Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Khánh Hòa

30/01/2010

Ngày 29.1, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy Khánh Hòa để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn phục vụ công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

Ngày 29.1, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Khánh Hòa, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với Ban thường vụ tỉnh ủy để nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn phục vụ công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sắp tới.

 

Tham gia Đoàn công tác có Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Tiểu ban, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền; Nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Ủy viên thường trực Tổ biên tập Tiểu ban Nguyễn Văn Đặng; Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, Ủy viên Tổ biên tập Đinh Văn ân; Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lý luận thuộc Học viên Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Ủy viên Tổ biên tập Nguyễn Viết Thảo...

 

Trên cơ sở báo cáo của Ban thường vụ tỉnh ủy về tình hình thực hiện các nhiệm vụ KT- XH và xây dựng Đảng của Khánh Hòa trong hơn 20 năm qua, Đoàn công tác đã đề nghị Lãnh đạo tỉnh làm rõ vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Với đặc điểm của một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển như xây dựng cảng và kinh doanh dịch vụ hàng hải; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản; dịch vụ - du lịch... thì chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào là phù hợp? Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang dần chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch và công nghiệp – xây dựng. Cụ thể tỷ trọng dịch vụ - du lịch hiện chiếm gần 44%; tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 42% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đáng chú ý, từ năm 1996 đến năm 2005, ngành công nghiệp của tỉnh luôn nằm trong top những địa phương dẫn đầu cả nước, chỉ tính riêng giai đoạn 2001 – 2006, tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt hơn 22%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, tuy nhiên, thực tế mối quan hệ giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế với việc thực hiện chủ trương CNH- HĐH trên địa bàn như thế nào, có đúng hướng hay không và sắp tới định hướng chuyển dịch của tỉnh ra sao? Thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển tích cực và đúng hướng các thành phần kinh tế; tiến hành theo đúng lộ trình của công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tập trung phát triển các loại hình kinh tế ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân... Tỷ trọng cụ thể của các loại hình kinh tế trong GDP của tỉnh như thế nào? Kinh tế nhà nước có giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh hay không? Theo Báo cáo của Ban thường vụ tỉnh ủy, kinh tế hợp tác xã, kinh tế trang trại có bước phát triển, nhưng cụ thể là phát triển như thế nào, có khó khăn, vướng mắc gì không?

 

Tình hình thực hiện Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân như thế nào? Để phấn đấu cao hơn trong công tác xóa đói giảm nghèo, năm 2009, tỉnh đã ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo của cả nước. Theo đó, hộ có thu nhập bình quân dưới 500.000 đồng/tháng ở đô thị, dưới 430.000 đồng/tháng ở nông thôn đồng bằng và dưới 360.000 đồng/tháng đối với nông thôn miền núi là hộ nghèo. Nhưng, thực tế khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo ở tỉnh là bao nhiêu? Qua hơn 20 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, bộ mặt của nông thôn miền núi có nhiều nét đổi thay tích cực, đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được cải thiện, giảm hẳn tình trạng đói nghèo. Đoàn công tác đề nghị tỉnh cho biết, tình cảm của nhân dân các dân tộc Khánh Hòa với Đảng, với Nhà nước như thế nào, có tâm tư, vướng mắc gì không?...

 

Giải đáp băn khoăn của Đoàn, Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Tự cho biết, trước hết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tỉnh xác định là phải đi hai chân, vừa tập trung khai thác thế mạnh về du lịch vừa phát triển công nghiệp. Bởi, mặc dù doanh thu từ du lịch của tỉnh tăng đều hàng năm, bình quân tăng hơn 25%/ năm, nhưng số nộp ngân sách nhà nước không nhiều, chưa bằng một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn. Ban thường vụ tỉnh ủy cũng nêu một số thực trạng và kiến nghị, đề xuất để địa phương ngày càng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển KT – XH. Ví dụ, hiện nay, Khánh Hòa là một trong những địa phương nộp nhiều cho ngân sách Trung ương, nhưng năm nào tỉnh cũng phải đi xin nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Với tỷ lệ điều tiết nguồn thu ngân sách giữa Trung ương và tỉnh chưa hợp lý, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Vậy nên, so với cả nước, Khánh Hòa vẫn mang tiếng là tỉnh nghèo, tỉnh lạc hậu. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT – XH của tỉnh theo quy hoạch, Ban thường vụ tỉnh ủy đề nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh cơ chế, chính sách đối với tỉnh, cụ thể là xem xét điều chỉnh tỷ lệ điều tiết phần thu nội địa ngân sách cho tỉnh. Ở một góc độ khác, do được đánh giá là tỉnh giàu nên Khánh Hòa ít được thụ hưởng các chương trình mục tiêu của Trung ương, trong khi vốn ngân sách điều tiết để lại thấp, không đủ để đầu tư. Đề nghị Trung ương quan tâm bố trí vốn các chương trình mục tiêu đối với Khánh Hòa như các địa phương khác... để Khánh Hòa vươn lên, không chỉ giàu về kinh tế mà còn giàu cả về văn hóa, xã hội.

