Quân đội ta là quân đội cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất

24/11/2017

Sáng 24/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, với sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật quốc phòng sửa đổi.

Cần nghiên cứu kỹ quy định về phòng thủ quân khu

Bày tỏ sự quan tâm về vấn đề phòng thủ quân khu được quy định trong dự thảo luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Hội- tỉnh Nghệ An cho rằng nội dung Điều 9 về phòng thủ quân khu là nội dung mới so với luật năm 2005. Về bản chất, nếu nói nội dung phòng thủ quân khu là mới đó là mới đưa vào luật, còn tác chiến phòng thủ quân khu của quân đội ta đã hình thành, phát triển từ ngày đầu thành lập và hoạt động có hiệu quả trong chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay cơ cấu tổ chức con người, vũ khí, nhiệm vụ của các quân khu đang ngày càng củng cố và hoàn thiện theo hướng xây dựng quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại như ổn định biên chế, điều chỉnh vị trí đóng quân, xây dựng các công trình quân sự huấn luyện, diễn tập... Quân đội xác định phòng thủ quân khu là một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ quốc gia.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Hội phát biểu tại hội trường                                                                     Ảnh: Đình Nam

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn- tỉnh Ninh Bình nhận định, Chương II, có 10 điều nhưng chỉ có 2 điều trực tiếp đề cập tới hoạt động quân sự của quân đội. Vậy, 2 điều này là những quy định về phòng thủ, đó là Điều 9, phòng thủ quân khu, đây là một điều mới và Điều 10, khu vực phòng thủ, đây là điều sửa đổi. Hai điều này chỉ giới hạn khái niệm phòng thủ ở một phạm vi địa lý hẹp và nội dung thể hiện tư tưởng quân sự lấy chiến tranh nhân dân làm căn bản, lấy lực lượng lục quân và dân quân tự vệ làm lực lượng nòng cốt trong hoạt động phòng thủ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho rằng thuật ngữ phòng thủ trong quân sự là biểu thị một bên ở thế yếu và thế bị động, dùng khái niệm phòng thủ là không thể hiện được tính chủ động của hoạt động quốc phòng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ngày nay nếu chiến tranh hiện đại xảy ra, khởi đầu sẽ là một cuộc chiến tranh điện tử, chiến tranh không gian mạng giữa hai bên. Với đặc điểm lãnh thổ nước ta hẹp, dài lại có vùng biển rộng gấp 3 lần đất liền, khi tiềm lực kinh tế và tiềm lực quốc phòng còn hạn chế thì hoạt động cơ bản về quốc phòng để bảo vệ đất nước phải được phân chia thực hiện trên một phạm vi đủ rộng, kết hợp với sự hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa quân binh chủng thì mới có thể hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo và đất liền. Việc phòng thủ quân khu thích hợp với kiểu chiến tranh truyền thống chống kẻ thù khi chúng xâm lấn lãnh thổ nhưng khả năng tiềm lực của quân khu không thể đối phó được với phương thức chiến tranh hiện đại sử dụng công nghệ cao. Cấp quân khu cũng chỉ là một trong các mô hình tổ chức của quân đội. Hiện nay quân đội của ta còn có các mô hình tổ chức khác là các quân chủng, binh chủng, quân đoàn và đây mới thực sự là lực lượng chủ chốt, quả đấm thép của quân đội.

Từ những phân tích trên, đại biểu nêu rõ nội dung tổng quát tại Điều 9 Luật Quốc phòng năm 2005 quy định về xây dựng khu vực phòng thủ là hợp lý, phù hợp với đặc thù của Luật Quốc phòng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giữ lại Điều 9 luật năm 2005, có thể chỉnh sửa, bổ sung lại điều này và đặt lại tên điều là: "Xây dựng các khu vực bảo vệ", không nên dùng cụm từ "phòng thủ" nữa. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét việc đưa vào dự thảo luật nội dung Điều 9 là phòng thủ cấp quân khu.

Quân đội ta là quân đội cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất

Quan tâm đến vấn đề quân đội tham gia sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh- tỉnh Bình Dương nêu rõ, Điều 16, dự thảo luật quy định Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ lao động, sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế, quy định trên khẳng định chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện bản chất cách mạng truyền thống tốt đẹp của quân đội nhân dân Việt Nam, thể chế hóa chức năng, nhiệm vụ quân đội, đồng thời đây cũng là vấn đề cử tri quan tâm nên cần phải có quy định rõ trong Luật Quốc phòng.

