Xác định tiêu chuẩn thẩm phán còn chung chung

28/10/2014

Ngày 27/10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); QH thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Theo Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), sau hơn 9 năm thi hành, Bộ luật Dân sự cơ bản đã có tác động tích cực đến sự phát triển KT - XH của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của chủ thể trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động… 
 
Báo cáo cũng nêu rõ, bước sang giai đoạn mới của đất nước, Bộ luật Dân sự hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Chưa bảo đảm nguyên tắc quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế bởi luật trong những trường hợp đặc biệt như Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận; Chưa tạo được cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình, của bên thiện chí, bên yếu thế trong quan hệ dân sự. Nhiều quy định của Bộ luật Dân sự còn chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng và phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự, Bộ luật Dân sự hiện hành còn chưa thể hiện được một cách đầy đủ vị trí, vai trò của mình với tư cách là bộ luật nền, luật chung. Một số quy định không bảo đảm tính rõ ràng, tạo ra các cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật dân sự trong thực tiễn…

Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày cho thấy, dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Dân sự hiện hành; Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Bộ luật Dân sự (BLDS) là đạo luật rất quan trọng, tác động đến các mối quan hệ cơ bản của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động và đời sống của các tổ chức, cá nhân, gia đình. Việc sửa đổi, bổ sung BLDS không chỉ nhằm giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mà điều quan trọng hơn là phải phản ánh, bảo vệ và phát huy được giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng BLDS trở thành luật chung của hệ thống pháp luật liên quan đến các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại, góp phần bảo đảm tính ổn định, bền vững của các quan hệ xã hội trên cơ sở kế thừa, phát triển pháp luật dân sự Việt Nam.
 
Về phạm vi điều chỉnh và bố cục dự thảo BLDS (sửa đổi) so với Bộ luật hiện hành, dự thảo không liệt kê các chủ thể khác của quan hệ pháp luật dân sự bên cạnh các chủ thể là cá nhân và pháp nhân. Tuy nhiên, trong dự thảo Bộ luật lại điều chỉnh một số quyền, nghĩa vụ của cả các chủ thể khác như cơ quan nhà nước, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia giao dịch dân sự. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu quy định đầy đủ các chủ thể này trong BLDS (sửa đổi)...
  
Tiếp đó các đại biểu thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Về quy định chung, ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên)  băn khoăn cho rằng, được quy định tại Chương I của dự thảo luật, tại khoản 2, điều 2: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng”; khoản 1, điều 16 dự thảo quy định: ”cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tôn trọng Tòa án” là chưa phù hợp. Đại biểu Học lý giải, tòa án được Nhà nước giao thẩm quyền xét xử, bản án, quyết định của Tòa án được nhân danh nhà nước để tuyên án, do vậy, việc cơ quan, tổ chức cá nhân tôn trọng bản án, quyết định của tòa án hoặc tôn trọng đối tòa án là đương nhiên, không phải quy định trong luật.

Về tiêu chuẩn Thẩm phán tại Điều 64 của dự thảo luật, một trong những tiêu chuẩn của thẩm phán là ”có hiểu biết xã hội phong phú”. Đặt câu hỏi, như thế nào là hiểu biết xã hội phong phú và như thế nào là người không có hiểu biết xã hội phong phú, đại biểu Học cho rằng, quy định như thế là chung chung, gây khó cho việc xem xét, bổ nhiệm thẩm phán. Cho rằng, quy định ”thẩm phán tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân” tại khoản 2, Điều 71 dự thảo luật là chung chung và mang tính khẩu hiệu. Vì trên thực tế, rất khó để đánh giá thẩm phán nào có đủ tiêu chuẩn này để bổ nhiệm. Nên quy định mang tính cụ thể để có cơ sở để xem xét. Do vậy, chỉ nên quy định ” thẩm phán phải có trách nhiệm tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân” là đủ. 

Một băn khoăn khác nữa đó là điểm a, khoản 1, Điều 70 của dự thảo luật quy định về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán: “Nhà nước có chính sách ưu tiên về tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán”. Cho rằng, không nên quy định trong luật là “nhà nước ưu tiên”, ngành nào thì ưu tiên, ngành nào thì không ưu tiên? Nên chỉnh sửa lại theo hướng, nhà nước có chính sách về tiền lương, phụ cấp với thẩm phán là đủ, đại biểu Học đề nghị.

Về quy định của Hội thẩm trong Chương VIII của dự thảo luật quy định theo hướng Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử theo phân công của chánh án. Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị xem xét lại quy định này. Hội thẩm nhân dân do HĐND bầu, thay mặt nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử nhưng lại do chánh án phân công. Khi thẩm phán tham gia xét xử theo sự phân công của chánh án, trong khi đó hội thẩm nhân dân xét xử cũng theo sự phân công của chánh án. Vậy, tính độc lập giữa thẩm phán và hội thẩm nhân dân do một người phân công sẽ như thế nào? Đại biểu Học đặt câu hỏi.

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tại điểm c, khoản 3, điều 2 dự thảo luật, khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có quyền “trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung hoặc yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát xác định việc xác minh thu thập bổ sung chứng cứ nếu xét thấy cần thiết”, quy định này phù hợp với nhiệm vụ xét xử thực hiện quyền tư pháp mà Hiến pháp năm 2013 giao cho Tòa án. Song ĐBQH Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng, quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 2 của dự thảo luật cần phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện yêu cầu của Tòa án. Có như vậy với tạo điều kiện để tòa án đưa ra phân tích đúng pháp luật tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, chủ động thực hiện nhiệm vụ công lý bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Về quy định tại Điều 2 của dự thảo luật, ĐBQH Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 2 của Dự thảo luật chưa đầy đủ. Đại biểu Hà đề nghị, quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 2 của dự thảo Luật nên quy định như sau: xem xét quyết định về tính hợp pháp, các hành vi quyết định tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên, Luật sư, các quyết định tố tụng của cơ quan điều tra, cơ quan truy tố trong quá trình điều tra truy tố, xét xử, xem xét kết luận việc áp dụng thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án.
 
+ Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

(Theo Đại biểu Nhân dân)