Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm 3 nước châu Âu

05/05/2009

Nhân kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức ba nước Liên bang Nga, Cộng hòa Czech và Cộng hòa Belarus (từ 22-30/4/2009), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn nhóm phóng viên đi theo Đoàn

* Xin Chủ tịch cho biết những kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm hữu nghị chính thức ba nước châu Âu lần này?

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Chuyến thăm ba nước lần này đạt kết quả tốt đẹp, góp phần thiết thực xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với Liên bang Nga; tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt, lâu dài, cùng có lợi với Cộng hòa Czech và Cộng hòa Belarus. Về mặt nội dung, các vấn đề được nêu ra đều đạt sự thống nhất cao, như đánh giá mối quan hệ hợp tác giữa đôi bên, xác định hướng phát triển sắp tới, những việc cần tập trung thực hiện để nâng cao chất lượng hợp tác. Sở dĩ có sự thống nhất cao là vì chúng ta có nhiều điểm tương đồng.

Đánh giá chung của tất cả lãnh đạo các nước, cũng như qua các cuộc tiếp xúc, hội đàm, trao đổi riêng, bạn đều đề cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, đánh giá cao thành tựu đổi mới của Việt Nam.

Điểm nữa rất quan trọng là với cả ba nước, đều đã ký được thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội nước ta với một viện, hoặc cả hai viện của bạn. Như ở Nga, Hạ viện đã ký rồi, bây giờ ký với Thượng viện; ở Belarus thì ký với cả Thượng viện và Hạ viện, ở Czech cũng đạt thống nhất rất cao, tôi cho đấy là tiêu điểm của kết quả chuyến thăm này.

Qua các cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc, chúng ta hiểu bạn nhiều hơn và bạn cũng hiểu ta hơn. Thành tựu của các nước rất đáng ghi nhận, kinh tế phát triển rất nhanh, đặc biệt bạn rất quan tâm phát triển văn hóa, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di sản lịch sử, văn hóa dân tộc, chúng ta rất cần phải học hỏi.

Về mặt tình cảm thì thật sự thắm thiết, thái độ chân thành, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, trao đổi thẳng thắn kể cả những mặt được, những điểm góp ý cho nhau. Quan điểm chính trị thì hầu hết tương đồng. Các cuộc hội đàm đều diễn ra trong không khí thẳng thắn, chân thành và thực chất.

* Xin Chủ tịch cho biết cụ thể hơn về quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước trên lĩnh vực lập pháp, cũng như phát huy vai trò của Quốc hội trong việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam với các nước này?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Cả ba nước đều đánh giá cao việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp mỗi nước, coi đây là động lực mới phát triển quan hệ giữa các nước này với Việt Nam. Nội dung chung của các văn bản thỏa thuận này là hai bên khẳng định coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, sự hiểu biết, hợp tác giữa hai quốc gia; nhấn mạnh tầm quan trọng và tính thiết yếu của hợp tác nghị viện đối với việc phát triển quan hệ nhiều mặt giữa hai nước, cũng như trong sự nghiệp phát triển của mỗi nước. Hai bên cam kết tăng cường hợp tác giữa hai nghị viện, góp phần vào sự phát triển chung của quan hệ hai nước trên lĩnh vực chính trị, cũng như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, môi trường, giáo dục, văn hóa, xã hội, du lịch và các lĩnh vực khác cùng quan tâm.

Điểm mới lần này là các nước bạn đều thống nhất với chúng ta, cần thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của Quốc hội đối với các hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa hai bên. Hiện nay trong quan hệ song phương, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định, văn bản thỏa thuận và cả những chương trình hợp tác cụ thể nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm, vì vậy Quốc hội với tư cách là cơ quan lập pháp cần phải tăng cường chức năng giám sát, kể cả giám sát việc thực hiện các chương trình hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước.

Sắp tới, hai bên sẽ tăng cường các cuộc làm việc cả ở cấp cao, giữa các ủy ban, các nhóm nghị sỹ, các nghị sỹ, thậm chí trong một chuyến thăm của đoàn cấp cao, có thể từng nhóm nghị sỹ gặp nhau, các ủy ban song đôi làm việc với nhau. Bạn còn cam kết sẽ giúp chúng ta đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội hay đội ngũ cán bộ giúp việc của Quốc hội.

