Ðại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận về ba dự án Luật

10/04/2014

Ngày 10-4, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) tổ chức hội nghị đại biểu QH chuyên trách thảo luận về ba dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Ðầu tư công. Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Kỳ họp thứ bảy, QH Khóa XIII sắp tới có nhiều dự án luật lớn, quan trọng. Ðể bảo đảm tốt nội dung và chương trình kỳ họp, Ủy ban TVQH đã thống nhất tổ chức Hội nghị đại biểu QH chuyên trách để xem xét, cho ý kiến đối với ba dự án luật nói trên. Ðây là ba dự án luật quan trọng, có tầm bao phủ rộng lớn, tác động sâu rộng đến các vấn đề kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, được đông đảo cử tri cả nước và dư luận quan tâm theo dõi. Trong quá trình cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau để hoàn thiện ba dự án luật, nếu cần thiết, Hội nghị sẽ mời đại diện Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan báo cáo giải trình thêm những vấn đề mà đại biểu QH quan tâm.

Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã tham gia góp ý vào dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), trong đó tập trung vào một số nội dung còn có ý kiến khác nhau như phạm vi công chứng; tiêu chuẩn công chứng viên; công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ; chủ trương xã hội hóa nghề công chứng; về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên... Về chủ trương xã hội hóa nghề công chứng, đa số các ý kiến đại biểu phát biểu đều ủng hộ chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, song đề nghị vẫn cần phải duy trì phòng công chứng tại những địa bàn nhất định, vì Nhà nước cần bảo đảm cung cấp dịch vụ công chứng cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa nơi không có Văn phòng công chứng.

Về nguyên tắc hành nghề công chứng, các đại biểu băn khoăn về quy định bổ sung nguyên tắc "không vì mục đích lợi nhuận", vì hoạt động công chứng trước hết là nhằm giúp Nhà nước bảo đảm cung cấp dịch vụ công cho xã hội. Quy định như vậy sẽ mâu thuẫn trực tiếp với quy định cho phép chuyển đổi phòng công chứng hay chuyển nhượng văn phòng công chứng. Nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với dự thảo báo cáo, giải trình của Ủy ban TVQH, theo đó công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng chính là người được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện quyền lực công, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp trong các hợp đồng, giao dịch dân sự mà trong nhiều trường hợp đây là nghĩa vụ bắt buộc do pháp luật quy định. Vì vậy, hoạt động công chứng phải nhằm mục đích phục vụ nhu cầu của người dân và tổ chức hành nghề công chứng phải chịu sự kiểm soát, hạn chế nhất định từ phía cơ quan nhà nước. Vì thế, đề nghị QH cho phép bổ sung nguyên tắc "không vì mục đích lợi nhuận" trong hoạt động công chứng như thể hiện tại Ðiều 4 của dự thảo Luật.

Chiều cùng ngày, các đại biểu QH chuyên trách, đại diện một số tổ chức về xây dựng đã cho ý kiến về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Ðề cập nhiều nội dung, các đại biểu cho rằng, thủ tục cấp phép cần điều chỉnh theo hướng cải cách hành chính hơn nữa, tạo điều kiện cho người dân, quy định cụ thể về thủ tục cấp phép xây dựng... Một số đại biểu đề nghị làm rõ quy định thành lập cơ quan chuyên trách chỉ đạo, điều phối việc quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng. Ðiều đó giúp nâng cao tính khả thi và hiệu quả thực hiện quy hoạch xây dựng vùng, tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng với đối tượng này là rất cần thiết.

Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh sửa có 10 chương, 168 điều. Hôm nay (11-4), đại biểu QH chuyên trách tham gia ý kiến chung quanh những nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Ðầu tư công.

Cổng thông tin điện tử