Phiên họp thứ Ba mươi của UBTVQH

17/04/2010

*Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi): tách bạch thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính * Cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học: quy hoạch mạng lưới các trường đại học đã phúc đáp được đòi hỏi của xã hội hay chưa?

Sáng 16.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Theo Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), qua triển khai thực hiện, Luật Thanh tra hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến vị trí, chức năng, quyền hạn, tổ chức và phương thức hoạt động của lực lượng thanh tra như: chưa thể hiện rõ cơ quan thanh tra vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra vừa là công cụ hữu hiệu tiến hành thanh tra phục vụ công tác quản lý, điều hành của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Có nơi vẫn coi thanh tra chỉ đơn thuần là công cụ của thủ trưởng cơ quan quản lý. Quyền hạn, chức năng của cơ quan thanh tra chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan thanh tra không có quyền quyết định tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Luật Thanh tra chỉ quy định thanh tra bộ, thanh tra sở nhưng hiện nay, bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm nhiều tổng cục, cục. Thực tế, tại một số tổng cục, cục thuộc bộ đã thành lập cơ quan thanh tra và hoạt động có hiệu quả... Những hạn chế trên đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Thanh tra tương đối toàn diện nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận nêu rõ: Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần bổ sung thông tin về kết quả thực hiện Luật Thanh tra trong 5 năm qua, nhất là việc triển khai thực hiện quy định về thanh tra chuyên ngành để QH có thêm cơ sở thảo luận, cho ý kiến.

Về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, dự thảo Luật quy định, thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước; còn thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành những quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định như dự thảo Luật là chưa rõ ràng, bởi xét về mặt khái niệm thì pháp luật chuyên ngành cũng nằm trong nội hàm của khái niệm pháp luật, còn xét về thực tiễn, rất khó xác định được ranh giới giữa pháp luật và pháp luật chuyên ngành. Cần phải phân định sự khác biệt giữa hai loại hình thanh tra này. Đồng tình với quan điểm này, các Ủy viên UBTVQH đề nghị, dự thảo Luật cần tách bạch hai khái niệm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Việc quy định không rõ ràng sẽ làm cho những vướng mắc hiện nay trong việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa thanh tra theo cấp hành chính và thanh tra theo ngành, lĩnh vực không giải quyết được, thậm chí có thể tiếp tục làm nảy sinh những vướng mắc khác.

So với Luật Thanh tra hiện hành, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bổ sung quy định mới về thanh tra tổng cục, thanh tra cục thuộc bộ, thanh tra chi cục thuộc sở. Dự thảo Luật quy định, thanh tra bộ có quyền thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, những quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực do bộ phụ trách; còn thanh tra tổng cục, thanh tra cục thuộc bộ có thẩm quyền thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, những quy định về chuyên môn kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được phân cấp quản lý. Chủ tịch HĐDT K’sor Phước cho rằng, với quy định này thì phạm vi thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ sẽ bao trùm phạm vi thanh tra của thanh tra tổng cục, cục; dẫn đến một số trường hợp rất khó xác định thẩm quyền, trách nhiệm của thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục. Cần cân nhắc việc thành lập thanh tra chuyên ngành ở các tổng cục, cục, chi cục nhằm hạn chế tối đa việc làm tăng đầu mối; tăng biên chế, kinh phí hoạt động; chồng chéo trong tổ chức, hoạt động và tránh gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, điều hành. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, nếu theo quan điểm thu gọn bộ máy hành chính thì không nên thành lập thanh tra tổng cục, cục, chi cục; nhưng xét về thực tế, một số thanh tra tổng cục, thanh tra cục được thành lập đã hoạt động có hiệu quả. Cho nên, tùy theo tính chất, mô hình tổ chức quản lý của các lĩnh vực có phạm vi, đối tượng quản lý rộng, phức tạp, có thể thành lập thanh tra tổng cục; còn không nên thành lập thanh tra cục, chi cục. Đồng thời, cần đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện, cụ thể hơn về mặt tổ chức bộ máy, tài chính, nhân lực nếu thành lập thêm các tổ chức thanh tra này.

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đối với giáo dục đại học.

Theo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi trình bày - từ năm 1998 – 2009, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành 155 văn bản quy phạm pháp luật, với phạm vi điều chỉnh bao trùm hầu hết các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học. Các văn bản quy phạm pháp luật này đã từng bước thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về giáo dục đại học. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục còn chậm; nhiều văn bản quan trọng vẫn chưa được ban hành; một số văn bản còn quy định chung chung, thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, giáo dục và đào tạo đã được Đảng và Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu; nhưng vẫn chưa trở thành mối quan tâm hàng ngày, được sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của các cấp lãnh đạo. Ngân sách nhà nước phân bổ cho giáo dục đại học ở nhiều địa phương thường dễ bị cắt xén, điều chuyển cho công việc khác. Công tác quản lý còn nhiều yếu kém, hệ thống quản lý cồng kềnh, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của giáo dục, đào tạo đã dẫn đến nhiều bất cập trong giáo dục – đào tạo như: việc mở trường và mở ngành đào tạo tràn lan; chất lượng giáo dục đại học nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đoàn giám sát đề nghị, cần sớm xây dựng Luật Giáo dục đại học để thống nhất và luật hóa các vấn đề về quản lý hệ thống giáo dục đại học; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản trong các Luật khác có liên quan nhằm tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển nhanh. Chính phủ rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học; khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục còn thiếu; bổ sung, chỉnh sửa các văn bản không hợp lý. Trong công tác quản lý, cần đổi mới căn bản và toàn diện quản lý giáo dục đại học: từng bước giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn nữa cho các trường; tăng cường trách nhiệm của các bộ quản lý, tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm đúng chức năng quản lý nhà nước, không làm thay công việc của các trường đại học, cao đẳng. UBND các tỉnh, thành phố cần xây dựng cơ chế giao đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các cơ sở giáo dục đại học tại địa phương.

Cơ bản tán thành với những quan điểm trong Báo cáo giám sát, nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, cần xem xét lại Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đã hợp lý, phúc đáp được đòi hỏi của xã hội hay chưa? Bởi thực tế, việc cho phép thành lập mới các trường đại học, cao đẳng có phần dễ dãi, trong khi, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giáo viên không bảo đảm đã khiến chất lượng đào tạo thấp. Việc thành lập các trường đại học, cao đẳng công lập tại nhiều địa phương khiến việc đầu tư cho giáo dục đại học bị dàn trải, manh mún, không hiệu quả. Nhiều Ủy viên UBTVQH nhấn mạnh, Báo cáo giám sát cần đánh giá sâu hơn về những bất cập trong quản lý giáo dục đại học; việc đào tạo chưa gắn với thị trường lao động và các đơn vị sử dụng lao động; công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học... Một số Ủy viên UBTVQH đề nghị, báo cáo giám sát cần đánh giá sâu sắc hơn về chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Bởi linh hồn của giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng chính là chất lượng đào tạo. 

 

P. THỦY - H.VÂN

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)