Trình Quốc hội dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

22/10/2014

Sáng 22/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trình bày Tờ trình Dự án Luật TN&MT biển và hải đảo

* Cần áp dụng phương thức quản lý tổng hợp TN&MT biển và hải đảo

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Việt Nam có chiều dài đường bờ biển trên 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Trong những năm qua, việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo chủ yếu đang được quản lý theo ngành, lĩnh vực nên việc khai thác, sử dụng chưa dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; còn thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực, cần áp dụng một phương thức mới để quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đó là phương thức quản lý tổng hợp.

“Phương thức quản lý này có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển và hải đảo được bảo vệ; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Phương thức quản lý tổng hợp này đang được áp dụng rất phổ biến tại nhiều quốc gia có biển trên thế giới và cho thấy rằng phù hợp và đảm bảo có hiệu quả nhất. Nhiều quốc gia có biển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Australia, Indonexia, Nam Phi,…. đã thể chế hóa phương thức quản lý này bằng các đạo luật hoặc chính sách khung có tính pháp lý cao để triển khai thực hiện.

* Thiếu công cụ pháp lý điều phối các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển

Mặc dù hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Tuy nhiên, thực tiễn công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong thời gian qua cho thấy vẫn còn những tồn tại, bất cập, cụ thể như sau: Nghị định 25/2009/NĐ-CP chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do tính pháp lý thấp nên không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định. Luật biển Việt Nam mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, nhiều nội dung quy định còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ.

Đó là chưa kể thiếu các quy định để quản lý thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; định hướng, điều phối, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam còn thiếu các quy định cụ thể để thực hiện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, bất cập hiện nay là thiếu các cơ chế, công cụ định hướng, điều phối hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là ở vùng bờ (Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ,…) nên dẫn đến tình trạng một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức, nguy cơ gia tăng mâu thuẫn giữa các ngành, các cấp, làm cho tài nguyên biển và hải đảo dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo tiếp tục diễn biến phức tạp.

Công tác bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và hải đảo nhằm bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái biển và hải đảo, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển, phục hồi môi trường biển và hải đảo còn nhiều bất cập; các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường, pháp luật chuyên ngành về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, nhận chìm, ứng phó sự cố môi trường biển còn chưa cụ thể và chưa phù hợp với đặc thù của biển và hải đảo.

Hoạt động quan trắc, giám sát tổng hợp, hệ thống thông tin về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu chưa được thể chế hóa và tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, vận hành, quản lý đồng bộ. Các dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là số liệu, thông tin về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo bị phân tán, thiếu tính gắn kết, đồng bộ và chưa được tích hợp thành cơ sở dữ liệu chung thống nhất, hiện đại để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh, quốc phòng, quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 “Những tồn tại, bất cập nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, sự thiếu đồng bộ và đầy đủ của hệ thống văn bản pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nguyên nhân quan trọng.” – Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

* Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo theo chiến lược, quy hoạch

Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 76 điều thể hiện trong 10 chương. Cụ thể là: Quy định chung; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường vùng bờ, gồm 3 mục, 12 điều; Tài nguyên hải đảo; Bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Quan trắc, giám sát tổng hợp và hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Hợp tác quốc tế về tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; Trách nhiệm quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Điều khoản thi hành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang,  các chính sách lớn cần được thể hiện trong dự án luật, đó là: Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; Nhà nước đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, ưu tiên công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học nhằm phát hiện các nguồn tài nguyên mới, tại các hải đảo, vùng biển sâu, biển xa và vùng biển quốc tế liền kề, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hợp tác để điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nhà nước kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển, biến đổi khí hậu, quản lý chặt chẽ các hoạt động nhận chìm ở biển; Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, hiệu quả về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh, quốc phòng.

Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.

Tăng cường phối hợp trong kiểm tra, giám sát hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

* Ban hành Luật để khắc phục xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển, đảo

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, Dự án Luật đã được xây dựng công phu. Ủy ban Khoa học và Công nghệ - Môi trường nhất trí với Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo nhằm khắc phục tình trạng xung đột trong khai thác, sử dụng tài nguyên, làm cho tài nguyên biển dần bị suy thoái, tình trạng ô nhiễm môi trường biển diễn biến phức tạp, một số chức năng của vùng bờ bị khai thác quá mức; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia về tài nguyên, môi trường biển trong tình hình khu vực biển Đông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp.

Về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thống kê tài nguyên biển và hải đảo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, công tác điều tra cơ bản Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là nhiệm vụ ưu tiên đã được khẳng định trong Nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, nội dung quy định tại khoản 2 Điều 13 dự thảo Luật về tiêu chí xác định dự án, đề án, nhiệm vụ điều tra cơ bản Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chưa rõ căn cứ xác định, đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát bổ sung quy định trong Luật cụ thể hơn.

Theo ông Phan Xuân Dũng, có ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể việc thẩm định các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án điều tra cơ bản về biển và hải đảo của các bộ, ngành và địa phương trước khi phê duyệt để bảo đảm quản lý thống nhất công tác điều tra cơ bản về biển, hải đảo trong phạm vi cả nước; quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Bộ TN&MT trong việc quản lý thống nhất về điều tra cơ bản Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Về nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, có ý kiến cho rằng Dự thảo Luật quy định hoạt động nghiên cứu khoa học về Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia là chưa bao quát được đầy đủ các hoạt động khoa học về Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh sửa quy định tại Điều 17 và Điều 18 để bảo đảm bao quát nhiệm vụ KH&CN các cấp trong lĩnh vực Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng cho rằng, quy định hành lang bảo vệ bờ biển là nội dung lần đầu được luật hóa, việc xác định chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển sẽ có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ và tác động đến các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, nội dung quản lý này cần được quy định cụ thể trong Luật.

Về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể những vấn đề về BVMT phù hợp đặc thù của biển và hải đảo như phân vùng rủi ro ô nhiễm, ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, nhận chìm vật, chất ở biển,... Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do tàu gây ra và ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động nhận chìm ở biển và hải đảo.

Về trách nhiệm quản lý tổng hợp Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo rà soát, chỉnh sửa để quy định trách nhiệm của Bộ TN&MT, trách nhiệm của UBND các cấp cho phù hợp; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành ở trung ương có liên quan trực tiếp đến quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển. Đồng thời cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể hơn về vai trò, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư trong khai thác và bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; quy định rõ hơn nguyên tắc, nội dung phối hợp, kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

(Bộ Tài nguyên và Môi trường)