Như ở Czech, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bạn đề nghị là có thể cử ngay một đoàn cán bộ sang, họ sẽ giúp bồi dưỡng kiến thức theo yêu cầu của Việt Nam. Sau đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn đã có cuộc gặp riêng, trao đổi sắp tới hai bên hợp tác như thế nào.

Đây là những thỏa thuận hợp tác thiết thực, tuy nhiên vẫn chỉ là những thỏa thuận khung cần phải cụ thể hóa thành những chương trình hành động cụ thể và phải làm việc theo chương trình ấy thì ký kết mới có hiệu quả.

* Thưa Chủ tịch, bên cạnh những hoạt động chính thức, trong chuyến thăm này Chủ tịch và các thành viên trong Đoàn đã dành thời gian tiếp xúc với cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc, coi đây như những cuộc “tiếp xúc cử tri đặc biệt”. Qua các cuộc tiếp xúc, Đoàn đã tiếp thu những tâm tư tình cảm và ý kiến đóng góp tâm huyết của bà con như thế nào?

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng: Tôi cho đây là một nội dung, một điểm nhấn trong chuyến đi này và cũng là một kết quả quan trọng của chuyến thăm. Cả ba nước chúng ta đến thăm đều có đông bà con Việt kiều đang sinh sống, làm ăn, đặc biệt ở Liên bang Nga và Cộng hòa Czech. Có dịp tiếp xúc, chúng ta có cơ cơ hội hiểu thêm tâm tư, nguyện vọng của bà con ở xa Tổ quốc, còn bà con thì hiểu thêm về công việc của Quốc hội, về tình hình trong nước và tăng thêm niềm tin vào những công việc mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đang làm.

Điều đáng mừng là trong những lần gặp gỡ, tiếp xúc, bà con đã phản ánh, đóng góp nhiều ý kiến về nhiều việc, không chỉ liên quan đến cộng đồng, mà còn liên quan đến những việc đang làm ở trong nước. Bà con rất quan tâm những vấn đề ở trong nước như: giáo dục, y tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thậm chí cả những việc rất thời sự như khai thác bô-xít ở Đắk Nông như thế nào... Phần lớn bà con rất quan tâm, tìm hiểu thông tin rất kỹ về tình hình ở trong nước, phản ánh và đóng góp ý kiến với Quốc hội. Đây chính là những cuộc tiếp xúc cử tri thật sự, bà con đóng góp ý kiến rất thẳng thắn.

Cộng đồng người Việt ta sinh sống ở nước ngoài có nhiều tầng lớp khác nhau, nhưng nhìn chung bà con đều rất tốt, sang đây là để tìm kiếm công ăn việc làm, trước hết là lo cho gia đình, cho bản thân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của nước sở tại. Lãnh đạo các nước đều đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt, thừa nhận rằng người Việt ta rất cần cù, chăm chỉ, chịu khó làm ăn và bạn cũng tạo điều kiện giúp đỡ cộng đồng.

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã tác động đến công ăn việc làm của người lao động Việt Nam sang đây. Qua các cuộc gặp gỡ vừa qua, chúng tôi cũng đã trao đổi tình hình thực tế và thống nhất cùng đàm phán với nhau để có biện pháp giải quyết tốt nhất, tháo gỡ khó khăn, ổn định đời sống cho người lao động, dù là tiếp tục ở lại bạn hay về quê hương.

Trong các cuộc gặp gỡ, bà con còn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với Quốc hội, ví dụ khi xây dựng Luật, Pháp lệnh, không chỉ tổng hợp ý kiến nhân dân trong nước, mà cần lấy ý kiến đóng góp của bà con ta ở nước ngoài, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống của bà con. Thậm chí có ý kiến hết sức thẳng thắn là lâu nay trong nước tổ chức quá nhiều lễ hội, quá tốn kém, nhiều cuộc cần thiết rất tốt, nhưng cũng có những cuộc gây tốn kém. Nên chăng bớt tổ chức lễ hội đi, dùng khoản tiền đó đem xây dựng bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện để bà con được chữa bệnh tại chỗ. Những ý kiến tâm huyết, đúng đắn chúng ta cần nghiêm túc tiếp thu, qua đó chỉ đạo, chỉnh sửa cho phù hợp.

* Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

 

(http://vovnews.vn)