Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì tọa đàm Góp ý hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

18/03/2013

Các đại biểu tham dự Tọa đàm cho rằng, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước quy định tại Hiến pháp năm 1992 là những nguyên tắc nền tảng, quyết định bản chất của bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tính liên tục và ổn định của mô hình nhà nước. Do vậy, việc kế thừa, phát triển và hoàn thiện các nguyên tắc này tại Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hợp lý. Mặt khác, để vận hành có hiệu quả bộ máy nhà nước trong việc tổ chức và quản trị đời sống xã hội ở mỗi quốc gia, thì mô hình nhà nước không hoàn toàn là yếu tố quyết định. Điều quan trọng là yếu tố con người vận hành bộ máy và thể chế chính trị phù hợp bảo đảm cho sự vận hành này. Các đại biểu nêu rõ, việc Dự thảo bổ sung một số thiết chế độc lập như Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước vừa góp phần bảo đảm tính ổn định của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước, vừa tạo ra sự phát triển của bộ máy, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới. 

 

Góp ý về Chương IV, QH, đa số ý kiến đều tán thành giữ chức năng, quyền hạn của QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tính chất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất chủ yếu được thể hiện qua việc bầu hoặc phê chuẩn, bãi miễn các chức danh quan trọng của bộ máy nhà nước; đồng thời, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Nhận thức này cũng phù hợp với giá trị chung của nhân loại về tổ chức quyền lực nhà nước theo mô hình Cộng hòa nghị viện – là mô hình có nhiều nét tương đồng với mô hình tổ chức nhà nước của nước ta hiện nay. Đề cao QH có nghĩa là ủy quyền cho cơ quan này thực hiện một trong những chức năng quan trọng nhất của Nhà nước – chức năng lập pháp, xác lập ý chí chung của nhân dân, không phải đặt QH ở vị trí chỉ huy, điều hành với các cơ quan khác trong bộ máy Nhà nước. Dù vậy, cần tiếp tục rà soát các quy định tại Dự thảo này để có những quy định phân công quyền lực hợp lý hơn giữa quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

 

 

 

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn)