Quốc hội cho ý kiến 4 dự án Luật

03/11/2009

Đó là Dự án Luật Bưu chính, Luật Nuôi con nuôi, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

(VOV) - Sáng nay (2/11), Quốc hội làm việc tại Hội trường dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nghe các tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Bưu chính, Luật Nuôi con nuôi, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi); đồng thời nghe các Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban Quốc hội về những dự án luật này.

 

Cần làm rõ hơn quyền của tổ chức kinh doanh và người sử dụng dịch vụ bưu chính

 

Dự thảo Luật Bưu chính gồm 10 chương, 46 điều quy định về hoạt động bưu chính, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động bưu chính, quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính.

 

Theo đánh giá thẩm tra của Ủy ban Khoa học-Công nghệ, mặc dù còn có một số vấn đề cần tiếp tục được cụ thể hoá, hoàn thiện thêm, nhưng nhìn chung dự thảo Luật Bưu chính đã được chỉnh lý, kế thừa những quy định của Pháp lệnh Bưu chính, viễn thông được thực tế kiểm nghiệm; phù hợp với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong phát triển ngành bưu chính; phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành và cam kết quốc tế. Dự thảo Luật cũng đã nội luật hóa nhiều yêu cầu, quy định của Tổ chức thương mại Thế giới và Công ước của Tổ chức Liên minh Bưu chính Thế giới nhằm đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu hướng phát triển của ngành bưu chính Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

 

Luật Bưu chính khi được thông qua sẽ tạo điều kiện mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động và kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính, tạo môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và tăng cường hợp tác quốc tế.

 

Tuy nhiên, để nâng cao tính thống nhất của hệ thống pháp luật cần tiếp tục rà soát, đối chiếu với các luật được Quốc hội ban hành gần đây như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Xây dựng, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và một số luật khác có liên quan.

 

Đề cao quyền của tổ chức kinh doanh và người sử dụng dịch vụ

 

Trong điều kiện nước ta ngày càng hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập sâu, rộng với quốc tế, để việc áp dụng luật được thuận lợi, các quy phạm pháp luật dễ đi vào cuộc sống, nâng cao tính khả thi thì dự thảo Luật cần được chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn, các quy phạm pháp luật liên quan cần được dẫn chiếu trong Luật Bưu chính.

 

Một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật như quy định về doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính; điều kiện, quy trình, thủ tục cấp giấy phép bưu chính; chủ thể và cơ chế đặc thù thực hiện nhiệm vụ bưu chính công ích… cần được làm rõ hơn để bảo đảm quyền kinh doanh hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quyền lợi của người sử dụng dịch vụ bưu chính cũng như việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước.

 

Tuy nhiên, qua quá trình tiếp thu ý kiến về dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy cần rà soát để lược bỏ một số quy định chung chung; bổ sung một số quy định mang tính chế tài cũng như quy định cụ thể hơn một số nội dung để hạn chế ở mức thấp nhất việc ban hành các văn bản dưới luật.

 

UBND xã trực tiếp lấy ý kiến của trẻ được cho làm con nuôi

 

Dự thảo Luật nuôi con nuôi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 5 chương, 59 điều, quy định những vấn đề chung nhất liên quan đến nuôi con nuôi theo nguyên tắc việc nuôi con nuôi phải được thực hiện trên cơ sở phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ trẻ em, vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Giải quyết việc nuôi con nuôi phải tôn trọng quyền trẻ em được sống với cha mẹ đẻ, người thân thích trong môi trường gia đình; không đưa trẻ em ra khỏi môi trường gia đình trái với lợi ích của trẻ em. Việc nuôi con nuôi chỉ là biện pháp thay thế gia đình, ưu tiên giải quyết cho trẻ em làm con nuôi trong nước, việc cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài chỉ là giải pháp cuối cùng.

 

Theo đánh giá thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, so với các quy định hiện hành về nuôi con nuôi, để bảo đảm thực hiện yêu cầu trên, dự thảo Luật đã quy định một số biện pháp và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tìm gia đình thay thế ở trong nước cho trẻ em, tạo điều kiện và cơ hội để trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng trên quê hương đất nước mình. Cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ em trong thời hạn 30 ngày; hết thời hạn này mà không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi, thì lập hồ sơ gửi Sở Tư pháp thẩm tra và chuyển danh sách cho Bộ Tư pháp để thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ trong thời hạn 30 ngày trên phạm vi toàn quốc, nhằm tìm người nhận trẻ em làm con nuôi. Hết thời hạn này mà không có người trong nước nhận làm con nuôi, thì trẻ em mới được giới thiệu làm con nuôi người nước ngoài.

