Nâng cao tính chủ động của NHNN trong thực thi chính sách tiền tệ

11/11/2009

Việc xây dựng một Ngân hàng Trung ương hiện đại có tính tự chủ và tính độc lập cao trong hoạch định và thực thi CSTT là mục tiêu lâu dài trong nhiều năm tới

(VOV) - Chiều nay (10/11), các đại biểu tiến hành thảo luận tại tổ, cho ý kiến vào dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp.

 

Tại buổi thảo luận này, đa số đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được Quốc hội thông qua năm 1997, có hiệu lực từ năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2003. Sau quá trình hơn 10 năm thực hiện Luật NHNN Việt Nam cũng cho thấy một số nội dung quy định của Luật NHNN Việt Nam chưa thực sự đáp ứng được  yêu cầu đối với việc xây dựng NHNN trong điều kiện mới, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Tại buổi thảo luận tổ chiều nay, các đại biểu đã cho ý kiến về các vấn đề như: vị trí của NHNN Việt Nam; mục tiêu của chính sách tiền tệ; việc thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ quốc gia; vai trò quản lý của NHNN Việt Nam…

 

Đánh giá chung về việc sửa đổi Luật NHNN Việt Nam lần này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, Luật Ngân hàng của chúng ta hiện nay đang gắn chặt, có quan hệ mật thiết với nhiều Luật khác mà chúng ta ban hành và trong quá trình hoàn chỉnh. Nếu Luật Ngân hàng sửa đổi lần này “vượt” hẳn lên mà chưa có sự hỗ trợ, chưa có sự chuyển đổi đồng bộ của các Luật khác thì khả năng phát huy, điều hành sẽ không thông thoát. Chính vì lẽ đó. Mục tiêu quan trọng là giao trách nhiệm cụ thể cho Ngân hàng trung ương với vai trò là “mẹ của các ngân hàng” cũng chưa thể thực hiện được đầy đủ. Do vậy, đại biểu cũng đồng tình với quan điểm trong Tờ trình của Chính phủ, cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế: “Việc này để lần điểu chỉnh sau chúng ta làm tiếp. Còn lần này chúng ta nên chấp nhận sự điều chỉnh một bước chứ chưa phải giải quyết toàn bộ vấn đề đặt ra cho Luật NHNN”- đại biểu Cao Sỹ Kiêm nói.

 

 

Quy định NHNN Việt Nam trực thuộc Chính phủ là hợp lý

 

Về vị trí của NHNN Việt Nam, đại biểu Cao Sỹ Kiêm đồng tình với dự thảo Luật quy định “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ngang Bộ của Chính phủ, là Ngân hàng Trung ương của nước CHXH Việt Nam”. Theo đại biểu, điều này đã được chứng minh trong thực tiễn của Việt Nam, việc quy định địa vị pháp lý của NHNN Việt Nam như vậy là phù hợp với thể chế chính trị và trình độ phát triển, mức độ hội nhập của nền kinh tế cũng như nguồn lực cán bộ quản lý của Việt Nam. Việc xây dựng một Ngân hàng Trung ương hiện đại có tính tự chủ và tính độc lập cao trong hoạch định và thực thi CSTT là mục tiêu lâu dài trong nhiều năm tới. Đây cũng là ý kiến nhận được sự đồng tình của Ủy ban Kinh tế.

 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cho rằng, xét về điều kiện ở Việt Nam hiện nay, việc để Ngân hàng đóng vai trò là một tổ chức độc lập với Chính phủ là chưa khả thi. Đại biểu dẫn chứng việc một số chuyên gia kinh tế nước ngoài cho biết: Một số nước đang phát triển muốn chuyển đổi sang cơ chế ngân hàng độc lập hoàn toàn là phải đi thuê hoàn toàn từ thống đốc đến các chuyên gia, chuyên viên nước ngoài đến làm cho một vài năm. Sau đó mới rút kinh nghiệm và tự mình điều hành, chứ không phải dễ dàng mà làm ngay được. Xét về điều kiện của chúng ta, chắc cũng chưa dám để cả một NHNN mà đi thuê chuyên gia nước ngoài về làm lãnh đạo như là một công ty của nước ngoài như vậy. Theo đại biểu, việc chuyển đổi này cần phải có lộ trình, nếu dứt hẳn ra ngay bây giờ thì cũng khó.

