Tọa đàm về Lồng ghép giới trong dự án Luật Người tàn tật

18/08/2009

Ngày 17.8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm chuyên gia về “Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Người tàn tật” với sự chủ trì của Phó chủ nhiệm Ủy ban Lương Phan Cừ.

Tại cuộc Tọa đàm, các chuyên gia đã trao đổi về những nội dung chủ yếu của dự án Luật Người tàn tật, phân tích dự án Luật dưới góc độ giới cũng như đóng góp ý kiến về việc lồng vấn đề giới trong dự án Luật.

Theo ý kiến các chuyên gia, Dự thảo Luật Người tàn tật có 4 chương, 37 điều trong đó có một số quy định quan tâm đến đặc điểm giới tính của phụ nữ như: Phụ nữ khuyết tật được ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng (khoản 3, Điều 28) và phụ nữ khuyết tật trong độ tuổi sinh đẻ được cấp “kinh phí” cho vệ sinh cá nhân hàng tháng (điểm d, khoản 2, Điều 31). Hầu hết các quy định trong Dự thảo Luật thể hiện quy định chung chung cho cả nam và nữ với tư cách là người khuyết tật. Vì thế, Dự thảo mới thể hiện được 2 nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là nguyên tắc bình đẳng và nguyên tắc không phân biệt đối xử.

Các chuyên gia kiến nghị: Cần lồng ghép vấn đề giới vào trong các  “quy định quét” của Dự thảo Luật như khoản 10 Điều 3, điểm đ khoản 1 Điều 4, khoản 2 Điều 5… Cần phải có chính sách ưu tiên về học tập, việc làm cho phụ nữ, trẻ em khuyết tật, tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị trong đó ưu tiên cho phụ nữ khuyết tật. Đặc biệt, cần có chính sách nhấn mạnh vào quyền sinh sản của phụ nữ khuyết tật trong đó phải có chế độ thai sản đặc biệt đối với phụ nữ khuyết tật. Và trên  hết, Luật cần có chế tài cụ thể để Luật dễ thực hiện trong cuộc sống…

Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ là cơ sở hoàn thiện dự án Luật Người tàn tật nhằm bảo đảm chất lượng, có tính khả thi cao và đáp ứng yêu cầu phát triển hài hòa của bình đẳng giới.

 

Lệ Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)