Ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII: Thông qua ba dự án Luật và Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2011

17/11/2010

Ngày 15-11, ngày làm việc thứ 22, kỳ họp thứ tám, Quốc hội (QH) khóa XII. Các đại biểu làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua ba dự án Luật và Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2011; thảo luận dự án Luật Khiếu nại.

Thông qua ba dự án Luật và một Nghị quyết

Trong phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Báo cáo cho biết, ngày 23-10-2010, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời, cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Báo cáo đã nêu rõ các ý kiến còn khác nhau cũng như quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH và việc tiếp thu, chỉnh lý đối với những vấn đề của nội dung dự thảo. Thí dụ về phạm vi điều chỉnh (Ðiều 1), có ý kiến cho rằng, quy định tại Ðiều này quá dài, không phù hợp quy định tương tự của các đạo luật khác. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã giữ lại phạm vi điều chỉnh như quy định của Luật Thanh tra hiện hành: 'Luật này quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân'. Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trình QH thông qua tại phiên họp này gồm  bảy chương với 78 điều. Các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua ba điều với phần lớn số phiếu tán thành. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) với 400 đại biểu tán thành, chiếm 81,14% tổng số đại biểu QH.

Trước khi xem xét, thông qua dự thảo Luật Viên chức, QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đọc Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này. Báo cáo nêu rõ việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu QH và việc chỉnh lý vào dự thảo, cùng những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị cho giữ nguyên như dự thảo. Trong đó, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH chỉnh lý lại Ðiều 2 (khái niệm viên chức) theo hướng quy định những đặc điểm cơ bản của viên chức là: được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc theo chế độ hợp đồng và hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập. Dự thảo Luật có sáu chương, 62 điều. Sau đó, các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua ba điều cụ thể với số phiếu ít nhất là  78,09% tổng số đại biểu QH tán thành. Trên cơ sở kết quả đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật này với 393 đại biểu tán thành, bằng  79,72% tổng số đại biểu QH.

Các đại biểu QH cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường sau khi được các đại biểu QH đóng góp ý kiến. Báo cáo nêu rõ những vấn đề được tiếp thu, chỉnh lý như tính bù đắp của nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường, tính định hướng đối với sản xuất, kinh doanh; đối tượng chịu thuế, đối tượng không thuộc diện chịu thuế, người nộp thuế, phương pháp tính thuế, biểu khung thuế, thời điểm tính thuế. Với đa số phiếu tán thành, QH lần lượt biểu quyết thông qua hai điều. Sau đó, với 397 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 80,53% so với tổng số đại biểu, QH đã thông qua toàn bộ dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH về phương án phân bổ Ngân sách Trung ương (NST.Ư) năm 2011 và dự thảo Nghị quyết của QH về phân bổ NST.Ư năm 2011. Theo đó, tính đến 14 giờ ngày 12-11, Ðoàn thư ký kỳ họp nhận được 398 ý kiến của các đại biểu QH đóng góp vào dự thảo Nghị quyết của QH về phân bổ NST.Ư năm 2011 với tuyệt đại đa số đại biểu QH nhất trí; một số đại biểu QH có ý kiến đóng góp cụ thể. Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp cơ quan hữu quan của Chính phủ, tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu QH và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về phân bổ NST.Ư năm 2011. Ðó là các vấn đề: xem xét lại việc hỗ trợ các trung tâm y tế tỉnh 500 tỷ đồng và việc hỗ trợ 13 tỉnh, thành phố có nguồn thu lớn 500 tỷ đồng, cơ chế hỗ trợ đầu tư các dự án quan trọng cấp bách của địa phương 3.619 tỷ đồng; việc phân bổ ngân sách cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang có xu hướng ngày càng giảm dần; việc bố trí đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thành viên Ðoàn thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Ðinh Văn Nhã trình bày dự thảo Nghị quyết về phân bổ Ngân sách Trung ương năm 2011. Theo đó, tổng số thu cân đối NST.Ư năm 2011 là 398.679 tỷ đồng; tổng số thu cân đối Ngân sách địa phương là 206.321 tỷ đồng. Tổng số chi cân đối NST.Ư năm 2011 là 519.279 tỷ đồng, bao gồm cả 126.208 tỷ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ NST.Ư cho Ngân sách địa phương. Thời kỳ ổn định Ngân sách địa phương là năm năm, từ năm ngân sách 2011 đến hết năm ngân sách 2015. Ðồng thời, đề nghị Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách và mức phân bổ NST.Ư cho từng Bộ, cơ quan khác ở T.Ư và từng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trình HÐND cùng cấp quyết định dự toán thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn, dự toán chi ngân sách địa phương, phân bổ dự toán ngân sách cấp mình theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan khác ở T.Ư và UBND các cấp quyết định giao dự toán thu, chi NSNN năm 2011 đến từng đơn vị trước ngày 31-12-2010; thực hiện công khai dự toán ngân sách theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, báo cáo QH về tiến độ, kết quả phân giao dự toán ngân sách của các Bộ, cơ quan khác ở T.Ư và các địa phương tại kỳ họp thứ chín, QH khóa XII. Về hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình cấp bách của địa phương: NST.Ư chỉ hỗ trợ một phần vốn đầu tư tập trung chủ yếu cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian không quá hai năm đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, chỉ cân đối được ngân sách địa phương từ 50% trở xuống, ưu tiên các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ; hỗ trợ đầu tư các dự án, công trình theo quyết định của cơ quan lãnh đạo cao nhất.

