Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992

05/02/2012

Ngày 3.2, tại TP Hồ Chí Minh, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Trương Thị Mai nhấn mạnh, qua gần 20 năm thi hành Hiến pháp năm 1992, về cơ bản, Nhà nước ta đã đạt được mục tiêu của chặng đường đầu trong quá trình quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thông qua đổi mới toàn diện xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau. Hiến pháp năm 1992 đã thể hiện được giá trị là đạo luật cơ bản thể chế hóa quyền làm chủ của nhân dân; góp phần quan trọng trong việc định hướng xây dựng, củng cố nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đổi mới. Đến nay, dù tình hình phát triển KT-XH của nước ta đã có những thay đổi căn bản so với thời điểm ban hành Hiến pháp năm 1992 nhưng nhiều tư tưởng lập hiến quan trọng của Hiến pháp 1992 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và cần phải được tiếp tục kế thừa, phát triển trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tới đây.

 

Nhất trí với quan điểm trên, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cần bảo đảm sự đồng bộ, tương thích cả những nội dung về cơ sở hạ tầng kinh tế và những nội dung liên quan đến thiết chế nhà nước, thiết chế xã hội của kiến trúc thượng tầng, những nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ cũng như quyền con người và nghĩa vụ cơ bản của công dân cho phù hợp với chủ trương đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Cụ thể, cần làm sâu sắc hơn nữa tư tưởng chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp và tạo nền tảng pháp lý để tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 sau khi đã được QH thông qua phải được đưa ra toàn dân phúc quyết. Cùng với đó, cần nghiên cứu sửa đổi chế định bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND nhằm xác định rõ hơn nữa mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri theo hướng đề cao trách nhiệm của đại biểu và tăng cường mối liên hệ giữa đại biểu với cử tri; quy định cơ sở hiến định để nhân dân thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu của mình; quy định nhân dân biểu quyết về những vấn đề được trưng cầu dân ý trong quá trình hoạch định chính sách; sửa đổi các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước trong mối quan hệ với chủ quyền nhân dân, xác định trách nhiệm của nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách, pháp luật thể hiện quan điểm Nhà nước phục vụ nhân dân, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là phải bảo đảm được tính tối thượng của Hiến pháp trong sinh hoạt quốc gia và trong đời sống xã hội. Đồng thời, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, mạch lạc giữa Trung ương và địa phương; xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước, thậm chí có thể nghiên cứu, bổ sung ở tầm hiến định một số thiết chế độc lập nhằm tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã thảo luận về việc thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 trong các lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, y tế, dân số, tín ngưỡng, tôn giáo, an sinh xã hội, bình đẳng giới... và đề xuất một số hướng sửa đổi, bổ sung các quy phạm này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.

P. Thúy

(http://daibieunhandan.vn)