Hội thảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật hành chính công

06/05/2017

Sáng 6/5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, thực hiện chương trình công tác năm 2017, Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng Luật hành chính công với sự chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Trưởng ban soạn thảo Luật hành chính công, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có: Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng; Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cùng các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật hành chính công, các chuyên gia và nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật hành chính. Hội thảo có sự tham gia chia sẻ kinh nghiệm của các giáo sư của trường Đại học Nagoya và Đại học Ruykoky (Nhật Bản) về xây dựng pháp luật hành chính công Nhật Bản.

GS. Phan Trung Lý phát biểu tại Hội thảo

Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội GS.Phan Trung Lý chia sẻ với nỗ lực, tâm huyết và sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cùng sự hỗ trợ, ủng hộ của nhiều cơ quan, đơn vị, đại biểu Quốc hội, nhà khoa học, dự án Luật hành chính công đã được Quốc hội Việt Nam tán thành đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và dự thảo Luật đang trong quá trình xây dựng. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam có một luật chuyên về hành chính công, tạo ra bước phát triển mới trong vận hành nền hành chính của Việt Nam. Do đó những kinh nghiệm chia sẽ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản sẽ là những kinh nghiệm quý báu để Ban soạn thảo, Tổ biên tập hoàn thiện dự thảo Luật hành chính công.

Tại hội thảo các đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề trao đổi như khái niệm trong pháp luật Nhật Bản về hành chính công, các yếu tố cấu thành của hành chính công, những văn bản pháp luật nào tại Nhật Bản điều chỉnh lĩnh vực này, tại sao Nhật Bản lại không xây dựng một đạo luật về hành chính công riêng biệt và nhận định của của các chuyên gia về phạm vi điều chỉnh, nội dung dự thảo Luật hành chính công của Việt Nam, những vấn đề Việt Nam cần xử lý trong quá trình xây dựng luật.

Xây dựng luật là nhằm bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch của nền hành chính

Nguyên Phó Chủ tịch Đại học Nagoya GS.Ichihashi Katsuya cho biết trong khái niệm pháp lý của Nhật Bản không có khái niệm hành chính công và cũng không có luật riêng về hành chính công. Tuy nhiên, qua tìm hiểu pháp luật Việt Nam và dự thảo Luật hành chính công có thể thấy khái niệm hành chính công ở Việt Nam tương gần với khái niệm sử dụng nguồn lực công để cung cấp dịch vụ công của Nhật Bản (public services). Tại Nhật, việc cung cấp các dịch vụ công được quy định trong các luật chuyên ngành của từng lĩnh vực. Ngoài ra, Nhật Bản có Luật thủ tục hành chính và Luật giám sát khiếu nại hành chính.

Luật chung về thủ tục hành chính bảo đảm áp dụng các hành vi hành chính được thực hiện đúng pháp luật. Luật này quy định cụ thể thủ tục thực hiện các hành vi hành chính của cơ quan hành chính như thủ tục đối với cấp phép hành chính, thủ tục có liên quan đến hành vi hành chính xử lý bất lợi cho người dân. Ngoài ra, luật còn quy định về quy trình chỉ đạo hành chính, hướng dẫn hành chính, thủ tục ban hành các quyết định hành chính (hoạt động lập quy của cơ quan nhà nước). Trong khi đó, Luật giám sát khiếu nại hành chính tập trung xử lý hậu quả phát sinh của hành vi hành chính.

Nhật Bản cũng có Luật đạo đức công vụ, Luật tiếp cận thông tin…bên cạnh Luật thủ tục hành chính nhằm hướng đến xây dựng nền hành chính tiên tiến. Nhờ có các văn bản luật này mà cách thức điều hành nền hành chính, văn hóa hành chính của Nhật có nhiều sự thay đổi. Các thủ tục hành chính cởi mở hơn với người dân, doanh nghiệp, hoàn toàn không có hiện tượng tiếp đãi hay quà cáp trong quan hệ giữa cơ quan hành chính với ngươi dân, doanh nghiệp hay giữa cơ quan hành chính địa phương với trung ương; tạo ra sự công bằng, minh bạch giữa cơ quan nhà nước với người dân, tạo điều kiện cho phụ nữ tích cực tham gia hoạt động xã hội.

