Ủy ban Đối ngoại họp toàn thể

11/07/2009

Từ ngày 8- 9.7, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Đối ngoại đã họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Son.

Qua xem xét về tình hình xuất khẩu lao động tại phiên họp cho thấy,  từ 2006-2008, đã có gần 250.000 lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài, đưa tổng số lao động của Việt Nam ở thị trường ngoài nước lên hơn 500.000 người tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, chỉ có 50% lao động Việt Nam được đào tạo trước khi ra nước ngoài làm việc. Số lao động theo hợp đồng nhận thầu, trúng thầu và lao động công nghệ cao rất ít, mức lương của lao động Việt Nam ở thị trường nước ngoài thấp.

Các thành viên của Ủy ban Đối ngoại nhận định, xuất khẩu lao động không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang tính xã hội rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hiện nay vẫn mang tính sự vụ, thiếu thông tin, nhiều rủi ro cho người lao động, việc đào tạo nghề ở các địa phương cũng chưa sẵn sàng… Có ý kiến cho rằng 8.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã quyết định dành cho đào tạo nghề cho nông dân mỗi năm chỉ nên dùng cho việc dạy nghề và ngoại ngữ cho nông dân đi xuất khẩu lao động, đưa nông dân vào các khu công nghiệp và vào các khu nông nghiệp công nghệ cao. Nếu số tiền này chia ra nhiều tỉnh, cho nhiều mục tiêu sẽ nhanh chóng tan biến.

Hầu hết các thành viên của Ủy ban Đối ngoại đều cho rằng đào tạo nghề là hoạt động trọng tâm, giúp Việt Nam có một lực lượng lao động sẵn sàng, với tay nghề đa dạng, khi cần thiết có thể tuyển dụng và cung ứng ngay, nếu làm tốt có thể trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường xuất khẩu lao động quốc tế. Trách nhiệm rà soát nguồn lực, đào tạo và định hướng cho người lao động… để có một ngân hàng lao động mạnh phải được san sẻ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với chính quyền các địa phương, thay vì tình trạng manh mún, mang tính phong trào như hiện nay.

 

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)