Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XII: Kết thúc Tuần làm việc thứ 4

16/11/2009

(VOV) - Tuần qua, cùng với việc tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII đã thảo luận về hoạt động của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước và chủ trương xây dựng 2 dự án lớn là Thuỷ điện Lai Châu và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đại biểu Vũ Văn Ninh (Đoàn Nam Định) phát biểu ý kiến

Thảo luận về hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước, các đại biểu đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của các đơn vị này đối với nền kinh tế- xã hội, nhất là trong việc tham gia giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cần đánh giá lại một cách sâu sắc hơn giữa lợi thế của các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước với kết quả, hiệu quả đạt được cũng như các hạn chế, tồn tại của các tổ chức này trong thời gian qua. Nhất là về góc độ chỉ tiêu lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư kinh doanh, trong tỷ trọng vốn nhà nước và vốn vay; trong quan hệ tỷ lệ nợ phải thu và nợ phải trả… Đồng thời, đề nghị Chính phủ chấn chỉnh lại các hoạt động của các Tập đoàn, Tổng Công ty để hoạt động hiệu quả, bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước.

 

 

 

Các đại biểu Quốc hội thống nhất đề nghị trong thời gian tới, cần xử lý dứt điểm một số Tập đoàn, Tổng công ty lỗ lớn, khéo dài, không khắc phục được. Tiếp tục rà soát, chỉ đạo kiên quyết đổi mới, sắp xếp cổ phần hoá công ty nhà nước. Quá trình sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cần chú ý đến các nhân tố cấu thành giá trị của doanh nghiệp và gắn với việc phát triển thị trường vốn trung và dài hạn, đảm bảo không để thất thoát vốn nhà nước, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước phát triển mang tính ổn định, lâu dài.

 

Thảo luận về dự án Thủy điện Lai Châu và Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về chủ trương phát triển các nguồn điện cho đất nước; nhưng yêu cầu cao nhất và trước tiên là phải đảm bảo được an toàn. Cả 2 dự án phải quan tâm và đảm bảo hài hoà được các yếu tố về môi trường, công nghệ, huy động nguồn vốn đầu tư, giá cả và nguồn nhân lực. Đồng thời,  chỉ nên xây dựng trước một nhà máy điện hạt nhân, sau đó rút kinh nghiệm để rút kinh nghiệm và tiến tới làm chủ công nghệ.

 

Đối với Dự án Thuỷ điện Lai Châu, các đại biểu Quốc hội lưu ý: đây là khu vực có cấu tạo địa chất không ổn định, hay xảy ra động đất, lũ quét nên phải tính toán thận trọng về khả năng kháng chấn, phòng lũ. Đồng thời, phải quan tâm đặc biệt đến việc di dời và bố trí tái định cư, tái sản xuất cho người dân trong vùng dự án.  Đối với Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về điện hạt nhân. Trước khi triển khai Dự án nên giao cho Liên hiệp các Hội Khoc học Kỹ thuật Việt Nam tham gia tư vấn, phản biện.

 

Tuần này, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho các phiên họp chất vấn và trả lời các kiến nghị của cử tri. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội tại phiên họp toàn thể. Hiện tại, có hơn 250 câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội đã được tập hợp. Trong đó, có 25 câu hỏi đề nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời. Trong số, 5 vấn đề lớn mà cử tri kiến nghị tại kỳ họp này sẽ được các đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị các thành viên Chính phủ làm rõ. Nhất là về những giải pháp mới để thực hiện có hiệu quả các gói kích thích kinh tế; bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm…

 

Hôm nay, Quốc hội làm việc tại hội trường để thảo luận các Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)./.

Trần Sông Thao

(http://vovnews.vn)