Ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Thảo luận ở hội trường việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước

27/05/2009

Ngày 26-5, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm.

Cần những chính sách kinh tế - tài chính dài hạn

Nhiều đại biểu QH tập trung thảo luận một trong những vấn đề đang được sự quan tâm  của đông đảo cử tri trong bối cảnh khó khăn hiện nay  -  vấn  đề  kích  cầukinh tế và tác động của nó đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Các đại biểu: Nguyễn Thế Thảo (Hà Nội), Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình), Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang), Võ Trọng Việt (Sơn La) và nhiều đại biểu khác đánh giá cao hành động kịp thời, quyết liệt của Chính phủ khi triển khai Chương trình kích cầu kinh tế. Cách làm quyết liệt của Chính phủ đã khơi dậy và củng cố niềm tin mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội về khả năng và triển vọng nền kinh tế sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn đầy khó khăn thách thức hiện nay và khôi phục nhanh tăng trưởng. Các đại biểu cũng khẳng định sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ trong thời gian qua đã kịp thời đưa ra những giải pháp kích cầu, bước đầu đã ngăn chặn kịp thời và có hiệu quả sự suy giảm của nền kinh tế. Với năm nhóm giải pháp chủ yếu về thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, về kích thích đầu tư và tiêu dùng, chính sách tài chính và tiền tệ, về bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường công tác tổ chức, điều hành đã được triển khai đồng bộ, đem lại kết quả tích cực.

Ðề cập cụ thể giải pháp kích cầu (GPKC) của Chính phủ vừa qua, một số đại biểu cũng chỉ ra một số điểm hạn chế. Theo các đại biểu, thực tế cho thấy, GPKC mới giải quyết được những vấn đề trước mắt mà chưa có giải pháp dài hạn về phát triển kinh tế hậu suy thoái, trong khi đó chính sách hỗ trợ còn nặng tính bình quân. Về việc sử dụng công cụ thuế để kích thích tiêu dùng, đại biểu Bùi Văn Tỉnh (tỉnh Hòa Bình) cho rằng, thực tế cho thấy tác động rất ít nhu cầu tiêu dùng. Vì thế, thực hiện chính sách kích thích nêu trên phải tiên lượng được phản ứng của thị trường. Về khoản vốn ngân sách 17 nghìn tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ bù lãi suất, một số đại biểu nhận xét đây mới chỉ mang tính "cứu trợ", hơn là "kích cầu". Các đại biểu nêu thực tế vừa qua cho thấy, tốc độ tăng trưởng tín dụng sau thực hiện chính sách nói trên là khá thấp, có thể do một phần số vốn vay này dùng vào việc đảo nợ, chứ không phải tăng đầu tư mới cho phát triển sản xuất, kinh doanh. Như thế, khoản ngân sách này trước mắt đã cứu trợ doanh nghiệp, ngân hàng và mang lại sự ổn định tài chính doanh nghiệp, hơn là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ðể tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay, một số đại biểu kiến nghị, cần có chính sách tài chính để tăng chi tiêu của Chính phủ. Một số  đại biểu cho rằng,  với số lượng lớn tiền tệ được đưa ra của gói kích thích kinh tế, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát và khả năng hấp thụ của nền kinh tế bị quá tải. Các đại biểu kiến nghị, một trong những biện pháp tháo gỡ là Chính phủ cần sớm đề ra chính sách điều chỉnh tỷ giá để giải phóng nguồn ngoại tệ và kim loại quý dự trữ trong dân, qua đó thúc đẩy đầu tư, giải quyết việc làm và tăng xuất khẩu. Cần có chính sách khuyến khích và phát triển thị trường trong nước, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng. Ðề nghị công bố đầy đủ hơn các thông tin về gói kích cầu, điều kiện để được nhận vốn kích cầu  và tổ chức kiểm tra, giám sát  thực thi các gói kích cầu; phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân  có hành vi lợi dụng, móc ngoặc để được hưởng lợi trong quá trình thực hiện các gói kích cầu.

Quan tâm nông nghiệp, nông dân và nông thôn

Vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn được nhiều đại biểu quan tâm đề cập tại hội trường. Các đại biểu: Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang), Nguyễn Hữu Chí (Tiền Giang), Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) và một số đại biểu nêu rõ, xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong quá trình CNH, HÐH đất nước, trong vòng hai tháng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 24 về tổ chức triển khai và thực hiện Nghị quyết 26, và mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Ðiều đó thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về lĩnh vực này bằng nhiều cơ chế, chính sách, cả trong thời gian trước mắt và lâu dài. 

Ðề cập tầm quan trọng của việc thực hiện tốt chính sách "tam nông" làm cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị..., các đại biểu  kiến nghị, cần tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, hệ thống điện lưới cho  đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, cơ sở chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy sản cho nông dân. Cần tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình liên kết "bốn nhà" (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông). Công tác này cần gắn với việc triển khai và thực hiện 19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, tạo sự chuyển biến đồng bộ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn thời gian tới.

