Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 Ủy ban điều tra thực trạng AIPA nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy

24/04/2010

Tham dự Hội nghị có các đoàn đại biểu của QH các nước thành viên AIPA, quan sát viên đặc biệt của AIPA; đại diện tổ chức quốc tế liên quan như Cơ quan phòng chống tội phạm ma túy của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNODC)...

Ngày 23.4, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã chủ trì Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 Ủy ban điều tra thực trạng AIPA nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy (AIFOCOM-7). Hội nghị chuyên đề do QH nước ta đăng cai tổ chức trong năm Chủ tịch AIPA - 31. Tham dự Hội nghị có các đoàn đại biểu của QH các nước thành viên AIPA, quan sát viên đặc biệt của AIPA; đại diện tổ chức quốc tế liên quan như Cơ quan phòng chống tội phạm ma túy của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNODC)...

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu rõ: cũng như các quốc gia trong khu vực và quốc tế, Việt Nam nhận thức rất sâu sắc về tác hại của ma túy đối với cộng đồng và xã hội. Trong những năm qua, công tác phòng, chống hiểm họa ma túy của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Việt Nam cũng đã chủ trì cùng các nước xây dựng tầm nhìn ASEAN không có ma túy vào năm 2015; chủ trì Hội nghị xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của ASEAN và hình thành khuôn khổ hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mê Kông... Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng tin tưởng, Hội nghị AIFOCOM - 7 là diễn đàn để nghị viện các nước thành viên AIPA trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm cũng như thực tiễn lập pháp về đấu tranh phòng, chống ma túy. Các sáng kiến và kiến nghị từ Hội nghị AIFOCOM - 7 sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà lập pháp khu vực ASEAN xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đấu tranh có hiệu quả với hiểm họa ma túy.

 

Các nghị sỹ đến từ nghị viện các nước thành viên AIPA đã thông báo về tình hình đấu tranh phòng, chống ma túy ở mỗi nước; phân tích, đối chiếu các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; thảo luận và xây dựng báo cáo kiến nghị trình Đại hội đồng AIPA - 31 diễn ra vào tháng 9 tới. Các nghị sỹ thống nhất cho rằng, tệ nạn ma túy không phải là hiểm họa của riêng quốc gia nào mà là hiểm họa chung của tất cả quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Đáng lo ngại là, tội phạm ma túy đang ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi và lợi dụng tiến trình toàn cầu hóa để mở rộng phạm vi hoạt động. Tệ nạn ma túy đã gây ra những ảnh hưởng, hậu quả nghiêm trọng đến phát triển kinh tế và ổn định chính trị, an sinh xã hội. Các đại biểu cũng cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, song sự nghiệp đấu tranh bài trừ ma túy còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Hiệu quả hợp tác giữa các nước vẫn còn hạn chế do sự khác biệt về luật pháp và cơ chế, chính sách. Vì vậy, AIFOCOM – 7 cần đề xuất các kiến nghị cụ thể đến Nghị viện và Chính phủ các nước ASEAN nhằm hài hòa hệå thốëng pháp luật giữa các nước thành viên trong lĩnh vực phòng, chống ma túy để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hợp tác giữa các nước trong khu vực trong công cuộc phòng, chống hiểm họa ma túy...

H.Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)