Đoàn kiểm tra của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 làm việc tại Nghệ An

07/03/2013

Sáng 6.3, tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh miền Trung, Đoàn kiểm tra của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý làm Trưởng đoàn đã dự Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVI.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Hòa Bình.

Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVI là kỳ họp chuyên đề đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu đã nghe Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý giới thiệu những nội dung mới của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, căn cứ lý luận và căn cứ thực tiễn sửa đổi các nội dung này. Cơ bản tán thành với dự thảo sửa đổi Hiến pháp, các đại biểu cho rằng, dự thảo đã thể hiện được tinh thần của Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Nhiều vấn đề quan trọng như quyền con người, quyền công dân, chế độ chính trị, nhất là chủ quyền nhân dân, tổ chức bộ máy nhà nước... đã được đề cập một cách toàn diện và đầy đủ hơn. Góp ý kiến về các nội dung cụ thể, một số ý kiến đánh giá cao việc dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã có thêm một chế định mới là Hội đồng Hiến pháp, tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo, Hội đồng Hiến pháp sẽ khó có thể thực hiện được đầy đủ và mạnh mẽ chức năng, nhiệm vụ của mình. Các ý kiến này đề nghị nên tổ chức Hội đồng Hiến pháp là cơ quan độc lập, được trao thẩm quyền mạnh mẽ để xử lý nghiêm các hành vi vi hiến, bảo đảm Hiến pháp được thực thi đầy đủ và nghiêm túc trên thực tế.

+ Trước đó, chiều 5.3, Đoàn kiểm tra của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã làm việc với Thường trực HĐND tỉnh và các sở, ban, ngành của Nghệ An về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Qua kiểm tra cho thấy, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc, khẩn trương. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số thành viên Đoàn kiểm tra, kết quả lấy ý kiến nhân dân tại Nghệ An chưa được như mong muốn. Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý nhấn mạnh: lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nếu các cấp ủy, chính quyền chỉ ban hành các công văn, chỉ thị, chỉ đạo cấp dưới thực hiện mà không đôn đốc, kiểm tra sát sao việc thực hiện như thế nào thì việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ không thể trở thành một đợt sinh hoạt chính trị pháp lý đặc biệt của nhân dân như yêu cầu của Đảng và QH, không thể thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp trí tuệ xây dựng đạo luật gốc của hệ thống pháp luật. Thời gian lấy ý kiến tập trung về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không còn nhiều, Trưởng ban Phan Trung Lý đề nghị, Nghệ An cần tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến; tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, phổ biến các nội dung cụ thể của dự thảo đến tận người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần chú trọng đến việc giải thích rõ căn cứ thực tiễn, căn cứ lý luận cho việc đưa ra các quan điểm sửa đổi trong dự thảo, nhất là những nội dung vừa qua còn một số ý kiến khác nhau như: tổ chức chính quyền địa phương, quyền công dân, quyền con người... để người dân hiểu rõ hơn về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

B. Long

(http://www.daibieunhandan.vn/)

Các bài viết khác