Hội thảo Đại biểu dân cử với Luật Bảo hiểm y tế, viện phí và Luật Khám, chữa bệnh; tham vấn ý kiến chuyên gia về dự án Luật Việc làm

29/08/2012

Ngày 28.8, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Hội thảo Đại biểu dân cử với Luật Bảo hiểm y tế, viện phí và Luật Khám, chữa bệnh.

Bảo hiểm y tế là một trong hai cơ chế tài chính y tế đáp ứng được mục tiêu bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu của nước ta là đến năm 2014 sẽ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân với 3 chiều bao phủ: bao phủ theo chiều rộng (dân số); bao phủ theo chiều sâu (gói dịch vụ) và bao phủ theo chiều cao (bảo vệ tài chính). Tuy nhiên, việc hiện thực hóa mục tiêu theo lộ trình đã đề ra không hề đơn giản. Theo Báo cáo của Bộ Y tế, việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế theo chiều rộng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực lao động tự do do thiết chế pháp luật chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ của các đối tượng. Cụ thể, tại khu vực doanh nghiệp tư nhân, việc tuân thủ quy định tham gia bảo hiểm y tế rất kém. Cùng với đó là sự mất công bằng trong đóng góp bảo hiểm y tế và tình trạng trợ cấp ngân sách sai địa chỉ đã khiến việc mở rộng diện đối tượng tham gia bảo hiểm y tế càng thêm khó. Ở chiều sâu, các gói dịch vụ bảo hiểm y tế hiện nay được đánh giá là khá toàn diện nhưng thực tế lại đang gây áp lực rất lớn đối với ngân sách. Cụ thể, danh mục thuốc được chi trả, danh mục dịch vụ y tế chủ yếu được xây dựng trên ý kiến chủ quan, chưa dựa trên khả năng tài chính và chưa tính trên chi phí – hiệu quả và cũng chưa có chính sách thực hiện nguyên tắc mua dịch vụ bảo hiểm y tế chiến lược. Điều đáng nói nữa là, danh mục thuốc được chi trả bằng bảo hiểm y tế quá rộng, bao gồm cả những loại thuốc mà ngay ở cả các nước giàu cũng không dám chi trả. Chi phí lớn và không phù hợp với khả năng kinh tế của quốc gia khiến tính bền vững tài chính thấp và quyền lợi của nhà nước, của cơ sở khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và của cả người có bảo hiểm y tế cũng chưa được bảo đảm. Ở chiều cao, tức chính sách bảo vệ tài chính thì mục tiêu bảo vệ người tham gia bảo hiểm y tế trước nguy cơ chi phí y tế lớn, trước bẫy nghèo y tế không được nêu rõ; việc áp dụng mức cùng chi trả không trần giới hạn cao và nhiều yếu tố ảnh hưởng cũng đã làm tăng chi phí tự trả vượt quá khả năng chi trả. Bên cạnh đó, trần và quỹ dành cho người tham gia bảo hiểm y tế cũng chưa căn cứ vào nguy cơ rủi ro bệnh tật mà chủ yếu là dựa trên chi phí lịch sử và mức đóng góp.

Ghi nhận những khó khăn của ngành y tế, một số ý kiến tại Hội thảo cũng nhấn mạnh: muốn thực hiện được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe thì những hạn chế, vướng mắc trong Luật Bảo hiểm y tế, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này cần phải sớm được sửa đổi, hoàn thiện. Cần tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính để huy động đủ kinh phí; điều chỉnh giá dịch vụ y tế hưởng bảo hiểm y tế theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân, làm cơ sở để quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh; giá dịch vụ cũng phải phù hợp với khả năng chi trả của người bệnh; đồng thời, nên chuyển cơ chế cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho cơ sở cung ứng dịch vụ sang người tham gia bảo hiểm y tế...

+ Cùng ngày, Ủy ban Về các vấn đề xã hội cũng đã tổ chức Hội thảo chuyên gia tham vấn ý kiến về dự án Luật Việc làm với sự tham gia của đại diện các cơ quan của QH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức lao động quốc tế ILO...

Dự án Luật Việc làm sẽ được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII. Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận để làm rõ những vấn đề quan trọng của dự thảo Luật như: chế định phát triển việc làm, thông tin thị trường lao động; việc quản lý  và tuyển dụng lao động; phát triển kỹ năng nghề, bảo hiểm việc làm, dịch vụ việc làm. Các chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, cần làm rõ các thuật ngữ được dùng trong luật như: phát triển kỹ năng nghề hay phát triển nguồn nhân lực; vẫn duy trì bảo hiểm thất nghiệp hay cần quy định thêm về bảo hiểm việc làm... Về bảo hiểm việc làm, một số ý kiến cho rằng, nếu luật hóa bảo hiểm việc làm thì cần làm rõ trong luật đối tượng hỗ trợ và phương thức hỗ trợ như thế nào; đồng thời, cần xác định quỹ bảo hiểm sẽ do cơ quan nào quản lý. Về dịch vụ việc làm và phát triển kỹ năng nghề, các chuyên gia khuyến nghị cần rà soát để quy định trong Luật Việc làm không bị chồng chéo với quy định tại các luật khác có liên quan...

 

B. Long - M. Dũng

(http://daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác