Thảo luận về Dự thảo Luật Thuế Tài nguyên: Vai trò của Quốc hội trong dự thảo Luật còn mờ nhạt

22/10/2009

Dự thảo Luật Thuế Tài nguyên được đưa ra trình Quốc hội tại kỳ này gồm 4 Chương, 12 Điều, quy định về đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; kê khai, nộp thuế; miễn, giảm thuế tài nguyên.

Sáng nay (21/10), Quốc hội làm việc theo tổ cho ý kiến về Dự án Luật Thuế Tài nguyên.

 

Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo luật này khẳng định, thuế tài nguyên là một trong những công cụ tài chính, thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của các tổ chức, cá nhân. Thuế Tài nguyên hiện đang thực hiện theo Pháp lệnh Thuế Tài nguyên (năm 1998) và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 6 Pháp lệnh thuế tài nguyên (năm 2008).

 

Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới, Pháp lệnh Thuế Tài nguyên đã bộc lộ một số hạn chế cần được bổ sung và sửa đổi cho phù hợp.

 

Việc ban hành Luật Thuế Tài nguyên tại kỳ họp này nhằm hoàn thiện và đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế trên cơ sở đảm bảo kế thừa, luật hoá các quy định của pháp luật hiện hành về thuế liên quan đến tài nguyên còn phù hợp; Khắc phục những mặt hạn chế, chưa đầy đủ của chính sách thuế tài nguyên hiện hành. Thể hiện vai trò sở hữu của Nhà nước đối với tài nguyên thông qua việc thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách, xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả; bảo vệ môi trường. Góp phần đảm bảo ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.

 

Dự thảo luật quá ngắn gọn, thiếu cụ thể

 

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Thuế Tài nguyên, ý kiến các đại biểu đều tập trung làm rõ việc có cần thiết phải mở rộng đối tượng chịu thuế, tính hợp lý của việc phân nhóm đối tượng chịu thuế; tính chặt chẽ, hợp lý, khả thi trong các quy định về sản lượng tính thuế và giá tính thuế; Tính hợp lý trong quy định về thẩm quyền quyết định mức thuế suất cụ thể của Chính phủ và thẩm quyền quy định khung thuế suất của Quốc hội; Tính hợp lý của khung thuế suất đối với các nhóm tài nguyên (biên độ, mức thuế suất trần, mức thuế suất sàn); tính hợp lý trong quy định về đối tượng được xét miễn giảm thuế.

 

Đánh giá chung về Dự thảo Luật này, đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng, dự thảo luật chưa đảm bảo tính cụ thể của luật. Trong 12 điều của dự thảo luật, nhưng phần lớn nội dung của luật đều giao cho Chính phủ, so với Pháp lệnh hiện hành, dự thảo luật chưa có gì mới. Chưa kể, luật quá ngắn gọn, cần có sự gia công để dự thảo luật được cụ thể, tránh việc ban hành luật khung. Bên cạnh đó, khung thuế suất rất nhiều, nhưng tất cả các loại khung thuế suất đều có biên độ quá rộng (ví như dầu thô, thuế suất từ 6-40%; khí thiên nhiên, khí than thuế suất từ 1-30%; khoáng sản kim loại từ 5-25%…), “với biên độ này sẽ rất dễ dẫn đến việc lạm dụng trong quá trình thực hiện”, đại biểu Danh Út nhấn mạnh. Đại biểu đề nghị “phải thu hẹp biên độ, tách ra từng loại thuế suất để giảm biên độ. Nếu để khung lớn với biên độ kéo dài thì việc áp dụng sẽ không chặt chẽ”.

 

Vai trò của Quốc hội trong Dự thảo Luật quá ít

 

Điều 84 Hiến pháp năm 1992 và Điều 1 Nghị quyết số 51 của Quốc hội sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992 quy định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ một số loại thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Thuế Tài nguyên, có vẻ như Quốc hội chỉ quy định một số điều rất sơ lược, còn lại là do Chính phủ đưa ra.

