Giá thuốc không tăng theo giá ngoại tệ

23/11/2010

Quản lý giá thuốc và quá tải trầm trọng tại các bệnh viện là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu

Chiều 22/11, trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhận được 15 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội và một câu hỏi của Thủ tướng chuyển đến.

 

Tại phiên chất vấn, các đại biểu tập trung đặt câu hỏi vào vấn đề quản lý giá thuốc và các biện pháp giảm tải tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến Trung ương và các biện viện đa khoa tỉnh; kiểm soát giá thuốc.

 

Không có chuyện giá thuốc lên, xuống theo giá ngoại tệ

 

Liên quan đến vấn đề giá thuốc, đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu làm rõ về việc tại sao một số mặt hàng thuốc lại có giá tăng đột biến và biện pháp của Bộ Y tế đối với việc kiểm soát giá của những loại thuốc này.

 

Sẽ tăng cường giám sát giá thuốc

 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Theo Tổng cục thống kê, trong 10 tháng năm 2010, giá cả 11 mặt hàng thiết yếu tăng 8,6% và giá thuốc chỉ tăng 3,2%. Nguyên nhân khiến giá một số thuốc giá tăng đột biến đã được liên ngành Bộ Y tế, Tài chính, Công thương tìm hiểu và nhận thấy, 95% số thuốc thuộc thị trường hoàn hảo (đủ doanh nghiệp sản xuất, đủ sức cạnh tranh công khai minh bạch) theo sát giá thị trường. Còn lại là 5% số thuốc (chủ yếu là những thuốc mới phát minh, có tính độc quyền) thuộc thị trường không hoàn hảo như thuốc điều trị vô sinh, ung thư…

 

Trong thời gian qua, các cơ quan liên ngành đã đưa ra biện pháp kiểm soát giá thuốc thông qua việc giữ giá trần của các mặt hàng thiết yếu để nhà sản xuất thuốc, người kinh doanh đều có lãi và người tiêu dùng có thể chấp nhận được với mức giá đó. Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Thuế phải thường xuyên báo cáo với Cục Dược về giá thành, Tổng cục Hải quan phải báo cáo với Bộ Y tế về việc đấu thầu thuốc, các địa phương đã giao cho UBND theo dõi tình hình giá thuốc ở địa phương mình… Đối với những thuốc đặc thù thì giao cho Bộ Công an, Bộ Công thương cùng với Tham tán thương mại ở một số nước để đưa ra quy định về giá thuốc.

 

Đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) nêu thắc mắc là hiện có một số đại lý, cửa hàng thuốc nói rằng, mỗi khi giá ngoại tệ biến động thì giá thuốc cũng biến động theo.

 

Trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Theo thông tư liên bộ số 11 giữa Bộ Y tế, Công thương và Tài chính, đấu thầu thuốc là đấu thầu cả năm. Nếu ngoại tệ lên hay xuống thì người trúng thầu phải chấp nhận. Vì vậy, các tỉnh, thành, bệnh viện đều phải thực hiện theo giá niêm yết đã quy định của Bộ Y tế chứ không phải là theo giá ngoại tệ. Như vậy, sẽ không có chuyện là tháng này giá ngoại tệ tăng thì kéo theo giá thuốc tăng theo.

 

Bệnh nhân phải nằm ghép giường đã giảm đáng kể

 

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã nêu nguyên nhân của việc quá tải bệnh viện (BV), cùng với đó là các giải pháp và kết quả thực hiện được.

 

Sẽ dần giảm tải tình trạng bệnh nhân nằm ghép

 

Theo đó, năm 2008, có khoảng 15.000 người phải nằm ghép ở các bệnh viện trong cả nước. Nguyên nhân là do dân số tăng nhanh nhưng số bệnh viện tăng không đáng kể. Từ chính sách bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, mỗi năm, chúng ta đưa vào áp dụng trong hệ thống y tế khoảng 30 triệu thẻ khám chữa bệnh miễn phí. Tần suất nhóm đối tượng khám chữa bệnh này tăng hơn so với nhóm khác. Mặt khác, kinh tế phát triển nên người dân có nhu cầu khám chữa bệnh cũng nhiều hơn trước.

