm túc, chưa thực sự khách quan thì đây là vấn đề chúng ta phải làm tốt hơn, phải sửa ngay

 

Về chính sách với người thất nghiệp, Bộ trưởng khẳng định, việc nắm bắt số lao động thuộc khu vực doanh nghiệp dễ dàng hơn các khu vực khác, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Tổng cục thống kê nắm bắt số lượng lao động, người thất nghiệp hàng năm; Số lượng lao động tại khu vực nông thôn, việc chuyển dịch lao động từ nông thôn ra thành thị; Phân bổ lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực... Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu vấn đề:  việc quản lý lao động tại doanh nghiệp chỉ là một kênh thông tin để ban hành chính sách về việc làm, lao động. Do vậy, cần xây dựng phương pháp thống kê, quản lý nguồn lao động này. Bộ trưởng khẳng định đang triển khai thành lập các trung tâm nghiên cứu, dự báo lao động; Phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện thống kê theo thông lệ quốc tế; Chỉ đạo các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nắm sát số liệu lao động trên địa phương, lượng lao động dịch chuyển giữa các ngành nghề, khu vực... Bộ cũng cùng với các bộ ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu để triển khai các mô hình giải quyết việc làm như Tổng hội thanh niên, Quỹ cho vay giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn... Tuy nhiên, việc thống kê số liệu lao động ngoài khu vực doanh nghiệp khó khăn do lượng lao động này tăng nhanh, thường xuyên dịch chuyển giữa các địa phương nên Bộ trưởng cũng đề nghị các ĐBQH thông cảm với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

 

Trả lời chất vấn về giải quyết chế độ với người có công, gia đình chính sách, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã cam kết sẽ xem xét, kiểm tra việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và nạn nhân chất độc màu da cam... để khắc phục những bất cập mà ĐBQH phản ánh. Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi hỏi: Vì sao đã quán triệt, chính sách với người có công sẽ bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư nhưng giữa các bộ ngành vẫn chưa thống nhất xác định căn cứ để xác định? Bộ trưởng khẳng định, mức trợ cấp cho người có công hiện đang được thực hiện nhằm bảo đảm ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của khu dân cư. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp cũng đã tham gia hỗ trợ người có công, giúp chính sách đến được với mọi đối tượng thụ hưởng.

 

Các chất vấn của ĐBQH dành cho Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tập trung vào 3 nhóm vấn đề:  thủ tục đầu tư, nhất là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương; việc phân bổ vốn đầu tư cho các địa phương; việc thực hiện chủ trương kích cầu kinh tế.

 

 

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, về vấn đề thủ tục đầu tư, nhất là đầu tư trong xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét. Thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, vốn đầu tư của doanh nghiệp và kể cả vốn đầu tư nước ngoài còn chậm. Theo Bộ trưởng, vấn đề là ở các văn bản pháp quy liên quan đến các khâu chuẩn bị dự án, khâu chuẩn bị đầu tư, khâu giải phóng mặt bằng… vẫn còn chồng chéo.

 

Chất vấn về việc sửa đổi luật để giải quyết những vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, ĐB Lê Thị Dung (An Giang) nêu câu hỏi: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu có đặt ra các biện pháp để tránh tình trạng quy định đấu thầu thì rắc rối nhưng mang tính hình thức hay không? Làm thế nào để các nhà thầu không “đạp chân” nhau? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: Hướng sửa đổi của Luật Đấu thầu sẽ là bảo đảm không có đấu thầu hình thức. Khi xây dựng Luật Đấu thầu (năm 2005) là thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên có tham khảo luật của quốc tế mà chưa thật phù hợp với điều kiện thực tế trong nước. Cần phân cấp để quản lý đấu thầu hợp lý, tránh tình trạng "quân xanh quân đỏ" và có sự giám sát chặt; phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương nhưng cũng tạo điều kiện cho từng địa phương ở những vùng khác nhau có những hoạt động linh hoạt khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận chất vấn: Luật Xây dựng cũng có Chương quy định về đấu thầu, và quy định về đấu thầu giữa Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng không thống nhất nhau. Cả 2 dự án luật này đều là Chính phủ trình QH. Có hay không sự “nể nang” giữa 2 Bộ trưởng là Trưởng Ban soạn thảo nên để xảy ra tình trạng này? Những chồng chéo về thủ tục đầu tư liên quan đến đấu thầu có nguyên nhân bắt nguồn từ pháp luật. Nhưng liệu có nguyên nhân từ phía “con người” ở các cấp khi gây nên chuyện thủ tục “hành lẫn nhau” không? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng: Luật pháp khi thực thi có tốt hay không đều ảnh hưởng của yếu tố “con người”. Vì vậy trong chủ trương cải cách hành chính, ngoài cải cách thủ tục hành chính và cải cách các hệ thống luật pháp thì vấn đề “con người” cũng được Chính phủ lưu ý. Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 58: "Quy định chi tiết thi hành Luật Đấu thầu và phần đấu thầu trong Luật Xây dựng". Chính phủ cũng thấy khi làm luật, Bộ nào cũng đứng trên góc độ bảo đảm quyền quản lý nhà nước của mình. Hơn nữa, khi ĐBQH thông qua cũng “nể nang”, chưa kiên quyết.

