Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

16/01/2010

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hiện vẫn còn 8 vấn đề lớn có ý kiến khác nhau

Ngày 15.1, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế và Dự án Hỗ trợ thúc đẩy thương mại Star phối hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên tới dự. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền chủ trì Hội thảo.

 

Cùng dự có Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận; Ủy viên UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng.

 

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hiện vẫn còn 8 vấn đề lớn có ý kiến khác nhau gồm: hoạt động của các tổ chức tín dụng; quản trị, điều hành; giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng của chi nhánh Ngân hàng nước ngoài; tỷ lệ sở hữu cổ phần; góp vốn mua cổ phần của các tổ chức tín dụng khác; quy định cấm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu; giới hạn cấp tín dụng của ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phi ngân hàng; công khai thông tin trong trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.

 

Đại diện nhiều tổ chức tín dụng tham dự Hội thảo cho rằng, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định khá rõ phạm vi hoạt động kinh doanh của ngân hàng bao gồm hầu hết các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác. Tuy nhiên, cách kết cấu và thể hiện của dự thảo Luật mang nặng tính hành chính, cấp phép, chưa tạo được sự hài hòa giữa yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng với bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo dự thảo Luật, một bộ phận khá lớn các dịch vụ ngân hàng hiện nay sẽ phải xin lại giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Đa số các tổ chức tín dụng này đề nghị: dự thảo Luật mở rộng và làm rõ thêm phạm vi hoạt động ngân hàng của một ngân hàng thương mại đương nhiên được thực hiện. Đối với một số dịch vụ ngân hàng cơ bản mà các ngân hàng thương mại đang thực hiện phổ biến, có tính ổn định thì cần cụ thể hóa các điều kiện ngay trong dự thảo Luật để tổ chức tín dụng nếu có đủ điều kiện thì có thể thực hiện, hạn chế việc phải xin phép Ngân hàng Nhà nước. Đối với một số nghiệp vụ là sản phẩm kết hợp của hai nghiệp vụ mà tổ chức tín dụng đã đủ điều kiện thực hiện về hai dịch vụ này thì không cần phải xin phép Ngân hàng Nhà nước nữa. Về vấn đề công khai thông tin trong trường hợp tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, một số ý kiến cho rằng: trên thực tế, khi một tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt không thể tránh khỏi việc rò rỉ thông tin ngay từ nội bộ và có thể dẫn tới những tác động tiêu cực khi không có thông tin chính thống. Việc cơ quan quản lý nhà nước công khai về việc một tổ chức tín dụng được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt sẽ minh bạch thông tin, tạo sự tin tưởng cho xã hội vào hệ thống kiểm soát cũng như những giải pháp cứu trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm lựa chọn thời điểm công khai thông tin thích hợp nhất.

P.Thuý

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)