Các chuyên gia Nhật Bản cũng cho biết, một số nước đã thất bại trong việc xây dựng một luật hành chính công tổng thể với nhiều nội dung về thủ tục của hành vi hành chính. Nhật Bản cũng mất 40 năm để xây dựng và ban hành luật thủ tục hành chính bởi nhiều tranh cãi giữa các chuyên gia về sự hoàn thiện của nội dung, tính bao quát trong phạm vi điều chỉnh của luật giữa việc đáp ứng đòi hỏi thực tiễn. Vì vậy, trong trường hợp không xây dựng được đạo luật lớn về hành chính có thể tập trung xây dựng luật điều chỉnh vào một số hành vi hành chính cấp bách và quan trọng. Điều này phụ thuộc chính sách và lựa chọn của mỗi quốc gia. Theo Giáo sư Honda Takio, tên gọi của luật không quan trọng mà ý nghĩa của việc xây dựng luật là nhằm tạo ra bước tiến trong nền hành chính quốc gia làm thay đổi tư duy, hành động, ý thức của các cơ quan hành chính, công chức nhà nước bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch.

GS.Honda Taikio, đại học Ruykoku, Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm xây dựng pháp luật hành chính của Nhật Bản

Dự án Luật hành chính công sẽ làm thay đổi tư duy, nhận thức vận hành nền hành chính Việt Nam

Hoan nghênh việc xây dựng luật hành chính công của Việt Nam, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng điều này thể hiện bước tiến lớn trong quan niệm và tư duy chuyển từ nền hành chính kiểm soát, mệnh lệnh, xử phạt sang cung cấp phục vụ người dân nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân.

Các chuyên gia cho rằng, hệ thống pháp luật về hành chính của Việt Nam tương đối nhiều và đẩy đủ như Luật tiếp cận thông tin, Luật khiếu nại, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật tố tụng hành chính, các luật về tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước… Vì vậy vai trò của Luật hành chính công trong tổng thể các luật này có ý nghĩa lớn, làm thay đổi quan điểm vận hành nền hành chính bằng cách xác lập các nguyên tắc chung của một nền hành chính phục vụ.  

Các chuyên gia cũng đề nghị xem xét bổ sung các quy định về thủ tục trước khi ban hành các quyết định hành chính như trao đổi, tham vấn người dân; nội dung về dịch vụ công, hợp đồng hành chính, quy hoạch kế hoạch hành chính; làm rõ cơ chế để người dân bảo vệ quyền lợi của mình, giám sát hành vi hành chính, các tiêu chí để cơ quan nhà nước từ chối cung cấp dịch vụ; chế tài xử lý để cơ quan nhà nước không cung cấp hay cung cấp dịch vụ không bảo đảm cho người dân…

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Tán thành với đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh, mục tiêu xây dựng luật hành chính công của Việt Nam nhằm quyết tâm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước được xác định từ lâu trong việc chuyển đổi nền hành chính tập trung quan liêu bao cấp sang nền hành chính phục vụ. Theo đó, xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, phục vụ nhân dân, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; tạo cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá các hoạt động và chất lượng dịch vụ công, góp phần phòng chống tham nhũng, thúc dẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nội dung của dự án Luật không chỉ hướng đến dịch vụ công mà còn có hợp đồng hành chính công, Chính phủ điện tử, kiểm soát hành chính công…

Tiếp thu ý kiến các chuyên gia, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh cho biết, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi định nghĩa hành chính công và một số nội dung trong dự thảo luật để có cách hiểu hoàn thiện, đầy đủ nhất về hành chính công ở Việt Nam qua đó hình dung đầy đủ phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. 

Tin và ảnh: Bảo Yến

Các bài viết khác