Ngày làm việc thứ mười, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

02/11/2013

Ngày 1-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ mười.

Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) và bàn phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch tổng thể về thủy điện.

Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Góp ý kiến vào các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, theo số liệu thống kê cho thấy, thời gian qua, trong khi doanh nghiệp khu vực FDI có sự tăng trưởng cao, thì các doanh nghiệp trong nước tăng trưởng rất thấp, chứng tỏ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế.

Do vậy, thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đối với khu vực doanh nghiệp tư nhân, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về chính sách và vốn để các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đề cập các biện pháp hỗ trợ thị trường trong nước phát triển, nhiều đại biểu đề nghị, Nhà nước cần kết hợp, lồng ghép các gói kích thích nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội. Một số ý kiến đề nghị, trong các gói kích thích tăng trưởng cần tăng cường các gói hỗ trợ vào lĩnh vực nhà ở. Theo tính toán, một dự án xây dựng nhà ở được triển khai có tác dụng kích thích sự phát triển của 50 ngành sản xuất, kinh doanh và thu hút một lượng lớn lao động. Điều này không chỉ góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong lĩnh vực nhà ở mà còn kích thích sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Tạo bước đột phá trong xóa đói, giảm nghèo Đề cập các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, đại biểu Y Mửi (Kon Tum) cho rằng, giảm nghèo chưa bền vững và nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo, nhưng khi thực hiện cho thấy nhiều chương trình đạt hiệu quả rất thấp và không phù hợp với từng địa phương.

Do vậy, trong thời gian tới Nhà nước cần rà soát lại các chương trình và có sự điều chỉnh phù hợp. Vấn đề đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn được nhiều đại biểu tập trung đóng góp ý kiến. Theo đại biểu Phạm Minh Tấn (Đác Lắc), khu vực nông nghiệp vẫn được đánh giá là quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng hiện nay, khu vực này luôn gặp khó khăn và nông dân vẫn luôn phải chịu thiệt thòi do thiếu cơ chế bảo đảm ổn định thị trường nông sản. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn nữa, trong đó đẩy mạnh đầu tư cho nông nghiệp và thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Tại phiên thảo luận, một số thành viên Chính phủ tham gia báo cáo giải trình trước QH đối với những vấn đề liên quan quản lý ngành. Trả lời ý kiến của một số đại biểu về tính sát thực của các con số thống kê về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, các phương pháp tính toán thống kê của Việt Nam tương thích với phương pháp thống kê của thế giới, nên những con số do Tổng cục Thống kê công bố cơ bản là chấp nhận được và đáng tin cậy. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, không có chuyện tô hồng hay bôi đen tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Các con số đều được đưa ra phản ánh đúng tình hình thực tế để từ đó chúng ta có cái nhìn thẳng thắn và đưa ra giải pháp hữu hiệu.

Liên quan vấn đề nợ xấu trong ngành ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng hiện nay xấp xỉ 5% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng. Thời gian qua, nợ xấu được xử lý theo hướng cho phép các ngân hàng, tổ chức tín dụng cơ cấu lại các khoản nợ và thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đây là các biện pháp hữu hiệu góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Nếu không thực hiện các biện pháp nêu trên, tỷ lệ nợ xấu có thể đã tăng thêm khoảng 10% nữa so với hiện nay.

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã giải trình một số nội dung liên quan đến cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, tính ổn định, vững bền và vai trò, hiệu quả của dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Phát triển tràn lan thủy điện gây nhiều tác hại Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và Quy hoạch tổng thể về thủy điện.

Về kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện, các đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương), Đặng Thuần Phong (Bến Tre) và một số đại biểu QH tại các tổ thảo luận cho rằng: Các cơ quan chức năng chưa đánh giá hết tác động tiêu cực của việc phát triển quá nhanh các công trình thủy điện. Trong đó, đáng chú ý là có những doanh nghiệp lợi dụng danh nghĩa thực hiện các công trình thủy điện để phá rừng kiếm lời. Sau khi tận thu rừng, doanh nghiệp này thông báo hết vốn, không thể tiếp tục thực hiện dự án thủy điện. Việc phát triển tràn lan thủy điện còn gây tác động tiêu cực tới môi trường sống. Việc di dân đến nơi ở mới chưa thật sự được chú trọng, chưa chú ý quyền lợi của nhân dân. Trong thực tế, nhiều hộ dân thuộc các dự án thủy điện khi đến nơi ở mới còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, các địa phương cần quan tâm hơn nữa công tác bảo vệ an toàn công trình thủy điện, trong đó, cần có sự tham gia của lực lượng công an, quân đội, không nên giao phó hoàn toàn cho các doanh nghiệp.

Có đại biểu nêu ý kiến, trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện, các nhà khoa học chuyên ngành, các nhà quản lý và doanh nghiệp còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất... Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về các công trình thủy điện, qua đó góp phần nâng cao chất lượng của thủy điện.