Bày tỏ đồng tình cao với quy định này, đại biểu phân tích, về mặt pháp lý, Điều 65 Hiến pháp năm 2013 quy định lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ cùng toàn dân xây dựng đất nước. Điều 68 Hiến pháp quy định kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh. Vì vậy, Luật Quốc phòng cần thể chế hóa quy định này. Về mặt thực tiễn, ngay từ ngày đầu thành lập, chức năng, nhiệm vụ của quân đội đã được xác định, quân đội ta là đội quân cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân sản xuất. Những năm gần đây quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt, tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội, triển khai xây dựng các khu kinh tế quốc phòng, tạo điều kiện ổn định cho hàng vạn hộ dân định cư lâu dài, hình thành thế bố trí chiến lược trên địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Khánh phát biểu tại hội trường

Các doanh nghiệp và quân đội đã không ngừng đổi mới, phát triển hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, chấp hành nghiêm pháp luật. Nhiều doanh nghiệp quân đội năng động, sáng tạo, chiếm lĩnh thị trường và đầu tư ra nước ngoài, giữ vị trí xứng đáng trong nền kinh tế quốc dân. Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, việc quân đội tham gia phát triển kinh tế- xã hội sẽ góp phần thực hiện được 4 mục tiêu là gia tăng sức mạnh của quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tận dụng tiềm lực, tiềm năng của đất nước về mọi mặt, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Hiện nay Bộ Quốc phòng đang tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp theo hướng các doanh nghiệp quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà làm kinh tế quốc phòng, làm kinh tế khoa học công nghệ để phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng, góp phần làm gia tăng sức mạnh trong quân đội và tiềm lực quốc gia.

Cũng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Quốc hội Phùng Đức Tiến- tỉnh Hà Nam nhận định kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa xã hội có vai trò quan trọng đặc biệt ở các vùng phên dậu của đất nước và sự phát triển của các doanh nghiệp quân đội. Cơ bản nhất trí với nội dung này quy định tại Điều 16 của dự thảo luật. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá so với quy định tại Điều 11 Luật Quốc phòng năm 2005, chưa thấy rõ vai trò của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng này. Theo đại biểu, Dự thảo Luật sửa đổi nên kế thừa và có sửa đổi, bổ sung những nội dung cần thiết đã quy định tại khoản 1 Điều 11 Luật Quốc phòng năm 2005 để thành khoản 1 Điều 16 nhằm khẳng định nhà nước là chủ thể chịu trách nhiệm chung về kết hợp quốc phòng với kinh tế, văn hóa xã hội và kinh tế, văn hóa xã hội với quốc phòng. Còn Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương là các cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Về khoản 1 Điều 16, đại biểu đánh giá nội dung khá đầy đủ nhưng để đảm bảo tính rõ ràng nên chia khoản 1 thành hai điểm. Một điểm quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các tổ chức, cơ quan hữu quan xây dựng chiến lược kế hoạch và kết hợp. Một điểm quy định trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong tổ chức quản lý và các hình thức kết hợp quốc phòng và kinh tế. Quy định như vậy sẽ bảo đảm mọi tổ chức, cá nhân hiểu đúng về kết hợp quốc phòng với kinh tế.

Về khoản 3 Điều 16 quy định còn chung chung sẽ khó cho việc tổ chức thực hiện, cũng như giám sát thi hành luật pháp sau này. Đại biểu cho rằng khoản 3 phải xác định rõ việc kết hợp kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng do chủ thể nào thực hiện, thực hiện như thế nào, chính sách nhà nước đối với nhiệm vụ này, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh ngay từ ngày đầu thành lập, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam đã được Đảng và Bác Hồ xác định: Quân đội ta là quân đội cách mạng, đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất. Chức năng cơ bản đó được khẳng định vào phát huy trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội. Tại phiên thảo luận, Bộ Quốc phòng khẳng định sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề các đại biểu quan tâm để hoàn thiện Dự thảo luật đảm bảo tính khả thi khi đưa vào áp dụng.

Hồ Hương