 

Sau 20 năm vận hành theo nền kinh tế thị trường, bác sĩ khám chữa bệnh có trình độ sau một vài năm công tác ở tuyến dưới đã tìm cách chuyển lên tuyến trên làm việc. Điều này đã khiến cho bệnh nhân không tin tưởng vào trình độ chữa bệnh ở các bác sĩ tuyến dưới nên mỗi khi bị bệnh là chuyển lên tuyến trên để điều trị. Ngoài ra, một số bệnh phải điều trị lâu dài nên bệnh nhân phải ở lại bệnh viện điều trị ngày càng nhiều.

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Kim Phương (đoàn Hà Nội), Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) về giải pháp của Bộ Y tế đối với tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương và bệnh viên đa khoa tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện giảm tải số ngày điều trị cho các bệnh nhân bằng cách yêu cầu bác sĩ phải chẩn đoán đúng bệnh và điều trị tốt thì sẽ rút số ngày bệnh nhân phải ở lại bệnh viện xuống.

 

Giải pháp thứ hai là giảm diện tích khu vực hành chính, tăng diện tích khu điều trị để kê thêm giường bệnh. Trong 2 năm thực hiện, số giường bệnh được tăng thêm là 20.000 giường (tương đương với xây dựng 40 bệnh viện mới). Giải pháp thứ 3 là chống quá tải từ xa bằng việc nâng cao đội ngũ cán bộ y tế tuyến dưới thông qua việc ban hành Đề án 1816. Theo đó, cán bộ tuyến trên hỗ trợ cán bộ tuyến dưới nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo tại chỗ. Điều này nhằm hạn chế tình trạng bác sĩ từ tuyến dưới chuyển lên tuyến trên làm việc.

 

Tất cả những giải pháp này của Đề án 1816 cho đến nay đã giảm được 30% số bệnh nhân chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên một cách không hợp lý được giải quyết ở tuyến dưới.

 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đưa ra giải pháp khám chữa bệnh ngoại trú, chăm sóc tại nhà…

 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng nhấn mạnh, giải pháp lâu dài để giảm tải tình trạng quá tải tại các bệnh viện là xây dựng thêm bệnh viện và đào tạo đủ nguồn nhân lực y tế. Đối với việc xây dựng thêm bệnh viện, Quốc hội đã phê chuẩn việc dùng trái phiếu Chính phủ để cải tạo, nâng cấp 645 bệnh viện huyện. Đến nay, Quốc hội đã phân bổ được 65% số kinh phí, tuyến tỉnh đã phân bổ được 15% vốn trái phiếu.

 

Nếu năm 2008, có khoảng 15.000 người phải nằm ghép ở các bệnh viện trong cả nước thì đến nay còn 6.000 người phải nằm ghép. Hiện đã có một số bệnh viện không còn phải nằm ghép.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề án đào tạo cử tuyển. Theo đó, con em dân tộc học hết lớp 12 thì không phải thi đại học mà sẽ được các trường cho đi đào tạo về ngành Y từ 6-12 tháng, sau đó đi học thêm để trở thành bác sĩ. Sau khi học xong, những người được cử tuyển sẽ phải cam kết ở lại địa phương làm việc trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, Thủ tướng vừa ký chế độ chính sách cho nguồn nhân lực y tế vùng, miền. Điều này sẽ góp phần cải thiện đời sống của y, bác sĩ ở các tuyến dưới.

 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, hiện nay, nhiều y, bác sĩ có sức khoẻ, trình độ và chuyên môn cao ở độ tuổi 55 (đối với nữ) và 60 (đối với nam) phải về hưu là rất lãng phí. Vì vậy, Bộ Y tế đang kiến nghị với Chính phủ xem xét độ tuổi về hưu đối với những trường hợp này. Nếu để họ làm việc thêm tại các bệnh viện thì sẽ giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Không vi phạm luật giao thông sẽ được thanh toán BHYT

 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết bộ sẽ cùng ngành y tế nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để có cách thức sửa đổi về việc tuổi hưu để tránh làm lãng phí nguồn chất xám nhân lực cao trong ngành y tế,

 

Về vấn đề tiền lương cho ngành y tế vẫn còn thấp, Bộ trưởng Kim Ngân nói: “Hằng năm chúng ta đã có lộ trình tăng lương của Ban cải cách tiền lương. Về vấn đề chính sách của người lao động làm việc trong ngành y tế, chúng tôi sẽ cùng Bộ Y tế, Bộ Nội vụ nghiên cứu điều chỉnh vấn đề này”.

