Cần tăng mạnh đầu tư cho vệ sinh an toàn thực phẩm

11/06/2009

Ngày 10/6/2009, Quốc hội đã dành trọn một ngày để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Một trong những đề xuất được ủng hộ nhiều nhất là phải tăng mạnh đầu tư cho vấn đề này.

Có an toàn thì tuổi thọ mới cao

Qua quá trình kiểm tra như vậy, bằng số liệu rất cẩn thận với mấy hàng chục ngàn mẫu phân tích được kiểm tra đi, kiểm tra lại trên mức độ toàn quốc và dựa vào cả 63 báo cáo của các tỉnh thành, ĐBQH Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đưa ra cái nhìn khá tổng thể. Ông Vang đánh giá: “nhìn toàn cảnh của chúng ta có một sự tiến bộ đáng kể. Lúc đầu chúng tôi đi có nhiều người nói rằng chỉ 20, 30% đạt yêu cầu nhưng thực tế là từ 62-91% đạt yêu cầu”. Ông Vang nói, uy tín của nước ta trên trường quốc tế cao hơn và thực phẩm của chúng ta bán càng ngày càng đắt hơn, với một tốc độ phát triển rất lớn. Chúng ta đã xuất khẩu được nhiều sản phẩm có uy tín trên thế giới là nhờ sản phẩm của chúng ta tốt. Ông Vang khẳng định: “rau hiện nay đạt yêu cầu là 91%, chứ không phải như chúng ta tưởng tượng tất cả đều nguy hiểm”. Thực phẩm chế biến công nghiệp đạt rất cao 91%. Tuy nhiên về thịt, cá chỉ đạt yêu cầu có 62%, còn 38% không đạt yêu cầu, trong đó liên quan đến hóa chất phổ biến là 24%, còn lại 14% là các nguyên nhân khác. Có rất nhiều sản phẩm trong quá trình bảo quản chế biến là đưa Urê vào để bảo quản cho được lâu, đưa nhiều hàn the và các chất vị cũng như là phẩm màu vào để chế biến. Ông nói, đây là một báo động, một điều chúng ta cần phải xem xét, trong đó vấn đề về giết mổ gia súc, gia cầm cần phải được quản lý mạnh mẽ hơn.

Đồng tình, ĐBQH Phan Xuân Dũng (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, dù an toàn thực phẩm của nước ta còn có một số mảng tối, nhưng vẫn phải khẳng định rằng phần lớn thực phẩm của Việt Nam là “an toàn và hợp vệ sinh”. Ông Dũng nói: “Bởi vì có an toàn thì tuổi thọ của Việt Nam mới ở mức cao trên thế giới, tới hơn 72 tuổi, cao hơn nhiều nước có mức thu nhập cao hơn ta, cao hơn nước trung bình của thế giới đến 6 tuổi. Thực phẩm của ta có an toàn thì các nước mới mua tôm, mua cá, mua hoa quả, mua gạo, cafe, điều của Việt Nam đến nhiều như vậy”.

Báo cáo của Chính phủ cho rằng nhờ đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thông nhận thức của cộng đồng về vấn đề an toàn thực phẩm đã có sự chuyển biến tích cực. Từ năm 2005-2008 nhận thức của người sản xuất thực phẩm tăng từ 47,8% lên 49,4%, của người kinh doanh thực phẩm tăng từ 38,6% lên 49,4%, của người tiêu dùng tăng từ 38,3% lên 48,6%. Ở nhiều vùng miền núi và nông thôn, người dân đã từ bỏ với gà rù để chuyển sang dùng gà sạch.

Vẫn còn nhiều đồ giả

Tuy nhiên vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện nay đang phát sinh không ít bất cập, đại biểu Hoàng Thương Lượng nói.

Ông Lượng thí dụ, hằng năm có từ 250-300 triệu lít rượu, bia và đồ uống không bảo đảm về chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều thực phẩm khô dư lượng chất bảo quản, đồ uống đóng chai không rõ nhãn mác, chất lượng thấp đã được đưa lên miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để tiêu thụ là khá phổ biến.

ĐBQH Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại yếu kém thì nguyên nhân chủ quan nhiều hơn nguyên nhân khách quan. Tình trạng vi phạm các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, kinh doanh thực phẩm đều ở mức báo động. Như diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau trong cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%. Mới 58,1% gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát. Cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm đạt yêu cầu ngày càng giảm. Giai đoạn 2004-2006 có 61,8% cơ sở đạt yêu cầu, nhưng giai đoạn 2007-2008 giảm xuống còn 51,8%. Đại biểu này nói: “Đó là những con số dễ gây nên sự lo lắng, bất an cho người tiêu dùng”.

