Kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước

08/06/2009

Tuần qua, QH dành trọn cả sáu ngày làm việc để tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, xem xét chín dự án luật và Chương trình xây dựng pháp luật cho cả năm 2009, cho ý kiến về Ðề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014. Tính cả 15 ngày làm việc kể từ đầu kỳ họp, QH đã xem xét, thảo luận 18 dự án luật, một Chương trình và một Ðề án.

Cùng với quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới, nhất là từ khi nước ta gia nhập WTO, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước đặt ra ngày càng cấp bách hơn. Nếu năm 2007, QH thông qua tám Luật và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua một Pháp lệnh, thì con số này của năm 2008 là 19 và bảy. UBTVQH vừa trình QH Chương trình xây dựng pháp luật năm 2009 gồm 66 dự án luật, pháp lệnh (cả chính thức và chuẩn bị); dự kiến sẽ thông qua 24 luật và năm pháp lệnh.

Số lượng văn bản pháp luật trình QH ngày càng lớn, song nhiều đại biểu QH còn băn khoăn chưa đủ điều kiện để nghiên cứu, tham khảo ý kiến cử tri và tranh thủ trí tuệ các chuyên gia,  thành  thử  rất  khó  khi đóng góp ý kiến. Khi thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc, Hoàng Văn Toàn nhận xét, Luật sửa đổi, bổ sung còn nhiều, làm cho tình trạng luật bị phân tán khá phổ biến ở nhiều luật. Khi áp dụng rất khó khăn và dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện.

Ðại biểu kiến nghị sửa Luật Ðất đai

Ngay tuần làm việc vừa qua, QH cũng đã đưa ra xem xét hai dự luật sửa đổi, bổ sung đều liên quan đến Luật Ðất đai và Luật Nhà ở. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 của Luật Nhà ở và Ðiều 121 của Luật Ðất đai chỉ điều chỉnh một quy định về mở rộng đối tượng được mua nhà ở tại Việt Nam của kiều bào ta ở nước ngoài. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (liên quan sáu luật: Ðất đai; Nhà ở; Xây dựng; Ðấu thầu; Doanh nghiệp; Bảo vệ môi trường). Riêng nội dung liên quan hai luật Ðất đai và Nhà ở chỉ để điều chỉnh quy định thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Việc cho phép một số đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại quê hương đã quy định tại hai đạo luật nói trên. Song quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Sau hơn hai năm thực hiện, theo báo cáo của Chính phủ, mới có hơn 140 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam - con số rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Không ít trường hợp bà con Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam nhưng phải nhờ người quen, họ hàng đứng tên. Số đông ý kiến đại biểu QH khi thảo luận vấn đề này đều nhất trí với nội dung mở rộng đối tượng và quy định cụ thể hơn về việc sở hữu nhà tại Việt Nam của đồng bào xa xứ, nhằm tăng thêm sự gắn bó của bà con với quê hương, đất nước, phù hợp chủ trương, đường lối của Ðảng và Nhà nước luôn khẳng định cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng điều đó sẽ tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản trong nước, ảnh hưởng đến nhu cầu nhà ở của người nghèo. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), hiện có hơn ba triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó 70% vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Nếu mở rộng đối tượng sẽ dẫn đến số lượng lớn kiều bào sở hữu nhà ở trong nước, giá nhà ở sẽ tăng ảnh hưởng đến những người thu nhập thấp, người nghèo đang khó khăn về nhà ở. Khác với loại ý kiến nói trên, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ những băn khoăn của nhiều đại biểu vì lúc đầu ông cũng có suy nghĩ tương tự. Song qua đi thẩm định thực tế và tham khảo kinh nghiệm của các nhà quản lý, kinh doanh bất động sản, ông thấy rằng việc mở rộng đối tượng được mua nhà ở tại Việt Nam là phù hợp Luật Quốc tịch vừa được thông qua. Hơn nữa, bà con chủ yếu mua nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mà giá nhà ở hai thành phố này rất cao, có mở rộng thì cũng không nhiều người mua.

Khi thảo luận về nội dung sửa một số điều luật liên quan đến chuyện "giấy đỏ", "giấy hồng", hầu như các ý kiến đại biểu đều đồng thuận không nên để tồn tại nhiều loại giấy và nhiều đầu mối quản lý, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và nhà đầu tư. Vấn đề đặt ra là, việc phải thống nhất hai loại giấy làm một và do một cơ quan quản lý đã được QH thảo luận ở nhiều phiên họp, và đã ghi rõ trong Nghị quyết kỳ họp thứ 2 khóa này; nhưng đến nay nghị quyết vẫn chưa được tổ chức thực hiện. Trả lời phỏng vấn của các nhà báo bên lề QH, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên bày tỏ: "Nói sửa luật nhưng đúng ra thì có phải sửa đâu vì QH từ trước đến nay có bao giờ nói "hai giấy"! Năm 2003 Luật Ðất đai nêu "một giấy"; năm 2005 QH cũng nói chỉ "một giấy"; đến năm 2007, khi giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản thì QH cũng khẳng định là "một giấy", nhưng mà chẳng ai làm". Phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên (đại biểu TP Hà Nội) thừa nhận việc tồn tại hai loại "giấy đỏ, giấy hồng" gây nhiều phiền phức và thiệt hại không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ không phải không biết, nên đã nhiều lần họp bàn để giải quyết. Song về thể thức ban hành văn bản thì Chính phủ không được phép mà phải trình ra QH để sửa luật.

