Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII

24/11/2009

Sáng 23.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên và Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã biểu quyết thông qua 5 dự án Luật, gồm: Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ.

* Thông qua 5 Dự án Luật

* Dự án Luật An toàn thực phẩm: Quản lý “phần ngọn” có hợp lý không?

 

Sáng 23.11, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên và Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã biểu quyết thông qua 5 dự án Luật, gồm: Luật Người cao tuổi; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Viễn thông; Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Dân quân tự vệ.

 

Dự thảo Luật Người cao tuổi đã được QH thông qua với 88,64% số ĐBQH có mặt tán thành. Người cao tuổi thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này là công dân Việt Nam từ 60 tuổi trở lên. Người cao tuổi được bảo đảm các nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe. Luật xác định rõ trách nhiệm phụng dưỡng của gia đình và trách nhiệm của Nhà nước, xã hội trong chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là quy định về bảo trợ xã hội với những người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống. Luật Người cao tuổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010.

 

89,05% số ĐBQH có mặt đã tán thành thông qua dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm 91 Điều, quy định về quyền, nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề khám, chữa bệnh, cơ sở khám, chữa bệnh; các điều kiện đối với người hành nghề khám, chữa bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh; giải quyết khiếu nại tố cáo của người bệnh... Luật có hiệu lực thi hành từ 1.1.2011. Luật quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh cũng như của người hành nghề khám, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh.

 

Dự án Luật Viễn thông được thông qua với tỷ lệ 88,03%. Theo quy định của Luật Viễn thông, mọi tổ chức, cá nhân đều được tham gia hoạt động viễn thông, kể cả các hợp tác xã nếu đáp ứng được các quy định của Luật Doanh nghiệp. Luật Viễn thông có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010.

 

Dự thảo Luật Tần số vô tuyến điện được 88,24% số ĐBQH có mặt tán thành. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010. Theo quy định của Luật, trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông. Chính sách của Nhà nước về tần số vô tuyến điện là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật để bảo đảm quản lý, sử dụng hiệu quả tần số vô tuyến điện, tăng cường hợp tác quốc tế về tần số vô tuyến điện để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh.

 

89,25% số ĐBQH có mặt đã nhất trí thông qua dự án Luật  Dân quân tự vệ. Luật Dân quân tự vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010. Luật quy định độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trong thời bình với công dân nam là từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, với công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi. Nếu tình nguyện phục vụ trong lực lượng dân quân tự vệ thì có thể mở rộng độ tuổi đến 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ. Về thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt, Luật quy định là 4 năm. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất nhiệm vụ và yêu cầu công tác, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt có thể kéo dài đối với dân quân không quá 2 năm.

 

Buổi chiều, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật An toàn thực phẩm.

 

Các ĐBQH cơ bản nhất trí cho rằng, Hồ sơ dự án Luật An toàn thực phẩm đã được chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề của UBTVQH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm tại Kỳ họp thứ Năm; tham khảo kinh nghiệm quản lý của một số nước tiên tiến trên thế giới... Tuy nhiên, một số ĐBQH băn khoăn khi dự thảo Luật có tới 18 vấn đề giao Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành. ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đăk Lăk) cho rằng, nhiều quy định cần được đưa vào dự thảo Luật lại bị bỏ sót, trong khi, một số quy định trùng lặp với các Luật khác lại được đưa vào dự thảo Luật. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhấn mạnh, cấu trúc của dự thảo Luật chưa rành mạch, bố trí các chương, điều khoản chưa hợp lý.

 

So với Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm, dự thảo Luật đã quy định rõ ràng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn của sản phẩm thực phẩm đối với sức khỏe nhân dân; các Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện việc quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm theo sự phân công của Chính phủ. Nhưng ĐB Trương Thị Xê (Đăk Lăk), ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội), ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) lại cho rằng, Bộ Y tế hiện chỉ đủ lực lượng để quản lý thực phẩm đã được dọn lên bàn ăn, còn các khâu khác trong chuỗi cung cấp thực phẩm vẫn phải lụy các Bộ, ngành liên quan. Về vấn đề này, ĐB Nguyễn Duy Hữu băn khoăn, dự thảo Luật chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý phần ngọn, còn bỏ sót trách nhiệm của các cơ quan quản lý phần gốc có hợp lý hay không? Bộ Y tế đã có trách nhiệm nặng nề là chăm sóc sức khỏe toàn dân, có đủ sức để kham thêm nhiệm vụ này nữa hay không? Nhiều ĐBQH đề nghị, cần phân công trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành theo hướng bảo đảm quản lý xuyên suốt trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm; giảm bớt đầu mối các Bộ tham gia vào công tác này; phân cấp mạnh cho UBND các cấp trong quản lý về an toàn thực phẩm.

 

Hiện nay việc xử lý vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện theo nhiều văn bản pháp luật khác nhau về xử phạt hành chính, thủy sản, chất lượng sản phẩm hàng hóa... nên mức xử phạt đối với các vi phạm là chưa thống nhất. Do vậy, nhiều ĐBQH đề nghị, dự thảo Luật bổ sung các quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này, để bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa và thực hiện thống nhất việc xử phạt vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk), ĐB Nguyễn Thanh Tân (Hà Tĩnh) đề nghị, tại Luật chuyên ngành cần có các chế tài xử lý việc tuyên truyền không đúng khiến người tiêu dùng hoang mang, phương hại đến quyền lợi của người nông dân, doanh nghiệp. Nhiều ĐBQH cũng nhấn mạnh, việc tuyên truyền không đúng, thiếu thống nhất về các sản phẩm thực phẩm đã khiến người tiêu dùng không biết lựa chọn nguồn thực phẩm an toàn ở đâu. Do vậy, Ban soạn thảo cần rà soát các Luật liên quan để đưa quy định phù hợp về việc tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

L. Hiển – P. Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)