Sau đó, các đại biểu QH lần lượt biểu quyết thông qua bốn điều cụ thể trong dự thảo Nghị quyết với số phiếu ít nhất là 76,47% tổng số đại biểu QH tán thành. Trên cơ sở kết quả đó, QH đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết với 386 đại biểu tán thành, bằng 78,3% tổng số đại biểu QH.

Xây dựng Luật Khiếu nại góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khiếu nại. Nhiều ý kiến phát biểu bày tỏ sự đồng tình và cơ bản nhất trí với nội dung đề cập trong tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự án Luật này của Ủy ban Pháp luật của QH. Về sự cần thiết ban hành Luật, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, Chính phủ tổ chức xây dựng hai đạo luật là Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo là cần thiết.

Các đại biểu đã cho ý kiến chung quanh những nội dung quan trọng trong dự án Luật, trong đó có các nội dung quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai và các biện pháp bảo đảm thi hành giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật được nêu trong chương II 'Khiếu nại quyết định hành chính, vi phạm hành chính'. Các đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Nam Ðịnh), Dương Kim Anh (Trà Vinh) và một số đại biểu khác cho rằng, về thời hạn thụ lý khiếu nại (nêu trong Ðiều 29) dự thảo Luật quy định thời hạn thụ lý khiếu nại lần đầu là ba ngày, kể từ ngày nhận đơn là quá ngắn và không khả thi. Vì vậy đề nghị quy định thời hạn thụ lý là năm ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn. Một số ý kiến khác cho rằng, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu quy định không quá 10 ngày kể từ ngày thụ lý (đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày thụ lý) được đề cập trong Ðiều 29 là không khả thi, khi số lượng khiếu nại mỗi năm tăng thêm vài chục phần trăm, nội dung khiếu nại đa dạng, việc thẩm tra, xác minh mất nhiều thời gian. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều vụ việc khiếu nại được giải quyết chậm so với quy định, nếu rút ngắn thời hạn xuống còn 10 - 15 ngày như dự thảo Luật thì bên cạnh việc thực hiện pháp luật không khả thi, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại sẽ trở thành đối tượng vi phạm pháp luật đầu tiên. Do đó đề nghị giữ nguyên thời hạn như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành là 30 ngày, đối với vùng sâu, vùng xa không quá 45 ngày.

