Luật Xây dựng sửa đổi tránh chồng chéo

27/11/2013

Ngày 25-11, Quốc hội thảo luận về nội dung của dự thảo luật Xây dựng sửa đổi, với phạm vi điều chỉnh các hoạt động xây dựng. Bên cạnh đó, cần xem xét quan hệ giữa Luật Xây dựng với các luật khác để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tránh chồng chéo

Đại biểu Thân Đức Nam, TP Đà Nẵng, góp ý, hiện nay, bên cạnh Luật Xây dựng còn nhiều luật khác có liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... Do đó, cần rà soát, đánh giá phạm vi, nội dung sửa đổi Luật Xây dựng với các văn bản này để bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo.

Ông Nam cũng cho rằng, đối với nội dung liên quan các lĩnh vực khác như vốn đầu tư quy hoạch, bồi hoàn giải phóng mặt bằng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản... dù hiện nay vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng đề nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung ở các luật chuyên ngành có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản ... không nên đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi). Chương II dự thảo luật về quy hoạch xây dựng có phạm vi trùng lắp với Luật Quy hoạch đô thị hiện hành. Luật Xây dựng chỉ nên áp dụng chế định quá trình xây dựng trách nhiệm quản lý nhà nước về xây dựng.

Luật Xây dựng nên áp dụng tập trung giới hạn vào hoạt động xây dựng nhưng có biện pháp chế tài cụ thể hơn, có hiệu lực cao để bảo đảm việc thực thi hiệu quả còn liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư, hoạt động của chủ đầu tư nói chung hay quản lý sử dụng vốn ngân sách. Để được các luật có liên quan điều chỉnh cần phân biệt hình thức quản lý dự án đầu tư và hình thức quản lý các dự án trong hoạt động xây dựng.

Cùng ý kiến ông Nam, đại biểu Trịnh Ngọc Phương, tỉnh Tây Ninh, nhận định, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi đưa vào phần quy hoạch đến 27 điều, dài, nhiều nội dung trùng với Luật Quy hoạch đô thị đã có, nên chuyển phần này sang Luật Quy hoạch đang xây dựng hoặc Luật Quy hoạch đang điều chỉnh để thống nhất và xuyên suốt.

Vẫn băn khoăn về quy hoạch

Đại biểu Phùng Đức Tiến, tỉnh Hà Nam, kiến nghị, cần chính sách để quy hoạch xây dựng có sức sống lâu dài, tránh tình trạng quy hoạch treo, chồng lấn, điều chỉnh, phá vỡ và vi phạm quy hoạch như quy hoạch đô thị, quy hoạch khu kinh tế, quy hoạch khu công nghiệp trong thời gian vừa qua gây thất thoát và lãng phí lớn.

Theo đại biểu Lê Trọng Sang - TP Hồ Chí Minh, qua gần 10 năm thực hiện Luật Xây dựng năm 2003, đồng thời thực hiện lĩnh vực quy hoạch xây dựng, chúng ta có đủ thời gian, kinh nghiệm để xây dựng một văn bản luật chuyên ngành quy định riêng. Đồng thời, từ năm 2009 đến nay đã thực hiện Luật Quy hoạch đô thị. Vì vậy, đề nghị ban hành Luật Quy hoạch xây dựng riêng và bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Đại biểu Lê Trọng Sang cũng nhấn mạnh, dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi chỉ quy định hai điều Điều 17, Điều 18 chưa thấy hết tầm quan trọng của việc lấy ý kiến trong đồ án quy hoạch xây dựng. Hiện nay, việc lấy ý kiến còn hình thức, đặc biệt là lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, vì cả luật hiện hành và dự thảo luật đều không có chế định nào yêu cầu cơ quan lập và tổ chức tư vấn phải tiếp thu ý kiến của cá nhân, cộng đồng hay tổ chức. Thậm chí, khi người dân có ý khác với các chỉ tiêu, định hướng trong đồ án quy hoạch thì cũng không được trả lời, giải thích thỏa đáng của các cơ quan có trách nhiệm. Chính từ đây làm cho đồ án quy hoạch xây dựng sau khi được phê duyệt thiếu tính khả thi, dẫn đến tình trạng quy hoạch treo, buộc các cơ quan lập quy hoạch điều chỉnh gây lãng phí cho ngân sách và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ban soạn thảo cần tổng kết, đánh giá, khảo sát, lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân liên quan và cộng đồng dân cư để có cơ sở đánh giá sâu sắc công tác quy hoạch xây dựng.

Làm rõ năng lực của doanh nghiệp xây dựng

Đại biểu Nguyễn Thế Tuy, tỉnh Lạng Sơn, góp ý, hiện nay số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động xây dựng phát triển là tương đối nhiều, nhưng năng lực kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu ảnh hưởng tới chất lượng công trình xây dựng. Do đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) cần có một chương quy định về vấn đề này. Dự thảo Luật đã đề cập đến phân loại chứng chỉ hành nghề, năng lực của tổ chức hoạt động xây dựng, nhưng cần quy định cụ thể hơn. Ban soạn thảo cần bổ sung vào luật, nhằm quản lý chặt chẽ hơn năng lực hoạt động xây dựng và cũng là để quản lý tốt hơn chất lượng các công trình xây dựng.

Đại biểu Trần Minh Diệu, tỉnh Quảng Bình, dẫn chứng, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng, nguyên nhân rất rõ là do năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhất là các chủ đầu tư ở các đơn vị địa phương, cơ sở. Kết quả của các cuộc giám sát, thanh tra, kiểm toán đều nói đến điều này, nhưng biện pháp tích cực để khắc phục chưa thể hiện rõ trong dự thảo của luật.

Đây là lần đầu dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi báo cáo trước Quốc hội. Các góp ý này là cơ sở tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo luật để tiếp tục xin ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 7 vào năm sau.

* Luật Xây dựng 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2004.

Sau khi Luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 18 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành sáu quyết định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, Luật Xây dựng 2003 và các văn bản hướng dẫn còn có những quy định thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, chồng chéo với một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai…

NGÂN ANH

(http://www.nhandan.com.vn/)