Ðề cập việc sửa đổi, bổ sung Luật Ðất đai, nhiều ý kiến đại biểu mong muốn QH cho sửa toàn diện đạo luật này, chứ không nên sửa nhiều lần và mỗi lần chỉ sửa vài điều. Trên một mảnh đất có đến ba luật, bốn, năm nghị định điều chỉnh thì phức tạp là không tránh khỏi. Nhiều vấn đề bức xúc về đất đai liên quan trực tiếp quyền dân sự của cử tri chưa được giải quyết thấu đáo, và thực tế, những khiếu nại tố cáo nhức nhối của người dân chủ yếu chung quanh chuyện đất đai.

Thể chế hóa các quy định chăm lo đời sống nhân dân

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đáp ứng đòi hỏi của sự phát triển đất nước, đồng thời phải xử lý hiệu quả các vấn đề xã hội và chăm lo cho con người để bảo đảm sự phát triển bền vững. Các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Người cao tuổi; Luật Di sản văn hóa cũng như Ðề án Ðổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014..., đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đại biểu QH  tại kỳ họp. Khi bàn đến giáo dục, khám chữa bệnh, ý kiến tập trung thảo luận làm rõ vấn đề bảo đảm lợi ích của dân nghèo. Ðề án về tài chính giáo dục đề cập việc tăng học phí, áp dụng từ năm học 2009-2010; mức học phí cụ thể của bậc mầm non và phổ thông do HÐND cấp tỉnh quyết định trên nguyên tắc học phí và các khoản chi cần thiết khác không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Ngay trong năm học tới đây, sẽ tăng trần học phí đại học từ 180 nghìn đồng/tháng lên 255 nghìn đồng và bậc cao đẳng nghề từ 120 nghìn đồng lên 170 nghìn đồng. Hầu hết ý kiến đại biểu đều nhất trí với Ðề án về sự cần thiết phải tăng học phí. Bởi mười năm qua, thu nhập bình quân đầu người tăng 4,7 lần, lương tối thiểu tăng 1,86 lần, chỉ số giá tiêu dùng tăng gấp hai lần; trong khi đó khung học phí không thay đổi, dẫn đến hậu quả tổng nguồn lực của đất nước huy động cho giáo dục - đào tạo còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Từ năm 1990 đến nay, đầu tư cho giáo dục tăng 40 lần. Chính sự ưu ái đó đã giúp chúng ta có thêm nhiều trường học, thêm nhiều người được đi học. Mặc dù Việt Nam ở trong nhóm các nước thu nhập thấp, nhưng về chỉ số phát triển con người lại đứng ở tốp giữa. Có đại biểu tỏ thái độ ủng hộ đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi khi để mỗi địa phương tính mức học phí của riêng mình căn cứ 6% thu nhập bình quân hộ gia đình; việc tăng học phí có bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo tăng lên?; có loại bỏ được nhiều các khoản thu mà lâu nay các trường vẫn đặt ra?; có làm tăng số học sinh con nhà nghèo bỏ học?..., những câu hỏi không dễ gì trả lời ngay được. Theo đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Ðà Nẵng), cùng với việc tăng học phí, ngành giáo dục phải trả lời được hai câu hỏi cơ bản là có tăng chất lượng hay không, và học sinh có phải học thêm tràn lan hay không? Tham dự và lắng nghe thảo luận ở tổ đại biểu TP Hồ Chí Minh và Quảng Ngãi, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Vũ Luận nói, ngành sẽ cố gắng nhưng không dám hứa là học phí tăng thì chất lượng cũng tăng. Vì chất lượng không thể ngày một ngày hai mà chuyển biến được.

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 3-6, Chính phủ đã nhận được 171 phiếu chất vấn của đại biểu QH, trong đó Thủ tướng nhận được bảy phiếu. Dự kiến Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và bảy Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu. Theo chương trình kỳ họp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong tuần này, từ ngày 11 đến 13-6. Ðây là hoạt động được đại biểu rất quan tâm và cử tri cả nước chờ đợi mỗi khi QH họp.

 

Khôi Nguyên

(http://www.nhandan.com.vn/)