Liên quan nội dung đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại (Ðiều 36), dự thảo Luật quy định là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, một số đại biểu đề nghị bổ sung vào cả quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu. Theo một số đại biểu, nếu đưa việc đối thoại vào ngay từ giai đoạn đầu để giải thích cho người khiếu nại hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, lợi ích chung của cộng đồng khi thực hiện quyết định hành chính, hành vi hành chính thì rất có thể người khiếu nại sẽ rút đơn khiếu nại, hoặc chấp thuận quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà không tiếp tục khiếu nại.

Các đại biểu: Phan Văn Tường (Thái Nguyên), Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Ðà Nẵng), Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc), Dương Trung Quốc (Ðồng Nai), Vũ Quang Hải (Hưng Yên)... quan tâm về khiếu nại đông người (KNÐN) và đề nghị cần nghiên cứu để quy định cụ thể trong luật này. Dự thảo Luật quy định 'Trong trường hợp nhiều người khiếu nại về cùng một nội dung thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn từng người viết đơn riêng để được giải quyết' (khoản 5 Ðiều 10).  Nhiều đại biểu cho rằng tình trạng KNÐN hiện vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất gay gắt, phức tạp và thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường,... đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải xem xét. Tuy nhiên, do chưa có quy định của pháp luật về xử lý KNÐN nên khi có vụ việc xảy ra đã gây không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình xem xét, giải quyết. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Ðà Nẵng) đây là một vấn đề khá phức tạp và nhạy cảm, và là một thực tế không thể né tránh. Khi vụ việc xảy ra, để góp phần ổn định chính trị, xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển thì các cơ quan Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm xem xét giải quyết, dù là giải quyết dưới bất kỳ hình thức nào. Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định về KNÐN và phân chia thành hai trường hợp cụ thể. Một là, đối với việc khiếu nại mà nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì hướng dẫn công dân làm chung một đơn khiếu nại và cử người đại diện tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại. Hai là, đối với việc khiếu nại đông người nhưng mỗi người khiếu nại một nội dung thì hướng dẫn từng người làm đơn riêng và thụ lý riêng từng trường hợp để giải quyết. Ðại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) đề nghị từ thực tiễn cần nghiên cứu, tổng kết thấu đáo vấn đề KNÐN. Nếu là khiếu nại hành chính thì cách giải quyết như thế nào và phân biệt với những trường hợp KNÐN nhưng không phải là khiếu nại hành chính.

Một số đại biểu cho rằng, Chương V dự thảo Luật quy định về hoạt động tiếp công dân để tiếp nhận việc khiếu nại, tố cáo và kiến nghị phản ánh là chưa thật sự phù hợp với tên gọi của luật và nội dung quy định trong dự thảo luật. Hơn nữa, tiếp công dân là một khâu được thực hiện trước việc giải quyết khiếu nại nhưng Ban soạn thảo lại đưa chương này vào sau các chương về giải quyết khiếu nại, do đó chưa bảo đảm tính lô-gíc. Vì thế, nên quy định riêng hoạt động tiếp công dân để giải quyết các trường hợp liên quan vấn đề tiếp nhận khiếu nại trong luật này. Về giám sát của QH, các cơ quan của QH, HÐND, đại biểu QH, đại biểu HÐND (được quy định trong Chương VII), một số đại biểu cho rằng, vấn đề này đã được quy định trong Luật Hoạt động giám sát và Nghị quyết số 228 của Ủy ban Thường vụ QH. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các quy định nói trên chưa quy định rõ về thời gian, trình tự các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả lời. Do vậy việc thụ lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do QH và các cơ quan của QH, đại biểu QH, đại biểu HÐND chuyển đến còn chậm. Theo các đại biểu, để khắc phục thực tế hiện nay, đề nghị quy định cụ thể việc tiếp nhận, thụ lý các khiếu nại của công dân do QH, các cơ quan của QH, HÐND, đại biểu QH, đại biểu HÐND chuyển đến theo trình tự, thủ tục của luật này. Ðồng thời, quy định trong thời hạn năm ngày phải có văn bản báo cáo về việc tiếp nhận thụ lý và giải quyết khiếu nại của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)