 

Trả lời đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) về việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với trường hợp tai nạn gian thông (TNGT) hiện nay được quy định như thế nào để bảo đảm quyền lợi và tránh phiền hà cho người dân? Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Theo Luật BHYT, người bị TNGT không vi phạm luật giao thông thì sẽ được BHYT thanh toán chi phí điều trị. Trường hợp người bị TNGT vi phạm luật gia thông thì sẽ không được BHYT thanh toán. Quan điểm của Bộ Y tế là nhận khó khăn về phía cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận tiện, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

 

Bộ Y tế đã có quy định: Trường hợp người bị TNGT thì cứ nhập viện, điều trị, BHYT sẽ thanh toán trước. Sau khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu bệnh nhân bị TNGT là người vi phạm luật giao thông thì các cơ quan chức năng sẽ có chế tài thu hồi lại số tiền BHYT đã chi trả từ bệnh nhân.

 

Nhưng đây là thông tư liên tịch phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành nên Bộ Y tế đã trình Chính phủ để chờ thống nhất giữa các bộ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Đối với chất vấn của ĐB Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long) về thủ tục khám chữa bệnh còn phiền hà, rườm rà, đặc biệt là đối với trường hợp khám chữa theo BHYT, Bộ trưởng thừa nhận đây là thực tế có thật. Tại một bệnh viện lớn của Bộ Y tế, trung bình một bác sĩ phải khám từ 90-100 bệnh nhân trong một ngày.

 

Giải pháp của Bộ Y tế là tăng cường bác sĩ, cán bộ y tế, áp dụng công nghệ thông tin trong quy trình khám chữa bệnh.

 

Về thực trạng bác sĩ kê đơn và nhận hoa hồng, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, việc mua thuốc từ ngân sách của Nhà nước mà làm trung gian, ăn hoa hồng là không được. Bộ đã kiểm soát để hạn chế chyện này. Việc bác sĩ bán thuốc lấy hoa hồng là có nhưng hiện nay đã giảm. Nhằm hạn chế hiện trạng này, ngành y tế kêu gọi dựa vào lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của bác sĩ, cán bộ y tế.

 

Tổng kết cuối buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết có 17 vị đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn trực tiếp và Bộ trưởng đã trả lời 12 vị, ngoài ra còn có sự tham gia thêm của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư.

 

Chủ tịch Quốc đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu là suôn sẻ. Ý định bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân là chiến lược lâu dài và rất cần sự quan tâm của đất nước. Ngành y tế có rất nhiều cố gắng, tận tụy ngày đêm hết sức vất vả. Trình độ phát triển và điều kiện ngày một nâng cao

 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là lĩnh vực còn nhiều bức xúc, đặc biệt là quá tải bệnh viện, giá thuốc cao, trong ngành vẫn còn đây đó những hiện tượng y đức mà nhân dân không bằng lòng.

 

Chủ tịch Quốc hội kết luận: “Nhu cầu ngày càng cao, nguồn lực thì có hạn. Quan trọng là Bộ trưởng đã thấy và Chính phủ cũng đã thấy. Đây không phải vấn đề từ thiện, “nhà thương” mà là một chiến lược quan trọng, bảo đảm sức khỏe nhân dân. Rất mong Bộ trưởng sẽ quan tâm, tiếc tục khắc phục tình trạng quá tải, tập trung kiểm tra chất lượng sản xuất thuốc, việc lên giá thuốc tùy tiện, phải xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi như vậy”.

 

Sáng 23/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn tại hội trường với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh./.

Bích Lan

(http://vovnews.vn)