Thực trạng sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay nhiều nơi còn manh mún, nhỏ lẻ, quy mô sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm trong nông nghiệp còn thấp, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Một số đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc trong lĩnh vực kinh tế hợp tác và HTX nông nghiệp, đặc biệt quan tâm công tác đào tạo cán bộ cho HTX. Ðề cập vấn đề thương hiệu nông sản và câu chuyện tìm kiếm thị trường nông sản lâu nay là điều trăn trở của nông dân, đại biểu của tỉnh Tiền Giang nói, trong sản xuất nông nghiệp, khi làm ra sản phẩm người nông dân không quyết định được giá cả "đầu ra", thường xuyên chịu cảnh "được mùa, mất giá" và ngược lại! Như vậy, nông nghiệp trong thời hội nhập không thể để nông dân làm ăn theo kiểu tự phát. Chính phủ cần đề ra chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản, đưa sản phẩm của bà con ra thị trường. Về vấn đề đào tạo lao động trong nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2020 của Nghị quyết 26 đề ra là lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động trong xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt hơn 50%, số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50%... Ðại biểu ở một số địa phương cho rằng, hầu hết các địa phương khi thực hiện đề án này gặp nhiều khó khăn về cơ sở trường, lớp đào tạo nghề, thiếu trang bị, thiết bị phục vụ cho học tập, thiếu nguồn giáo viên đào tạo nghề... Theo đại biểu Nguyễn Văn Sơn, cần tổng kết việc thực hiện chương trình tái định cư cho nông dân khi bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để làm thủy điện.

Chung quanh vấn đề đào tạo nghề ở vùng nông thôn, một số đại biểu  đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tăng cường đầu tư cho việc dạy nghề, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng KH - KT, tạo việc làm ổn định phục vụ cuộc sống lâu dài cho nhân dân, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, nhân dân vùng miền núi đặc biệt khó khăn. Qua đó, tìm cách giúp bà con khu vực này chuyển đổi từ tập quán du canh, quảng canh sang thâm canh, tăng năng suất trên đơn vị diện tích canh tác. Các đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm. Qua đó tạo sức bật mạnh mẽ giúp những địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát huy lợi thế, tiềm năng để phát triển. Trong lĩnh vực xây dựng và phát triển các cơ sở y tế hiện nay, nhiều đại biểu cho rằng, cần tập trung cho tuyến xã, cụm xã và tuyến huyện. Ðây là vấn đề cấp bách và cần thiết, vì thực trạng hiện nay các cơ sở y tế khu vực này đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Ðiều đó vừa gây quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, vừa không phục vụ kịp thời việc khám, chữa bệnh cho bà con, nhất là người dân vùng xa xôi, khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các đại biểu cho rằng, Việt Nam có chỗ dựa vững chắc là nông nghiệp, vậy kích thích cho nông nghiệp phát triển sẽ không chỉ bảo đảm kinh tế phát triển mà còn bảo đảm an sinh xã hội. Với hơn 70% số dân là nông dân, nếu nông nghiệp phát triển hơn sẽ kích thích tiêu dùng lớn hơn. Nhà nước cần hỗ trợ phát triển hạ tầng tại các tỉnh miền núi để phát triển công nghiệp, vừa bảo đảm ổn định đất trồng lúa, vừa kích thích phát triển tại các vùng khó khăn, đồng thời sắp xếp lại dân cư.

Về vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, một số đại biểu ở các tỉnh Lâm Ðồng, Ðắc Nông bày tỏ sự đồng tình triển khai thực hiện dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả nước. Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về hiệu quả kinh tế, về tác động môi trường, về an ninh, quốc phòng, đề nghị phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Chống tham nhũng, lãng phí, thực hiện cải cách hành chính

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc quản lý đất đai, công sản, vấn đề cải cách hành chính, tránh lãng phí trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn. Ðại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu số liệu về tình hình quản lý, sử dụng đất còn nhiều bất cập, quản lý chưa chặt chẽ, còn để xảy ra nhiều tiêu cực. Một số đại biểu đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng của Chính phủ và các địa phương ráo riết vào cuộc, tổng rà soát toàn bộ quỹ đất, quỹ nhà, tài sản công trên phạm vi cả nước, xác định rõ "địa chỉ" cụ thể của trách nhiệm thuộc về cá nhân, cơ quan nào. Ðề nghị các bộ trưởng: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư... có giải trình trước QH về nhóm vấn đề đang được đông đảo cử tri và dư luận xã hội quan tâm. Kiến nghị xử lý nghiêm các vụ tham nhũng, lãng phí.

Việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước được một số đại biểu đề cập, cho biết, phải có tới 41 con dấu để hoàn thành giai đoạn từ chủ trương đến khi thi công xây dựng công trình, việc đấu thầu rộng rãi phải cần có 12 con dấu, chỉ định thầu cũng cần tới mười con dấu. Ðiều đó làm chậm tiến độ đầu tư và xây dựng, hơn nữa gây lãng phí thời gian và thất thoát tiền của trong thời điểm kinh tế đất nước đang khó khăn. Ðây là vấn đề cần sớm được chấn chỉnh.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)