Mục đích thu hồi đất cần được minh bạch để tránh gây bức xúc

08/11/2013

Trong phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay, 6-11, nhiều đại biểu có ý kiến về việc cần minh bạch mục đích thu hồi đất, chỉ thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, loại bỏ khái niệm để phát triển kinh tế xã hội chung chung tránh việc dễ bị lợi dụng, gây bức xúc trong nhân dân như thời gian vừa qua.

Những quy định về việc thu hồi đất không chỉ được quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà cũng là nội dung được đề cập trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Điều 62 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định nhà nước sẽ thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích như phục vụ quốc phòng an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải tách bạch mục đích thu hồi đất sử dụng phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng khỏi mục đích phát triển kinh tế xã hội. Thậm chí có đại biểu nêu ý kiến nên xóa bỏ cụm từ “phát triển kinh tế xã hội” trong quy định này. Khái niệm “phát triển kinh tế xã hội” là một khái niệm chung chung không rõ ràng, dễ bị lợi dụng và dẫn đến những dự án thu hồi đất thiếu minh bạch, không đúng mục đích hoặc chưa cần thiết.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) cho rằng, nếu Luật Đất đai (sửa đổi) lần này vẫn giữ nguyên quy định các trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Điều 62 của dự thảo luật thì vấn đề khiếu kiện về đất đai vẫn là điểm nghẽn chưa có lời giải.

Đại biểu Vinh đề nghị Ban soạn thảo làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội. Đây là một khái niệm không thật rõ ràng, cần được làm rõ để tránh lợi dụng. Vì vậy, phải phân loại chính xác các loại dự án phát triển kinh tế - xã hội cho các mục đích và lợi ích cụ thể, tách các dự án kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư ra khỏi phạm vi các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong chính sách thu hồi đất này, nhằm tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội cũng bày tỏ đồng tình với quy định chỉ thu hồi đất cho dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Với các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà quy định chung chung như tại Điểm g, Khoản 1, Điều 62 sẽ dẫn đến tùy tiện trong cơ chế áp dụng. Thực tế ở Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng và theo đó là đơn thư, là khiếu kiện vô cùng phức tạp. Đã có dự án nhà thầu đòi phạt chủ đầu tư đến hàng trăm tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng thi công.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà đề nghị quy định thành một điều riêng về các trường hợp nhà nước thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Ya Duck - Lâm Đồng cho rằng, "nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất", đề nghị nên bỏ phần quy định nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế xã hội.

“Nếu nhà nước vẫn tiếp tục quy định thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội chung chung như dự thảo sẽ bị lợi dụng trong quá trình tổ chức thực hiện và sẽ tiếp tục tạo ra các khiếu nại, tranh chấp như vừa qua. Còn nếu đúng là mục đích kinh tế - xã hội thì việc quy định thu hồi để sử dụng vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì cũng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Còn các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác phải thực hiện hình thức mua hoặc thỏa thuận giữa chủ đầu tư và người sử dụng đất”- đại biểu Ya Duck nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trả lời phỏng vấn bên lề nghị trường.

Phát biểu bên lề nghị trường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, điều khiến người dân bức xúc không phải là người ta tranh cãi đây là đất của tôi hay đất của Nhà nước mà vấn đề là họ yêu cầu làm rõ xem ai là người được hưởng lợi trong việc họ phải nhường lại đất đai đó. Người dân vẫn nhớ đất đó Nhà nước cấp cho họ chứ không phải đất của họ. Nên đừng có mượn người dân để lồng ý kiến của mình vào rồi nói đó là ý kiến của dân. Vấn đề ở đây là trước đây khi họ được giao đất thì tạo đượcviệc làm, giờ doanh nghiệp lấy đất của họ thì việc làm sẽ giải quyết như thế nào và lợi nhuận trên đất đó chia cho những ai.

Đồng thời, ông Kiên cũng cho rằng, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai lần này cũng hàm ý nói rõ vấn đề sở hữu đất đai trong phát triển kinh tế không phải là vấn đề lực cản cho phát triển kinh tế như một số người nói trong thời gian vừa qua. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra dẫn chứng về nhiều nước trên thế giới không có sở hữu đất đai, cũng như nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam chỉ đi thuê đất như Samsung nhưng vẫn phát triển rất mạnh.

 

NGÂN -MINH- VÂN

(http://www.nhandan.com.vn/)