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, nhất là sự chủ động, sáng tạo của địa phương trong thực hiện các chủ trương, đường lối Đổi mới của Đảng. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục ở mức cao, riêng giai đoạn 2006 – 2010, bình quân tăng 11%/ năm. Năm 2009, thu ngân sách của tỉnh lần đầu tiên đạt mức hơn 6.500 tỷ đồng, tăng 6,5 lần so với năm 2000. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng dần với tốc độ bình quân từ 25 – 30%, năm 2009 là hơn 11 nghìn tỷ đồng. Tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển cơ sở hạ tầng, diện mạo đô thị văn minh hiện đại ngày càng được định hình rõ nét. Các thành phần kinh tế phát triển đúng theo định hướng của Đảng, nổi bật là sự tăng nhanh của kinh tế tư nhân... Khánh Hòa đã quan tâm và thực hiện tốt chính sách xã hội, chăm lo cho người nghèo, dành nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và bảo vệ môi trường...

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, quan trọng hơn là sau khi nghe Ban thường vụ tỉnh ủy báo cáo, có thể nhìn thấy rõ triển vọng và hướng đi của tỉnh trong thời gian tới. Những kết quả, hướng đi và tầm nhìn tương lai đó chứng tỏ tỉnh đã triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối Đổi mới của Đảng, chính sách của Nhà nước; các chủ trương, đường lối đó đã thực sự vào thực tiễn ở Khánh Hòa, tư tưởng của Cương lĩnh năm 1991 của Đảng đã biến thành hiện thực sinh động trên mảnh đất duyên hải Nam Trung Bộ.

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT- XH, nhất là những vướng mắc từ cơ chế, chính sách và khó khăn mới đặt ra trên con đường phát triển. Đây là biện chứng của sự phát triển. Bên cạnh đó, hiện thực ở Khánh Hòa cũng giúp Đoàn công tác thu hoạch được nhiều vấn đề lớn liên quan đến sự phát triển của cả nước như việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hướng tới mục tiêu CNH – HĐH đất nước; việc phát triển các thành phần kinh tế; vấn đề đảng viên làm kinh tế; điều kiện để kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào đảng... Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nhận thấy, từ thực tế chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Khánh Hòa, kinh nghiệm rút ra là không nên hiểu cứng nhắc về chủ trương này mà còn phải tùy vào tình hình, đặc điểm của từng địa phương. Không nhất thiết cứ phải chuyển dịch cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo tỷ trọng bao nhiêu mà quan trọng hơn là cần tính toán xem trong nội ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp đó, hướng phát triển sẽ tập trung vào đâu? Trong dịch vụ xu hướng phải chăng là tập trung phát triển ngành dịch vụ có chất lượng cao và bảo vệ được môi trường. Còn, trong công nghiệp, phải chăng là cần đi vào công nghiệp hiện đại, đi vào chiều sâu với hàm lượng chất xám cao, chứ không phải phát triển theo bề rộng...  

 

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị tỉnh suy nghĩ thêm về hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới. Với địa bàn giàu tiềm năng về kinh tế biển, về đất rừng như Khánh Hòa, có ý kiến cho rằng, việc tập trung phát triển dịch vụ có hơi quá nhanh so với các lĩnh vực khác? Thực tế là như thế nào? Phải chăng là trong phát triển kinh tế địa phương, cùng với phát triển công nghiệp – xây dựng, dịch vụ - du lịch thì nên quan tâm hơn đến thế mạnh về rừng? Đây là tài nguyên quý mà không phải địa phương nào cũng có. Chủ tịch QH cơ bản nhất trí với các kiến nghị của Ban thường vụ tỉnh ủy Khánh Hòa và cho rằng, những kiến nghị này đã gợi mở nhiều điều để Trung ương tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Cụ thể là nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về đầu tư vốn, khuyến khích các địa phương tăng thu ngân sách, khuyến khích phát triển sản xuất; cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai; tiếp tục cải cách hành chính; nghiên cứu, đổi mới công tác cán bộ, cơ chế, chính sách như thế nào để thu hút được nhân tài, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và có hiệu quả cao...

 

Nhân dịp Tết Nguyên Đán Canh Dần, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã gửi tới Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa lời chúc sức khỏe và chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất; chúc đồng bào các dân tộc trong tỉnh đón Tết vui vẻ, an toàn và tiết kiệm.

 

+ Chiều cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và nắm tình hình thực tiễn tại xã Ninh Phụng, Ninh Hòa; thăm và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Môn và Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Dĩ ở xã Ninh Thọ, Ninh Hòa...

T. Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)