 

Các đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Danh Út (đoàn Kiên Giang), Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) đề nghị làm rõ thẩm quyền quy định các loại thuế là của Quốc hội hay của Chính phủ. Dẫn Điều 84 Hiến pháp năm 1992 và Điều 1 Nghị quyết số 51 của Quốc hội sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đều khẳng định, việc sửa đổi hoặc bãi bỏ một số loại thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

 

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật Thuế Tài nguyên, thì có vẻ như Quốc hội chỉ quy định một số điều rất sơ lược, còn lại đều giao cho Chính phủ. Trong khi yêu cầu đặt ra là chính sách thuế phải luôn ổn định, hạn chế việc sửa đổi. Nếu đưa ra lý giải cho việc sửa đổi là do tình hình biến động, tài nguyên mới xuất hiện, hay việc Quốc hội một năm họp 2 kỳ không kịp thời điều chỉnh… là không chính đáng.

Đại biểu Vũ Hoàng Hà (đoàn Bình Định)

 

Cần có chính sách khai thác hợp lý nguồn tài nguyên

 

Về tình trạng khai thác tài nguyên tràn lan, không có kế hoạch hiện nay, đại biểu Lê Hồng Phương (đoàn Đồng Nai) đề nghị, trong Luật Thuế Tài nguyên cần có quy định cụ thể tài nguyên nào được khai thác trước, tài nguyên nào để lại khai thác sau. Từ đó có chiến lược khai thác tài nguyên một cách cụ thể, tránh tình trạng khai thác bừa bãi làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước.

 

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Vũ Hoàng Hà (đoàn Bình Định) cho rằng, xu hướng của thế giới và các nước có chiến lược sử dụng tài nguyên hiện nay là không khai thác tài nguyên trong nước mà đi mua ở bên ngoài để sử dụng, thậm chí là mua về để tích trữ. Do vậy, trong luật dự thảo Luật Thuế Tài nguyên cần thể hiện được chủ trương mang tính chất định hướng này, nếu không khi Luật ban hành và có hiệu lực sẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai người đó khai thác làm cho nguồn tài nguyên trong nước sẽ cạn kiệt.

 

Cơ quan nào quyết định đưa tài nguyên vào diện chịu thuế?

 

Bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) cho rằng, Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ báo cáo thẩm tra này để có thể xem xét, tiếp thu đưa vào Luật những vấn đề mà báo cáo nêu lên. Về các điều khoản quy định trong dự thảo Luật lần này, đại biểu Trần Thế Vượng cũng tán thành với ý kiến của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cần hết sức cân nhắc về khoản 8, Điều 2 trong Luật về đối tượng chịu thuế quy định “Các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này”.

 

Đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương)

 

Điều này là không rõ ràng đối với một văn bản luật, mà theo báo cáo của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách: “Việc quy định trong luật những tài nguyên khác chưa được xác định là không bảo đảm tính chặt chẽ trong áp dụng pháp luật; đồng thời Dự thảo luật cũng chưa làm rõ trong trường hợp này cơ quan nào có thẩm quyền quyết định đưa tài nguyên vào diện chịu thuế hay không thuộc diện chịu thuế. Về nguyên tắc, trong trường hợp luật không quy định thẩm quyền thì không ai có quyền quyết định đưa tài nguyên không thuộc đối tượng chịu thuế vào đối tượng chịu thuế. Vì vậy, để bảo đảm tính minh bạch của pháp luật, tránh vận dụng tùy tiện, tạo ổn định cho môi trường đầu tư, đề nghị xác định cụ thể đối tượng chịu thuế và thuế suất đối với từng loại tài nguyên”.

 

Đại biểu Trần Thế Vượng cũng đề nghị nên bỏ hẳn Điều 4 về giải thích từ ngữ bởi nếu chỉ giải thích 2 khái niệm như trong điều này thì vẫn chưa mang ý nghĩa tổng quát. Điều 4 giải thích: “Điểm giao nhận” là điểm được thoả thuận trong hợp đồng dầu, khí mà ở đó dầu, khí được chuyển giao quyền sở hữu cho các bên tham gia hợp đồng dầu, khí. Vậy những điểm giao nhận khác như than, đồng, chì... thì gọi là gì? Đại biểu Trần Thế Vượng nêu câu hỏi: Hay khoản 2 của điều này giải thích về khái niệm ”yến sào” theo đại biểu là cũng không cần thiết. Do vậy có thể bỏ hẳn điều này.

 

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người cao tuổi của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này./.

Mạnh Hùng – Thanh Hà

(http://vovnews.vn)