Một số đại biểu đề nghị, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các địa phương trong việc quy hoạch thủy điện chưa sát với thực tế, gây lãng phí. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khẩn trương rà soát cụ thể hơn nữa các dự án thủy điện theo hướng chỉ phê duyệt triển khai xây dựng các công trình thật sự cần thiết, đồng thời không có tác động tiêu cực quá lớn đối với môi trường. Nhiều đại biểu đề nghị, QH cần có Nghị quyết về quy hoạch, đầu tư và xây dựng các công trình thủy điện.

Thảo luận về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), các đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) và một số đại biểu khác đề nghị Ban soạn thảo cần phân tích và làm rõ, cụ thể hơn về giá trị pháp lý, những điểm khác nhau giữa công chứng và chứng thực. Dự thảo luật chưa tách bạch, chưa phân định cụ thể hai khái niệm này. Ngoài ra, dự thảo luật cần hướng tới giải quyết tình trạng hiện nay các văn phòng công chứng phát triển quá "nóng" ở các thành phố lớn, trong khi tại vùng sâu, vùng xa, miền núi thì rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.

Một số ý kiến đề nghị dự thảo luật cần quy định theo hướng trao thêm một số thẩm quyền quản lý cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng để tăng cường vai trò tự quản của các tổ chức này. Bên cạnh đó, một số quy định về quyền của công chứng viên còn chưa rõ ràng, chưa phù hợp trong hoạt động chứng thực chữ ký và hợp đồng giao dịch... Vì vậy, Ban soạn thảo cần giải thích cụ thể hơn tránh tình trạng công chứng viên phải đảm nhận nhiệm vụ vượt quá khả năng, chức trách...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: Đã xử lý mười nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo với Quốc hội về tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Chúng tôi luôn xác định rằng, trước tiên phải phát huy nội lực của bản thân hệ thống các tổ chức tín dụng, bởi vì trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế đất nước, sự eo hẹp của ngân sách thì chúng ta không thể áp dụng các giải pháp mà các nước vẫn thường sử dụng. Nợ xấu chủ yếu được xử lý thông qua các hình thức:

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng có cơ chế mới trong việc cơ cấu lại các khoản nợ. Đến nay, tổng số nợ mà các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại cho các khách hàng vay đã lên tới hơn 300 nghìn tỷ đồng.

Thứ hai là xử lý nợ thông qua việc tích cực trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro, khoảng 70 nghìn tỷ đồng.

Đến nay, từ khi bắt tay chính thức vào mua nợ xấu thì công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam VAMC đã mua được 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Bằng việc mua nợ xấu thông qua việc phát hành trái phiếu đặc biệt thì các trái phiếu đặc biệt này các tổ chức tín dụng có thể tái chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước, để có thể thu được tối đa đến 70% giá trị của khoản nợ, qua đó có thêm nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước.

 Đại biểu QH Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận):Hội nhập quốc tế phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước.

Năm 2013, chúng ta đã triển khai đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa với sự tham gia của công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước: Quốc hội, Chính phủ và đối ngoại nhân dân trên cả bình diện song phương, đa phương. Chúng ta đã thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với các nước láng giềng; đưa quan hệ nước ta với các nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu.

Lần đầu tiên, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Đặc biệt, phát biểu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo đất nước về các vấn đề quốc tế, khu vực, xây dựng lòng tin đã chuyển tải mạnh mẽ thông điệp chính sách của Việt Nam đến toàn thể khu vực, thế giới.

Đại biểu QH Võ Kim Cự (Hà Tĩnh): Xây dựng cơ chế và thực hiện tốt liên kết giữa các vùng.

Hiện nay, nhiều tỉnh chạy đua xây dựng cơ sở hạ tầng, như: sân bay, bến cảng, khu công nghiệp,... dẫn đến sự phát triển manh mún, cạnh tranh không cần thiết và phân tán, lãng phí nguồn lực cho đầu tư phát triển. Do vậy, chúng ta cần xây dựng cơ chế và tăng cường liên kết giữa các vùng để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đối với các vùng kinh tế trọng điểm, nhằm tạo sức mạnh tổng hợp và phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Để thực hiện tốt công tác liên kết vùng, đề nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế phân công, phân cấp và phối hợp giữa các vùng, các địa phương.

Đại biểu QH Lò Văn Muôn (Điện Biên): Xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Chính phủ cần quan tâm rà soát tổng thể các chính sách xóa đói, giảm nghèo đã ban hành còn hiệu lực và đánh giá các chính sách đó đã đủ để giải tỏa, khắc phục những nguyên nhân và thúc đẩy các yếu tố để giảm nghèo đối với nhóm dân cư dân tộc thiểu số chưa?

Bên cạnh đó, phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số miền núi cần kiên trì và đẩy mạnh hơn nữa. Đây là giải pháp góp phần giúp giảm nghèo bền vững, nhất là cho vùng dân tộc thiểu số. Vì thực trạng dân trí và rào cản ngôn ngữ như hiện nay, nếu không thông qua phát triển giáo dục thì không thể nói đến xóa đói, giảm nghèo bền vững ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)