Phiên họp thứ Mười chín của Ủy ban thường vụ Quốc hội

17/04/2009

Sáng 16.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

* Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai: Thêm 3 nhóm đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam

* Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản: Chỉ nên “gọn lại” ở những điều, khoản bức xúc, vướng mắc nhất

 

Sáng 16.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

 

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, Báo cáo thẩm tra dự thảo luật do Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền trình bày, nêu rõ: Hiện nay, Luật Nhà ở và Luật Đất đai đã cho phép một số đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất đai. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện luật đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Theo Báo cáo của Chính phủ, sau hơn 2 năm thực hiện Luật Nhà ở, mới có hơn 140 trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Con số này còn rất ít so với nhu cầu thực tế. Để tăng cường hơn nữa mối quan hệ gắn bó giữa kiều bào ta ở nước ngoài với quê hương, đất nước, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích các nhà đầu tư, các nhà khoa học, những người có tài năng... về đóng góp cho đất nước. Thì, việc sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở theo hướng mở rộng và quy định cụ thể hơn về các nhóm đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là cần thiết. Cụ thể, so với quy định hiện hành, sẽ có thêm 3 nhóm đối tượng được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam; Người gốc Việt Nam có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt và Người gốc Việt Nam có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước.

 

Nhất trí với quan điểm sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở, tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH băn khoăn về phạm vi dự thảo luật- Liệu có quá rộng hay không khi mở thêm 3 nhóm đối tượng có quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất so với luật hiện hành? Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, mặc dù chỉ sửa 1- 2 điều luật, nhưng đây là sự thay đổi rất căn bản về nhận thức và chính sách để cho phép chế độ sở hữu về nhà ở và quyền sử dụng đất đối với những đối tượng có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam. Vậy thì, việc mở rộng thêm đối tượng không đơn thuần chỉ mang tính chất kinh tế nữa... Chủ tịch HĐDT K'sor Phước, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng... bày tỏ lo ngại về việc, cho phép thêm một số đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà, nếu không tính toán chi tiết, kỹ lưỡng sẽ rất khó kiểm soát... Có hay không việc sau khi luật có hiệu lực thi hành, sẽ xảy ra tình trạng lợi dụng quyền sở hữu nhà ở để mua đi bán lại, làm rối thị trường bất động sản trong nước? Liên quan đến nhóm đối tượng có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt hay là nhà văn hóa, nhà khoa học..., Trưởng ban Trần Thế Vượng cho rằng, đây là những nhóm đối tượng rất mơ hồ về khái niệm. Tiêu chí nào để xác định họ là nhà văn hóa, nhà khoa học hay kỹ năng đặc biệt? Về những nội dung còn băn khoăn của các Ủy viên UBTVQH, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nêu rõ, dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp lần này có dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành kèm theo. Những băn khoăn, vướng mắc mà các Ủy viên UBTVQH đặt ra đều đã được xử lý khá cụ thể trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành. Trong đó, có nêu rõ những tiêu chí, tiêu chuẩn để xác định những đối tượng như thế nào thì được xác định là người có công, là nhà khoa học, nhà văn hóa hay người có kỹ năng đặc biệt...

 

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản là sáng kiến lập pháp của QH. Tại Kỳ họp thứ Tư vừa qua, trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005- 2007, QH đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2009. 

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 52 điều, khoản vướng mắc, bức xúc nhất của 8 luật và 1 Nghị quyết, trong đó, đặc biệt quan tâm đến những quy định về trình tự, thủ tục đầu tư. Đó là Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị quyết của QH về dự án, công trình quan trọng quốc gia do QH quyết định chủ trương đầu tư. Thẩm tra về nội dung này, UB Kinh tế cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ, tuy nhiên, cũng thẳng thắn chỉ ra, trong số những đề nghị của Chính phủ, một số quy định chưa thực sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung vì không liên quan trực tiếp đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. UB Kinh tế đề nghị, trước mắt, dự thảo luật chỉ nên tập trung sửa đổi, bổ sung những điều khoản về quy trình, thủ tục, nhất là quy trình, thủ tục ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư trong các luật liên quan trực tiếp đến đầu tư xây dựng cơ bản. Hiện nay, những nội dung nêu trên được quy định trong Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng... tán thành với hướng sửa đổi, bổ sung này. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận đề nghị phạm vi sửa đổi, bổ sung chỉ nên tập trung vào 4 luật là Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Bảo vệ môi trường. Bởi, đây là những luật có quy định liên quan trực tiếp đến quy trình, thủ tục đầu tư. Cho rằng, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật là quá rộng, Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển đề nghị, dự thảo luật chỉ nên gọn lại ở những điều, khoản vướng mắc, bức xúc nhất, đang gây cản trở cho các hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay. Trưởng ban Trần Thế Vượng mong muốn, lần sửa đổi, bổ sung này sẽ không chỉ tập trung vào những điều khoản vướng mắc nhất hay bức xúc nhì mà nên rà soát và sửa tất cả những điều khoản nào đang gây cản trở hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, tránh tình trạng một luật phải sửa đổi, bổ sung lắt nhắt nhiều lần.

 

Theo chương trình, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ trình QH xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp (tại Kỳ họp thứ Năm sắp tới). Để đáp ứng yêu cầu này, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đề nghị, trong lần sửa đổi, bổ sung này, dự thảo luật nên khuôn lại những điều khoản, nội dung đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, gây cản trở tới tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn xã hội, trong đó có các công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. 

 

T.Tâm

(http://nguoidaibieu.com.vn)