Còn theo đại biểu Phan Xuân Dũng (Thừa Thiên - Huế): “Việt Nam còn nghèo nhưng đã đến lúc bà con nông dân khi nuôi con gà, con vịt ngon cũng phải được ăn, chứ không phải tất cả đưa ra thành phố”. Ông nói, Việt Nam cái gì ngon cũng xuất khẩu, còn trong nước thế nào cũng được. Theo ông Dũng “đã đến lúc phải chấm dứt tư duy như vậy”.  

Công tác tuyên truyền còn kém

Đồng tình với Đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) cho rằng, vừa qua các cơ quan thông tin tuyên truyền như báo hình, báo viết, báo nói có tác dụng rất tích cực trong việc tuyên truyền vệ sinh, an toàn thực phẩm, thông tin kịp thời những cơ sở không bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm để nhiều người tiêu dùng biết và tẩy chay. Những cơ sở thực hiện tốt để người tiêu dùng lựa chọn đồng thời góp phần quan trọng giúp cho công tác quản lý thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên theo bà Hoa, thông tin tuyên truyền vừa qua còn có một số thông tin sai sự thật, dẫn đến hoang mang cho người tiêu dùng, gây thiệt hại kinh tế cho người sản xuất và bức xúc cho các cơ quan quản lý, gây phản cảm cho nhiều thành phần trong xã hội. Đại biểu này dẫn thí dụ, như thông tin trứng gà giả, ăn vải bị viêm não, ăn bưởi bị ung thư, thông tin rau muống có 3 loại thuốc cấm, rau sử dụng kích thích tăng vọt sau 3 ngày ...

Đầu tư còn quá hạn chế

ĐBQH Bùi Thị Hoà (Đác Nông) nhận xét, bộ máy quản lý Nhà nước về vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế phối hợp, thiếu nguồn lực và nhân lực, công tác quản lý an toàn, vệ sinh thực phẩm liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành nhưng sự phối hợp lại chưa thường xuyên, chưa hiệu quả. Từ tháng 7-2008 trở về trước nước ta chưa có hệ thống quản lý chuyên ngành thống nhất từ Trung ương đến địa phương, cũng chưa có hệ thống thanh tra chuyên ngành vệ sinh, an toàn thực phẩm, mà chỉ có thanh tra y tế kiêm nhiệm với biên chế là 0,5 người/tỉnh. Theo đại biểu này, ở địa phương thì phòng xét nghiệm thiếu các điều kiện kỹ thuật, thiếu nhân lực nên chủ yếu chỉ có thể xét nghiệm những xét nghiệm thông thường về vi sinh, lý, hóa, thực phẩm, những xét nghiệm phức tạp hơn phải gửi đến các Trung tâm xét nghiệm của khu vực, gây nhiều khó khăn trong các trường hợp kết luận thanh tra và xử lý vi phạm.

Chính vì vậy hầu hết các ĐBQH nhất trí tăng đầu tư cho vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, vì “sức khỏe là vốn quý nhất của con người.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu cũng đã đăng đàn tiếp thu các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, thừa nhận những thiếu xót thuộc trách nhiệm của ngành y tế, đồng thời cũng khẳng định bước tiến trong vấn đề này qua thống kê các con số: GDP của nước ta chưa đầy 1000 đô la Mỹ, nhưng tuổi thọ so với các nước có bình quân kinh tế, chúng ta vượt họ từ 6 đến 8 tuổi. Suy dinh dưỡng sau hơn 20 năm đổi mới đã từ 51% xuống còn có 19% năm 2008 về suy dinh dưỡng trẻ em, xuất khẩu năm 2008 nói số tròn là 19 tỷ GDP của nông, lâm, thủy sản thì chúng ta đã xuất khẩu được 12 tỷ. Đặc biệt, ông Triệu nhấn mạnh: “Chúng ta lại xuất khẩu vào nước rất kỹ tính về an toàn vệ sinh thực phẩm đã chấp nhận như Mỹ và EU. Bộ trưởng Y tế Mỹ sang thăm Việt Nam chúng tôi có đưa đi thăm những nơi nuôi trồng thì họ thừa nhận”.

Cùng ý kiến với nhiều ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đề nghị với Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng chuyên đề về vấn đề này, vì theo ông liên quan đến cộng đồng, đến toàn thể dân chúng thì quyết định của cơ quan quyền lực tối cao có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc sẽ thay đổi một bước tiến bộ có thể đột phát.

 

Xuân Bách

(http://www.nhandan.com.vn/)