Hội thảo khu vực phía Bắc tham vấn về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

30/03/2012

Ngày 29 - 30/3, tại Thanh Hóa, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc tham vấn về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Bộ luật Lao động (sửa đổi) là một dự luật rất quan trọng, được xây dựng trong bối cảnh cả nước đang trong thời kỳ xây dựng nền KT - XH theo hướng đổi mới, đẩy mạnh phát triển thị trường lao động; tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Chế độ hợp đồng lao động được mở rộng, áp dụng phổ biến cho các đối tượng lao động. Trước tình hình đó, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần phải hoàn thiện môi trường pháp lý cho sự hình thành, phát triển lành mạnh thị trường lao động theo hướng đa dạng hóa các hình thức tìm việc làm, giới thiệu việc làm và tuyển chọn lao động, khuyến khích mở rộng thị trường lao động có hàm lượng chất xám cao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động.

Hội nghị tập trung thảo luận về những nội dung như tiền lương, các hình thức hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể ngành; công đoàn; làm thêm giờ; chính sách đối với lao động nữ; tuổi nghỉ hưu; nghỉ thai sản; giải quyết tranh chấp; vấn đề đình công... Về vấn đề tiền lương, có ý kiến cho rằng, các khái niệm, thuật ngữ về tiền lương theo dự thảo luật chưa đầy đủ, chưa thể hiện được nội dung quản lý nhà nước về tiền lương là gì, chưa khắc phục được những hạn chế, bất cập cơ bản đang tồn tại về lương. Có ý  kiến cho rằng, cần phải căn cứ vào mức sống tối thiểu của toàn xã hội, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu (theo giờ hoặc ngày) cho lao động xã hội... Về thỏa ước lao động tập thể ngành, có ý kiến đề nghị chưa nên đưa vào dự thảo luật nội dung này vì Việt Nam hiện nay chưa đưa ra được tiêu chí phân loại ngành một cách rõ ràng. Lý giải về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở một số ngành chưa được hình thành hoặc nếu có thì tổ chức đại diện người sử dụng đó lại không là đại diện cho tất cả các chủ sử dụng lao động trong cùng một ngành. Công đoàn ngành theo một hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam lại chưa đại diện hết cho tất cả các công đoàn cơ sở của doanh nghiệp cùng ngành. Công đoàn ngành có doanh nghiệp theo hệ thống công đoàn dọc từ trên xuống dưới, có doanh nghiệp theo hệ thống hành chính, có doanh nghiệp vừa theo hệ thống công đoàn dọc vừa theo hệ thống công đoàn địa phương...

Về thời gian nghỉ thai sản, đa số ý kiến nhất trí về chế độ nghỉ thai sản là 6 tháng đối với lao động nữ để bảo đảm sức khỏe của mẹ và bé sau khi sinh. Tuy nhiên, có ý kiến cũng băn khoăn khi dự thảo luật chưa đề cập đến vấn đề người mẹ bị mất khi sinh con, người mẹ bị bệnh tật không có khả năng nuôi con, hoặc người mẹ bỏ đi không nuôi con thì người cha được nghỉ một thời gian nhất định hoặc được hỗ trợ để có điều kiện nuôi con. Điều này cần phải được quy định bổ sung trong dự thảo luật để bảo đảm quyền lợi cho đứa trẻ.

Về tuổi nghỉ hưu, dự thảo quy định như luật hiện hành tức là 60 tuổi đối với nam và 55 đối với nữ. Tuy nhiên, có quy định mới là người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn để có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội. Về vấn đề  này, có ý  kiến cho rằng nếu có kéo dài tuổi nghỉ hưu thì chỉ nên áp dụng khi người đó tiếp tục công tác chuyên môn chứ không tiếp tục thực hiện chức vụ. Bên cạnh đó, luật cũng cần cụ thể hóa độ tuổi nghỉ đối với trường hợp này là bao nhiêu để có được cách hiểu thống nhất...

Hà An

(http://daibieunhandan.vn/)