Bế mạc trọng thể Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XIII

23/06/2013

Chiều 21.6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII đã bế mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

* Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự; Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đọc diễn văn bế mạc

 * Quốc hội Thông qua 3 dự thảo Nghị quyết

 * Dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật: Phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các cấp trong quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật

 

 

Chiều 21.6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII đã bế mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự.

 

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, sau một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, QH đã hoàn thành Chương trình Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII. Khẳng định Kỳ họp thứ Năm đã thành công tốt đẹp, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan có kế hoạch nghiên cứu, tổng kết thực tiễn một cách nghiêm túc khi đề xuất ban hành luật, pháp lệnh; sớm triển khai việc thi hành và ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã được thông qua; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để pháp luật sớm đi vào cuộc sống.

 

Trước đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH đã biểu quyết thông qua 3 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân; Nghị quyết về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII.

 

Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân được 95,58% tổng số ĐBQH nhất trí thông qua. Nghị quyết nêu rõ, khi hết thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, Nhà nước không điều chỉnh lại đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng được tiếp tục sử dụng đất mà không phải làm bất kỳ thủ tục nào. Thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân được kéo dài cho đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành và có hiệu lực.

 

Với 95,98% tổng số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012. QH yêu cầu: các cơ quan của QH, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai; trình QH sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, ban hành Luật Đầu tư công gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Rà soát, bãi bỏ, sửa đổi các quy định chưa thống nhất, không phù hợp, kém hiệu quả về phân cấp quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Chính phủ rà soát, đánh giá và báo cáo với QH về các dự án, công trình đang được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 - 2015 nhưng còn thiếu vốn. Trước mắt, sử dụng nguồn dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 cho một số dự án đang triển khai thực hiện còn thiếu vốn, ưu tiên một số dự án quan trọng, cấp bách. Chính phủ xây dựng phương án phân bổ nguồn dự phòng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015 trình UBTVQH xem xét, quyết định. Việc phát hành thêm vốn Trái phiếu Chính phủ cho một số công trình quan trọng, cấp bách, Chính phủ xem xét thận trọng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia trình QH quyết định.

 Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm, QH Khóa XIII được 94,78% tổng số ĐBQH tán thành. Nghị quyết ghi nhận, phiên chất vấn được tiến hành dân chủ, công khai, trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng. Các ĐBQH chất vấn thẳng thắn, đúng trọng tâm, tập trung vào những vấn đề bức xúc được cử tri cả nước quan tâm. Các Phó thủ tướng và các Bộ trưởng, Trưởng ngành với trách nhiệm của mình đã đưa ra được một số giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề được ĐBQH chất vấn. QH yêu cầu, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn và báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Sáu tới.

 

Buổi sáng, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

 

Đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật nhằm thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 1993, khắc phục những hạn chế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

 

Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng, quy định trong dự thảo Luật còn thiếu tính khả thi, chưa rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chưa rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính. Đại biểu đề nghị, cần thu hẹp đầu mối có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật để bảo đảm tính khả thi của Luật; đồng thời phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trách nhiệm của UBND các cấp trong  quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Cùng quan điểm này, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) cho rằng, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan trong quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật còn khá mờ nhạt. Theo ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh), cần khẳng định luôn trách nhiệm cụ thể của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp cùng với các bộ, ngành khác trong tổ chức thực hiện, kể cả chủ trì trong việc phối hợp với chính quyền UBND các cấp để tổ chức thực hiện Luật này. 

 

Về hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật, các ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn)... tán thành đề xuất của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Theo đó, đối với các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn phải bố trí một cán bộ chuyên môn theo dõi về nông nghiệp để tiết kiệm chi phí cho nông dân, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường và góp phần bảo đảm kiểm soát được an toàn thực phẩm. ĐB Đinh Thị Phương Khanh (Long An) nêu thực trạng, hiện nay ở cấp xã không có cán bộ làm công tác bảo vệ thực vật mà chỉ bố trí một cán bộ đảm đương cả 4 nhiệm vụ: địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường. Tỷ lệ cán bộ xã có chuyên môn làm công tác bảo vệ thực vật cấp xã mới chỉ đạt 38%, do đó công tác tham mưu, đề xuất cho chính quyền cấp xã còn hạn chế, nhất là trong công tác mua bán và sử dụng thuốëc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ĐB Đinh Thị Phương Khanh không tán thành việc bố trí riêng một cán bộ phụ trách công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở cấp xã. Tán thành quan điểm này, các ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Đào Tấn Lộc (Phú Yên)... cho rằng, hiện nay biên chế hành chính ở địa phương đã quá nặng, nếu bố trí riêng một cán bộ phụ trách công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở cấp xã sẽ vừa gây khó khăn cho công tác quản lý, vừa tạo ra gánh nặng cho ngân sách địa phương. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) đề nghị, nên lồng ghép nhiệm vụ bảo vệ thực vật cho nhân viên khuyến nông, yêu cầu nhân viên này phải có trình độ trung cấp bảo vệ thực vật hoặc trồng trọt, hưởng chế độ bán chuyên trách và thêm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ theo hợp đồng.

 

Về điều kiện của cơ sở sản xuất buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị, cần cụ thể hóa thêm địa điểm sản xuất thuốc phải bảo đảm khoảng cách an toàn cho khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi gần các nguồn nước... để bảo đảm cho sức khỏe của người dân và không gây tổn hại đến môi trường. Cần quy định đây là yêu cầu bắt buộc trong quá trình xem xét, cấp giấy phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật cũng như quá trình thanh tra, kiểm tra sau này. Tương tự như vậy, đối với kho thuốc cũng cần quy định các điều kiện về khoảng cách. Đồng thời cần quy định có các thiết bị để xử lý ô nhiễm không khí do thuốc gây ra.

 

N. Điệp – T. Tú

(http://daibieunhandan.vn)