Hội nghị lấy ý kiến về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông

19/05/2011

Ngày 18 – 19.5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đào Trọng Thi chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, đến nay nước ta đã ban hành 57 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông hoặc có liên quan đến đội ngũ giáo viên phổ thông, quy định về chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, định mức lao động, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên... Tuy nhiên, việc tồn tại nhiều văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với đội ngũ giáo viên phổ thông đã lạc hậu hoặc không còn phù hợp với thực tế như: Quyết định số 219/CP của Hội đồng Chính phủ về bồi dưỡng giáo viên; Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT – BGDĐT – BNV về định mức biên chế giáo viên ở các trường phổ thông công lập... chậm được bổ sung, sửa đổi khiến cho quá trình thực hiện còn lúng túng, bất cập. Chế độ chính sách đãi ngộ đối với giáo viên phổ thông chưa đủ mạnh, chưa phát huy hết tác dụng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giáo dục, chưa bảo đảm được yêu cầu ngày càng cao trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giáo viên phổ thông, để họ thực sự yên tâm, gắn bó mật thiết với nghề.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị nhất trí cho rằng, một trong những động lực đủ mạnh để nhà giáo yên tâm giảng dạy là chế độ, chính sách của Nhà nước. Thời gian qua, nhìn chung các cấp, ngành chưa nhận thức được đầy đủ và sâu sắc vị trí vai trò của đội ngũ giáo viên phổ thông. Do vậy, phải nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về giáo dục phổ thông; bổ sung những chính sách đồng bộ, hợp lý đối với giáo dục phổ thông ở tầm vĩ mô trong đó, cần ưu tiên cải cách chế độ tiền lương cho nhà giáo nói chung, giáo viên phổ thông nói riêng; quy định cụ thể các tiêu chuẩn, chức danh và cách thức chuyển đổi các chức danh giáo viên phổ thông sát với đặc thù nghề nghiệp.

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)