Kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác bổ nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp Nhà nước

31/01/2018

Chiều 31/1, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Bộ Nội vụ nhằm xem xét, cho ý kiến về tình hình thực hiện công tác nhân sự giữ chức vị trí quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước diện Thủ tướng Chính phủ quyết định giai đoạn 2011 – 2016. Tại buổi làm việc, một số ý kiến cho rằng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác bổ nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý.

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Nội vụ

Giai đoạn 2011-2016: Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định 11 trường hợp giữ chức danh, lãnh đạo quản lý doanh nghiệp Nhà nước

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ về tình hình thực hiện công tác nhân sự giữ chức vị trí quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước diện Thủ tướng Chính phủ quyết định giai đoạn 2011 – 2016: Trong giai đoạn từ năm 2011 đến trước ngày 05/12/2015, Bộ Nội vụ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm 10 trường hợp. Trong đó năm 2011, bổ nhiệm 03 trường hợp; năm 2012 bổ nhiệm 02 trường hợp; năm 2014 bổ nhiệm 03 trường hợp; năm 2015 (tính đến ngày 04/12/2015) bổ nhiệm 02 trường hợp.

Điển hình như việc bổ nhiệm: ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Phùng Đình Thực, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; ông Lê Minh Chuẩn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam…

Trong giai đoạn từ ngày 05/12/2015 đến năm 2016, Bộ Nội vụ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm 01 trường hợp, cụ thể: Tại Quyết định số 2428/QĐ-TTg ngày 28/12/2015, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Chi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên chuyên trách Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).

Thực hiện đúng quy định về việc bổ nhiệm cán bộ tại các doanh nghiệp Nhà nước

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2011 đến năm 2016, để bảo đảm việc bổ nhiệm người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện đúng quy định của Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành các Nghị định để quy định cụ thể về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp. Đồng thời, đối với mỗi loại hình doanh nghiệp, theo ngành nghề hoạt động, Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động, theo đó cũng quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện của người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Như vậy, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp đã được Chính phủ quan tâm, ban hành kịp thời.

Việc bổ nhiệm người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp được Hội đồng thành viên, Bộ quản lý ngành thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 66/2011/NĐ-CP, Thông tư số 03/2012/TT-BNV (thời điểm từ năm 2011 đến trước ngày 05/12/2015) và Nghị định số 97/2015/NĐ-CP (từ ngày 05/12/2015 đến nay) và quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn quy định tại các Nghị định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, căn cứ quy định của pháp luật về hồ sơ cán bộ do Bộ quản lý ngành gửi Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thẩm định trình Chính phủ về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục đối với người giữ chức vụ, chức danh quản lý tại doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ (gồm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước).

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Theo đó, giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, Bộ Nội vụ đã thực hiện đúng quy định Đảng và của pháp luật về việc bổ nhiệm cán bộ tại tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Cụ thể, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương bổ nhiệm, Bộ quản lý ngành thực hiện trình tự, thủ tục bổ nhiệm nhân sự giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn, hoàn thiện hồ sơ tình Thủ tướng Chính phủ; đồng thời gửi Bộ Nội vụ để thẩm định. Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm về việc thực hiện quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá về phẩm chất, năng lực đối với nhân sự được đề nghị bổ nhiệm. Bộ Nội vụ thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm do Bộ quản lý ngành trình Thủ tướng Chính phủ. Sau khi có ý kiến thẩm định của các Ban của Trung ương Đảng (Ban Tổ chức Trung ương), Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại tại các doanh nghiệp Nhà nước

Về thẩm quyền đánh giá, nội dung đánh giá, tiêu chí đánh giá, trình tự, thủ tục đánh giá đối với người quản lý doanh nghiệp đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 97/2015/NĐ-CP, các Nghị định quy định về Điều lệ và tổ chức hoạt động của Tập đoàn. Theo đó, Bộ trưởng Bộ quản lý ngành chịu trách nhiệm đánh giá đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn.

Thành viên Đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc

Thảo luận, cho ý kiến tại buổi họp, một số ý kiến cho rằng, hiện nay, cơ chế giám sát, quản lý hoạt động, điều hành đối với người quản lý doanh nghiệp chưa chặt chẽ dẫn đến một số cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí đã làm giảm uy tín, tạo dư luận xấu và hình ảnh xấu về doanh nghiệp nhà nước.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, theo quy định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn thì Bộ quản lý ngành là cấp trên trực tiếp của Hội đồng viên Tập đoàn, có quyền và trách nhiệm đánh giá đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn. Tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa được Bộ quản lý ngành quan tâm kịp thời; vẫn có trường hợp khi bổ nhiệm người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp được đánh giá tốt nhưng khi điều hành, quản lý doanh nghiệp lại để xảy ra sai phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Bộ Nội vụ đề nghị cần quán triệt sâu sắc, tuyên truyền nhân rộng, nâng cao nhận thức về quan điểm, mục tiêu, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng giải trình, làm rõ một số nội dung các thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến

Đồng thời cần tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch; về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp bảo đảm sự đồng bộ, nhất là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Bên cạnh đó, có ý kiến cũng đề nghị cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật người quản lý doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý…

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách, Phó Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc trên tinh thần thống kê cụ thể số lượng và làm rõ hơn nữa thực trạng, trách nhiệm của các cán bộ giữ chức vị trí quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước; cần có những giải pháp, phương hướng, định hướng trong giai đoạn tiếp tới cũng như việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế…, đồng thời tiếp tục chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện và báo cáo tới Đoàn giám sát sau thời hạn 10 ngày làm việc.

Quang Minh