Ủy ban Đối ngoại tổ chức Hội nghị Tổng kết Luật Tổ chức QH và Luật Hoạt động giám sát của QH

11/08/2013

Sáng 9.8, Ủy ban Đối ngoại đã tổí chức Hội nghị Tổng kết Luật Tổ chức QH và Luật Hoạt động giám sát của QH. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng chủ trì Hội nghị

Các đại biểu dự Hội nghị cho rằng, Luật Tổ chức QH và Luật Hoạt động giám sát của QH đã cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò của QH trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy vai trò của QH là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Thông qua việc ban hành và sửa đổi 2 đạo luật này thì tổ chức bộ máy của QH, các cơ quan của QH ngày càng hoàn thiện. Tỷ lệ ĐBQH chuyên trách ngày càng tăng. Phương thức hoạt động của QH có nhiều đổi mới theo hướng ngày càng công khai, minh bạch. Mối liên hệ giữa QH, ĐBQH với cử tri và nhân dân ngày càng gắn bó. Chất lượng, hiệu quả các hoạt động của QH được cử tri và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, khẳng định vai trò và tiếng nói của QH.

 

Hiện nay, cách thức tổ chức, tiến hành các Kỳ họp QH đã có nhiều cải tiến, đổi mới; một số Ủy ban của QH đã được thành lập mới, nhưng Nội quy Kỳ họp QH từ năm 2001 đến nay gần như không sửa đổi, bổ sung. Tương tự như vậy, các quy chế hoạt động của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban không sửa đổi. Chính vì vậy, trên thực tế chưa hình thành hệ thống đồng bộ, đầy đủ, tương thích giữa các quy định từ Hiến pháp đến Luật tổ chức QH và các văn bản dưới luật. Điều này đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật Tổ chức QH.

 

Đối với việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của QH, các đại biểu cho rằng, thời gian qua vẫn còn một số tồn tại và hạn chế do phạm vi giám sát của QH, UBTVQH còn rộng, trách nhiệm sau giám sát của các chủ thể chịu sự giám sát còn chung chung; quy trình thủ tục một số hoạt động giám sát còn chưa thật sự rõ ràng. Ngoài ra, trong luật hiện hành quy định chưa đủ rõ về việc QH giám sát hoạt động đối ngoại của các cơ quan có vị trí độc lập như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Đây là những cơ quan không thuộc Chính phủ nên Ủy ban Đối ngoại mới dừng lại việc xem xét, cho ý kiến về các thỏa thuận quốc tế của các cơ quan này mà chưa có cơ chế giám sát một cách hữu hiệu. Do đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng quy định về cơ chế tham gia của Ủy ban Đối ngoại trong việc hoạch định chính sách đối ngoại cũng như thực hiện có hiệu quả các quy định của luật hiện hành về đàm phán ký kết các hiệp định, thỏa thuận quốc tế…

 

 

 

Thanh Tú

(http://daibieunhandan.vn)