 

Cần làm rõ chức năng của Hội đồng chính sách tiền tệ

 

Về việc thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ trong NHNN, đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần làm rõ chức năng của Hội đồng này. Tất cả các quốc gia trên thế giới khi thành lập Hội đồng ở trong ngân hàng chỉ là Hội đồng để thực hiện, triển khai chính sách tiền tệ thôi. Hội đồng này giúp cho thống đốc hoặc các cơ quan của Ngân hàng nhà nước có một bộ phận tham mưu tư vấn, hỗ trợ trong việc triển khai các chính sách tiền tệ. Theo đại biểu, nếu chúng ta có thành lập thì nên gọi là “Hội đồng điều hành chính sách tiền tệ quốc gia” bởi sau khi chính sách đã được hình thành rồi thì hội đồng này cùng với lãnh đạo NHNN điều hành.

 

Về vấn đề trên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng: Chính sách tiền tệ có ý nghĩa hết sức quan trọng, ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động kinh tế- xã hội của đất nước. Việc trao thêm tính tự chủ cho NHNN trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ đòi hỏi các quyết định cần có sự trao đổi, bàn bạc của một tập thể lãnh đạo và chuyên gia cao cấp trong hệ thống tài chính- tiền tệ.

 

Khảo sát kinh nghiệm tại một số nước cho thấy, hiện nay, việc quyết định liên quan đến chính sách tiền tệ thường do Hội đồng chính sách tiền tệ nằm trong Ngân hàng Trung ương thực hiện. Do vậy, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc thành lập Hội đồng chính sách tiền tệ trong NHNN. Hội đồng chính sách tiền tệ có chức năng, nhiệm vụ trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ.

 

Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm

 

Đối với vấn đề xây dựng mục tiêu của chính sách tiền tệ, hầu hết đại biểu nhất trí với dự thảo Luật là giữ nguyên mục tiêu của chính sách tiền tệ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Việc áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt cũng là một trong những cam kết quan trọng của Việt Nam đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Trong thực tiễn, Việt Nam đang thực hiện chính sách tỷ giá linh hoạt có sự quản lý của Nhà nước. Ngoài ra, nếu ổn định được giá trị đồng tiền thì cũng có nghĩa đảm bảo giá cả ổn định và giữ lạm phát ở mức hợp lý.

 

Đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) cũng nhất trí với Ủy ban Kinh tế về việc phân định chức năng của Quốc hội, Chính phủ và NHNN trong việc hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ được quy định tại Điều 5 dự thảo Luật, nên thiết kế lại theo đó: Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm; Chính phủ trình Quốc hội chỉ tiêu lạm phát hàng năm, Chính phủ quyết định chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán và khung lãi suất, tỷ giá để chỉ đạo việc điều hành của NHNN nhằm đạt chỉ tiêu lạm phát mà Quốc hội đã quyết định; NHNN đề xuất trình Chính phủ quy định: khung lãi suất, khung tỷ giá, tổng phương tiện thanh toán; quyết định mức lãi suất, tỷ giá cụ thể trong khung do Chính phủ quy định cho từng thời kỳ và chủ động sử dụng các công cụ CSTT khác (dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở…). Theo đại biểu, như vậy là chấp nhận được với điều kiện của chúng ta hiện nay.

 

Nhiều đại biểu quan tâm, góp ý kiến về vai trò quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là  vai trò đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước của NHNN tại các tổ chức tín dụng cũng như trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp. Hầu hết đại biểu nhất trí với Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội rằng, không nên giao cho Ngân hàng Nhà nước vai trò này, nhằm tránh tình trạng Ngân hàng Nhà nước vừa đá bóng, vừa thổi còi.

 

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng, không nên giao cho NHNN làm đại diện chủ sở hữu về phần vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng bởi nó liên quan rất nhiều đến việc quyết định ra chính sách, khi mà NHNN đại diện cho các nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng lại là cơ quan ra quyết định các chính sách tiền tệ. Như vậy tính khách quan không được cao.

 

Về chính sách bảo hiểm tiền gửi, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc thực hiện bảo hiểm tiền gửi nên quy định cho một tổ chức riêng, độc lập với ngân hàng để làm nhiệm vụ này, chứ không nên giao cho ngân hàng quản lý. Về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, đại biểu đồng ý giao ngân hàng quản lý.

 

Một nội dung khác trong Dự thảo Luật cũng được nhiều đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến là vấn đề thanh tra, giám sát ngân hàng. Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn), quy định như trong dự án Luật là chưa ổn. Việc quy định hoạt động thanh tra không tuân theo Luật thanh tra sẽ dẫn tới buôn lỏng quản lý, sẽ khó thực hiện việc thanh tra trong trường hợp xảy ra sai phạm.

 

Ngày mai (11/11), buổi sáng Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Bưu chính. Tiếp đó, Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)./.

Mạnh Hùng – Thanh Hà

(http://vovnews.vn)