Quốc hội thảo luận về quy hoạch thủ đô: Nhiều nỗi lo và nghi vấn

05/06/2010

Chiều 3.5, QH đã thảo luận ở tổ về Đề án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi ở khắp các tổ đại biểu, vì đây là dự án xây dựng thủ đô cho đất nước.

Quy hoạch chồng lên quy hoạch

Mở đầu phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Đăng Kính đã nêu sự băn khoăn: “Nếu theo đề án thì trung tâm hành chính quốc gia (TTHCQG) được đặt tại Ba Vì, vậy tại sao lại phải mang lên tận trên đó, trong khi một số cơ quan bộ đã và đang xây dựng trụ sở ở khu vực Mỹ Đình? Nếu TTHCQG lên đó thì lãnh đạo thành phố ở đâu?”.

ĐB Nguyễn Đăng Kính đặc biệt nhấn mạnh đến việc quy hoạch theo đề án đang chồng lên những quy hoạch đang có và đang thực hiện. Nếu thực hiện theo đề án thì phải phá đi làm lại toàn bộ, vô cùng lãng phí. Đồng tình với quan điểm này, nhiều ĐB khác như: Chu Sơn Hà, Nguyễn Ngọc Đào, Đặng Văn Khanh... đều có ý kiến phải xem xét lại quy hoạch theo đề án.

“Hiện tại chúng ta đang thực hiện rất nhiều quy hoạch cũ, ví dụ như việc chuyển 20.000 sinh viên lên Hòa Lạc... và hạ tầng ở khu vực này đang được thực hiện hoặc hàng loạt các cơ quan, công sở, khu công nghiệp, khu dân cư đã và đang xây dựng rồi, nhưng theo đề án thì khu đó lại là những vùng xanh, vậy chẳng nhẽ phải đập đi làm lại?” - ĐB Chu Sơn Hà nêu vấn đề.

ĐB Đặng Văn Khanh và các ĐB cùng chung nhóm ý kiến này đều có kiến nghị cần phải xây dựng lại đề án để làm sao mang tính kế thừa và phát triển tránh tình trạng chồng lên nhau, lãng phí tiền của cả Nhà nước và người dân.

Nông dân Hà Nội sẽ ở đâu?

Một vấn đề được các ĐB hết sức quan tâm đó là vấn đề nông dân Hà Nội. ĐB Nguyễn Ngọc Đào đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Đề án chưa dự liệu được đến sự rối ren trong quan hệ đất đai ở những vùng mới phát triển. Chẳng hạn như đất nông nghiệp đã giao cho nông dân sử dụng 50 năm, đất rừng... giờ sẽ thu hồi thế nào?

Đề án cũng không đề cập tới thời tiết khí hậu vùng Ba Vì rất nóng nếu các cơ quan hành chính lên đó làm việc với khí hậu nóng như thế sẽ ảnh hưởng ra sao? Từ những vấn đề đó, ĐB Đào đề nghị: “Tôi đề nghị Chính phủ phải có đầy đủ các loại thông tin thực tế để trả lời các câu hỏi như: Nếu quy hoạch như vậy thì hệ quả của sự phân bố dân cư sẽ ra sao vì chẳng lẽ để trí thức làm việc trong các cơ quan hành chính ở Ba Vì thì về Ba Vì ở. Nếu vậy thì nông dân Ba Vì phải dời đi đâu, chẳng lẽ nông dân Ba Vì phải về phố cổ Hà Nội?”.

ĐB Chu Sơn Hà, ĐB Nguyễn Đăng Kính thắc mắc: “Hà Tây cũ và Hà Nội bây giờ là địa phương có nhiều làng nghề nhất nước và còn số lượng nông dân không hề nhỏ. Mặc dù trong quy hoạch thì dự tính đến 2050 nông dân chỉ chiếm 3% vậy giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp như thế nào? Bảo tồn bản sắc văn hóa làng nghề truyền thống ra sao cũng chưa thấy đề án đề cập đến”.

Nỗi lo về vốn và năng lực quản lý

Vốn đầu tư và năng lực quản lý một đô thị cực lớn theo quy hoạch mới là vấn đề đã được các ĐBQH đoàn Hà Nội đặc biệt quan tâm. Hầu hết các ý kiến đều bày tỏ sự lo lắng trước 2 vấn đề này.

ĐB Đặng Văn Khanh, Chu Sơn Hà, Phạm Thị Loan... nêu vấn đề: Đề án này đến năm 2030 là 60 tỉ USD và cùng thực hiện song song với các dự án lớn khác như đường sắt cao tốc Bắc - Nam 56 tỉ USD, dự án duy tu, bảo dưỡng, mở rộng mạng lưới giao thông 60 tỉ USD... với một nguồn kinh phí lớn đến đồ sộ như vậy chúng ta lấy đâu ra bấy nhiêu tiền để làm?

 “Tất cả những đề án đó cần phải tính toán lại cho cẩn thận nếu không sẽ trở thành những siêu dự án treo của Việt Nam” - ĐB Chu Sơn Hà khẳng định. “Về năng lực quản lý một đô thị quá lớn như vậy, tôi cũng nghi ngờ vì chỉ một con đường vành đai 1 Ô chợ Dừa - Voi Phục mà 12 năm nay vẫn chưa ra hình hài, ngoài ra còn quá nhiều những con đường, dự án treo bao nhiêu năm chưa xong, quy hoạch vùng nội đô bao nhiêu năm vẫn chưa hoàn chỉnh, vậy thì liệu làm sao một đô thị lớn như vậy chúng ta có đủ năng lực để quản lý?” - ĐB Phạm Thị Loan và nhiều ĐB khác tỏ thái độ.

Trục Thăng Long là trục gì?

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường khá băn khoăn về việc xây dựng trục Thăng Long và dời TTHCQG lên Ba Vì. Nữ doanh nhân này nói: “Tại sao lại xây dựng TTHCQG tại Ba Vì? Điều này Chính phủ cần phải giải trình rõ cho ĐB và người dân hiểu. Việc xây dựng trục Thăng Long này lại chạy qua vùng xanh, chiếm tới 2/3 quy hoạch, vậy thì việc xây dựng này mang lại lợi ích gì? Ảnh hưởng như thế nào đến với đời sống người dân? Trong khi nó chỉ nằm cách đường 32, đường Láng - Hòa Lạc vài kilômét”.

ĐB Phạm Thị Loan, Đặng Văn Khanh lại đi thẳng vào vấn đề: Khi Chính phủ công bố đề án với trục này và QH đang thảo luận ở đây thì đất Ba Vì và nhất là ven trục Thăng Long đang sốt lên sình sịch. “Quanh trục Thăng Long, giờ đã là hàng loạt villa, khu công nghiệp, khu sinh thái, nhà cửa rồi, vậy phải chăng trục này là sự hợp thức hóa các dự án đã cấp phép rồi hay không. Tôi thấy có điều gì đó bất bình thường ở đây?” - ĐB Phạm Thị Loan nghi vấn?

Kết thúc phiên thảo luận với rất nhiều ý kiến đóng góp ở những khía cạnh khác nhau, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội - thành viên của Ban soạn thảo đề án - đã thay mặt Ban soạn thảo ghi nhận những ý kiến đóng góp của các ĐB để tiếp tục cùng với Chính phủ và Ban soạn thảo hoàn thiện hơn nữa đề án để trình ra QH tiếp tục cho ý kiến.

Sơn Đà

(http://www.laodong.com.vn/)