Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi): Rà soát lại quy định việc các tổ chức, cá nhân tặng, cho tài sản

20/04/2017

Tiếp tục Chương trình làm việc phiên họp thứ 9, sáng 20/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) của dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi). Thảo luận về một số nội dung trong Dự thảo Luật, nhiều đại biểu đã đề nghị Dự thảo Luật cần điều chỉnh, xem xét lại quy định về việc tặng, cho tài sản trong đó có tặng, cho ô tô như hiện nay.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ ngày 31/10/2016 và tại Hội trường ngày 10/11/2016 ở Kỳ họp thứ 2 vừa qua; ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và ý kiến của các ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 04/4/2017 về Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

Việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) của UBTVQH, về các hành vi bị cấm (Điều 10- Dự thảo Luật), nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các phương tiện này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng; hoặc tài sản được cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, định mức nhưng cá nhân lãnh đạo sử dụng tài sản đó cũng gây dư luận không tốt trong xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp     Ảnh: Đình Nam

Qua giải trình, tiếp thu, UBTVQH nhận thấy pháp luật hiện hành (Quyết định 64/2006/QĐ-TTg, Nghị định 29/2014/NĐ-CP) đã quy định cụ thể điều kiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước được nhận và không được nhận quà tặng; xác lập quyền sở hữu nhà nước đối với quà tặng; xử lý quà tặng trong trường hợp việc tiếp nhận phù hợp về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật. Dự thảo luật quy định việc giao tài sản công cho cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải phù hợp với tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản (khoản 2 Điều 28, khoản 1 Điều 48), thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đồng thời giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, trong đó có tài sản do các tổ chức, cá nhân tặng cho các cơ quan, đơn vị của Nhà nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân. Mặt khác, mặc dù tài sản cho/biếu/tặng đúng tiêu chuẩn, song việc cá nhân sử dụng tài sản này cũng dễ gây nghi ngờ về tính khách quan khi xử lý các vấn đề liên quan đến đơn vị cá nhân cho biếu tặng. Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 10 về các hành vi bị cấm như sau: “Sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho để phục vụ cho cá nhân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Nội dung này được thể hiện tại khoản 4 Điều 10 của Dự thảo luật.

Việc tặng, cho tài sản phải được thực hiện công khai, minh bạch, động cơ không vì trục lợi

Thảo luận tại phiên họp về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, ở nước ngoài thỉnh thoảng có tặng xe, phương tiện cho các tổ chức nhưng ở nước ta, việc này “hình như nó có hình thái khác, cũng nhằm mục đích 2 chữ "lợi ích", không phải thừa hay lợi nhuận quá cao để ta điều tiết lại cho xã hội”. Do đó, toàn bộ những phương tiện xe tặng thì nhận, nhưng phải được tập hợp về và xử lý chung, vấn đề này không phân quyền, ủy quyền cho ai. Tuy nhiên, một số phương tiện đặc biệt, như xe cứu thương mà tặng cho xã, phường hay bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh thì nên có quy định riêng.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải: việc tặng, cho phải được thực hiện công khai, minh bạch

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, để đánh giá việc trục lợi từ việc tặng, cho là rất khó khăn, đây cũng là điều mà cử tri hiện rất lo lắng. Ví dụ, các doanh nghiệp trên địa bàn tặng, cho lãnh đạo tỉnh, cho các sở, ban, ngành, nhưng sau đó lại có những mối quan hệ, những hợp đồng kinh tế, có vấn đề liên hệ với cơ quan được cho, biếu, tặng thì rất khó minh bạch. Cho rằng nếu không nhận thì “rất phí” bởi nhiều nhà hảo tâm có thể thực hiện việc này, tuy nhiên Trưởng ban Dân nguyện cũng lưu ý việc tặng, cho phải được thực hiện công khai, minh bạch, đặc biệt là động cơ không vì mục đích trục lợi.

Còn theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: “không nên cấm việc họ biếu tặng. Quan trọng nhất là cái biếu tặng anh sử dụng thế nào, sử dụng vào việc của cá nhân anh là không được. Nhưng biếu tặng mà anh thanh lý tài sản, mang tài sản đó đi làm từ thiện thì cũng tốt”.

Phát biểu kết luận liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH nhận thấy vấn đề biếu, tặng thống nhất “không nên cứng”. Vấn đề cho, biếu, tặng là hoạt động của một tổ chức, cá nhân tặng cho nhà nước thì bình thường. Nhưng quan trọng nhất là người sử dụng những tài sản cho, biếu, tặng đó có đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức không. Nếu người ta biếu, tặng không đúng thì không được sử dụng mà nó là tài sản chung, thậm chí thừa thì phải đấu giá để xung công quỹ. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại các quy định trong Dự thảo Luật về nội dung này cho phù hợp.

Quang Minh

Các bài viết khác