 

Về cách thức lấy ý kiến cho trẻ em làm con nuôi, pháp luật hiện hành chỉ quy định trong hồ sơ xin nhận con nuôi phải có giấy đồng ý cho trẻ em làm con nuôi của những người liên quan (cha mẹ đẻ, người giám hộ), nên thực tế cho thấy nhiều khi giấy đồng ý này chỉ là một thủ tục hình thức, không phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của người đưa ra sự đồng ý đó. Để khắc phục điểm này, nhằm tôn trọng và bảo đảm quyền thể hiện ý chí của những người có liên quan, nhất là quyền lựa chọn của trẻ em, dự thảo Luật đã có những quy định đổi mới cách thức lấy ý kiến đối với việc cho trẻ em làm con nuôi. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lấy ý kiến của cha mẹ đẻ, người giám hộ và trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên. Cách làm này bảo đảm sự trung thực, khách quan về ý chí, nguyện vọng của các bên, tránh tư tưởng hình thức, thậm chí áp đặt của người lớn khi cho trẻ em làm con nuôi. 

 

Trực tiếp tìm hiểu nguyện vọng của trẻ được cho làm con nuôi

 

Về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, Dự thảo Luật cơ bản vẫn bảo đảm kế thừa các quy định hiện hành về hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi. Tuy nhiên, ngoài hệ quả chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đẻ đối với con đã cho làm con nuôi, dự thảo Luật còn quy định trừ trường hợp cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em với cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, thì kể từ thời điểm việc nuôi con nuôi được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, giáo dục, đại diện, quản lý và định đoạt tài sản riêng (nếu có) đối với con đã cho làm con nuôi. Bởi thực tế, đây là những quyền và nghĩa vụ mà một khi đã cho con đi làm con nuôi và con nuôi sống cùng với cha mẹ nuôi, thì cha mẹ đẻ không thể có điều kiện thực hiện. Mặt khác, để tránh xảy ra tranh chấp trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi đối với người con đó, thì việc quy định chấm dứt một số quyền, nghĩa vụ pháp lý của cha mẹ đẻ đối với con đã cho làm con nuôi là cần thiết. Tuy nhiên, việc chấm dứt một số quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đẻ và con không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện những quyền, nghĩa vụ khác của cha mẹ đẻ và con theo quy định của pháp luật; con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình khi đến tuổi trưởng thành; trường hợp làm con nuôi ở nước ngoài thì con nuôi vẫn được cha mẹ nuôi tạo điều kiện để trở về thăm quê hương đất nước và tìm lại cội nguồn nơi đã sinh ra. Đây là một thực tế mà nhiều nước đã thực hiện.

 

Về quy định cách thức giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài, thực tế hiện nay, việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài do các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em thực hiện. Theo báo cáo của các địa phương, đặc biệt theo phản ánh của nhiều nước cho thấy, nếu tiếp tục để cơ sở nuôi dưỡng vừa tiếp nhận trẻ em vào nuôi dưỡng, vừa tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của tổ chức, cá nhân nước ngoài và trực tiếp giới thiệu trẻ em làm con nuôi như hiện nay, thì dễ dẫn đến tiêu cực, thỏa thuận ngầm trong việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, trái với pháp luật và thông lệ quốc tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiêu cực, vi phạm pháp luật trong việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài xảy ra thời gian qua tại một số địa phương. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật quy định việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi. Hội đồng tư vấn do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập. Quy định như vậy vừa bảo đảm sự tách bạch giữa việc tiếp nhận trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng với việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi, vừa bảo đảm chặt chẽ và đề cao trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành địa phương trong việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em, cũng như đáp ứng yêu cầu của Công ước Lahay về nuôi con nuôi mà Việt Nam đang chuẩn bị tham gia.

 

Cũng trong buổi sáng nay, Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ về Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về các dự thảo Luật này.

 

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Bưu chính./.

Mạnh Hùng-Thanh Hà

(http://vovnews.vn)