 

Về vấn đề phân bổ vốn đầu tư cho địa phương, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc giải trình: Khi phân bổ vốn đầu tư phải căn cứ vào các quyết định và luật, trước tiên là Luật Ngân sách, các quyết định về đầu tư và các nghị quyết của QH. Tuy nhiên, cách phân bổ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Bởi nhu cầu của các cơ sở, các địa phương là rất lớn trong khi khả năng nguồn lực vốn thì có hạn, nên thường chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% yêu cầu. Hiện Chính phủ đang tạo thêm nhiều nguồn vốn đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của các địa phương, hướng tới công khai, minh bạch thủ tục và có sự tham gia của QH, các cơ quan liên quan của QH ngay từ giai đoạn đầu.

 

Về vấn đề kích cầu, Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, trước tình hình suy giảm kinh tế, ngay từ cuối năm 2008 đầu năm 2009 Chính phủ đã đưa ra các giải pháp kích cầu, đó là kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng, các gói tín dụng hỗ trợ của ngân hàng. ĐB Vũ Quang Hải (Hưng Yên) nêu vấn đề: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thì những giải pháp trực tiếp gỡ khó cho các doanh nghiệp là rất tích cực. Có phải chúng ta đang kích cung nhiều hơn kích cầu hay không? Bộ trưởng Võ Hồng Phúc lý giải: Chính phủ đã có một loạt giải pháp cụ thể. Chẳng hạn như trong kích cầu đầu tư thì sẽ cho phép kéo dài thời gian thu hồi vốn, ứng vốn, trái phiếu Chính phủ... Còn kích cầu tiêu dùng thì có một loạt chính sách về tiêu dùng như chính sách về hỗ trợ người nghèo dịp tết (3.500 tỷ), các chính sách về hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ lụt. Khó khăn nhất hiện nay là tiêu thụ sản phẩm như thế nào và sử dụng 1 tỷ USD chỉ để hỗ trợ lãi suất trong giới hạn một năm. Chính vì vậy, Chính phủ mới quyết định chỉ dùng khoản tiền 1 tỷ USD để hỗ trợ nguồn vốn lưu động cho các doanh nghiệp bảo đảm tiêu thụ sản phẩm bằng cách tăng vốn lưu động để bán sản phẩm trong nước, tăng vốn lưu động để dự trữ hàng hóa và xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Không phải chính sách 1 tỷ USD này chỉ có kích cung mà thực tế kích cầu đã làm trước đó và đang phát huy hiệu quả. Cho nên phải đưa phần kích cung này vào thì mới bảo đảm cân bằng.

 

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh lần đầu tiên trả lời chất vấn trước UBTVQH, các ĐBQH đã chất vấn về lộ trình khắc phục những bất cập trong quản lý, chống xâm phạm di tích lịch sử; Phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống; Xây dựng cơ chế để người dân có thể giám sát việc quản lý các di tích lịch sử.... Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã nêu những chính sách của Đảng, Nhà nước để nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh lộ trình khắc phục bất cập trong quản lý di tích lịch sử, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng do Bộ trưởng chưa đề cập vào vấn đề chính nên Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị cần trả lời ngắn ngọn, tập trung vào các vấn đề ĐBQH chất vấn. Bộ trưởng đã lần lượt trả lời các câu hỏi về việc hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Kế hoạch sử dụng các bảo tàng, thư viện, cơ sở biểu diễn nghệ thuật; Chấn chỉnh công tác tổ chức việc hiếu, việc hỷ có nhiều hủ tục hiện nay… gọn gàng hơn.

 

 

 

Về việc tổ chức các lễ hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh giải trình, loại hình lễ hội văn hóa- thể thao - du lịch phát triển mạnh mẽ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, các địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo, quản lý và tổ chức; Các hoạt động chưa được đầu tư về nội dung, kịch bản lặp lại;  Kinh phí tổ chức lớn. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nêu vấn đề: Việc tổ chức lễ hội có kinh phí lớn trong điều kiện kinh tế suy giảm có hợp lý không? Và có biện pháp nào để chấn chỉnh hoạt động này? Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch khẳng định đã chỉ đạo các địa phương xem xét chấn chỉnh việc tổ chức các lễ hội để giảm lãng phí, đạt chất lượng cao. Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Ngô Văn Minh tiếp tục đề nghị Bộ trưởng nêu rõ phương hướng khắc phục việc sử dụng lãng phí ngân sách để tổ chức các lễ hội. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để điều chỉnh công tác tổ chức lễ hội; Tăng cường giáo dục thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động lễ hội; Bồi dưỡng cho các cán bộ cơ sở để nâng cao khả năng tổ chức lễ hội hiệu quả, tiết kiệm….

 

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc các Bộ trưởng đã chuẩn bị kỹ càng việc trả lời chất vấn trước UBTVQH. Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh cần tiếp tục cải tiến, rút kinh nghiệm trong việc chọn chủ đề, nội dung chất vấn; Chất vấn theo nhóm vấn đề mạch lạc; Nâng cao chất lượng câu hỏi và câu trả lời trong phiên chất vấn… để nâng cao hiệu quả chất vấn trên UBTVQH. Có thể phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần sau sẽ có đường dây nóng.

(http://nguoidaibieu.com.vn)