Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự phiên họp mở rộng của Thường trực UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường

02/03/2012

Ngày 1.3, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã họp mở rộng để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc tham gia Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong những năm qua, nhằm tạo điều kiện ứng dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình, Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế. Tuy nhiên, nước ta chưa tham gia một số công ước quốc tế, trong đó có Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi. Để tạo điều kiện ứng dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh, an toàn và hiệu quả, cũng như tạo điều kiện triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tạo sự tin tưởng với các đối tác trong quá trình hợp tác, nước ta cần tiếp tục tham gia các công ước quốc tế có liên quan. Để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi. Qua nghiên cứu cho thấy, công ước và phần sửa đổi liên quan đến ngăn chặn sở hữu trái phép vật liệu hạt nhân, tiếp cận trái phép cơ sở hạt nhân chưa được thể hiện cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta. Song, vẫn có thể vận dụng các quy định trong Bộ luật Hình sự để xử phạt một số tội danh, nhằm vừa bảo đảm điều ước quốc tế, vừa phù hợp với hệ thống pháp luật của nước ta.

 

Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã kịp thời triển khai ý kiến chỉ đạo của UBTVQH. Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân được thông qua vào tháng 10.1979, và có hiệu lực từ tháng 2.1987. Đây là một cơ chế đa phương, thiết lập hành lang pháp lý chung, thống nhất, tạo điều kiện cho các quốc gia xây dựng, thực hiện, duy trì cơ chế bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, thúc đẩy sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2001, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã tổ chức xây dựng Phần sửa đổi nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến ngăn chặn sở hữu trái phép vật liệu hạt nhân và tiếp cận trái phép cơ sở hạt nhân. Nội dung Phần sửa đổi khuyến khích các nước áp dụng chuẩn an ninh quốc tế để bảo vệ các cơ sở chế biến hạt nhân, đặc biệt là đối với nhà máy điện hạt nhân. Phó chủ tịch QH nhấn mạnh, QH đã thông qua chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, nên việc tích cực tham gia công ước này sẽ góp phần tăng thuận lợi cho quá trình thực hiện nhà máy, nâng cao uy tín quốc gia, tạo tin cậy đối với các đối tác trong đàm phán, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ.

 

Phó chủ tịch QH đề nghị, các đại biểu cho ý kiến thẳng thắn, phân tích kỹ khi so sánh, đối chiếu Công ước và Phần sửa đổi với hệ thống pháp luật của nước ta, cũng như những nguyên tắc của các điều ước quốc tế về năng lượng hạt nhân và Việt Nam là thành viên. Trong đó, cần chú ý một số nhóm nội dung về nhân danh tham gia Công ước và phê duyệt Phần sửa đổi; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hay một phần Công ước và Phần sửa đổi, nhất là các quy định về nhà máy điện hạt nhân; những nội dung cần bảo lưu...

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn)