Quốc hội thảo luận về dự án Luật hôn nhân và gia đình

27/05/2014

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, chiều 27/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi).

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện, do nhiều nguyên nhân, một số quy định trong Luật Dạy nghề không còn phù hợp với thực tiễn, chưa bảo đảm đồng bộ với một số văn bản pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trước mắt, năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia vào cộng đồng ASEAN, vì thế công tác dạy nghề phải đổi mới để phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; giải quyết những bất cập hạn chế, tạo tiền đề cho dạy nghề phát triển mạnh; đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực về dạy nghề…

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề cơ bản giữ nguyên kết cấu, thực hiện sửa đổi, bổ sung 37 điều, bỏ 9 điều (trong đó có một chương) trên tổng số 92 điều của Luật Dạy nghề. Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 3 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy nghề theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI); nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những bất cập của Luật hiện hành; nhóm vấn đề được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các luật khác.

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh biên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: việc sửa đổi luật phải thể chế hóa được quan điểm, chủ trương, đường lối chính sách của Đảng về phát triển giáo dục, đào tạo nói chung, phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật nói riêng nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế; hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy nghề, gắn dạy nghề với thực tiễn sản xuất kinh doanh, đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, đảm bảo công bằng xã hội.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật cũng cần tuân thủ Hiến pháp và bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký hoặc là thành viên; đồng thời các quy định được sửa đổi, bổ sung phải cụ thể, khả thi, bảo đảm tính lâu dài của luật.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) tán thành với việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự án Luật, bởi thực tế hiện nay, nhiều vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về độ tuổi kết hôn; về quy định giải quyết hậu quả của việc nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; về chế định ly thân, chế định ly hôn.../.

Cổng thông tin điện tử