Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm cơ hội cho các DN, HTX phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; thủ tục phá sản dân chủ, công khai, rõ ràng

16/09/2013

Ngày 13-9, tiếp tục phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) và cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Buổi sáng, các đại biểu nghe đại diện Tòa án Nhân dân tối cao đọc tờ trình trình Dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Dự án Luật, gồm 12 chương với 133 điều, quy định về đối tượng áp dụng; tiêu chí xác định doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) lâm vào tình trạng phá sản; thẩm quyền của tòa án, nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm phán. Trong đó khẳng định, dự án Luật được xây dựng nhằm mục tiêu bảo đảm những cơ hội thực tiễn cho việc duy trì hoặc tổ chức lại hoạt động của DN, HTX có khả năng phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong trường hợp DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản không có khả năng phục hồi thì các quy định của Luật Phá sản phải bảo đảm trình tự và thủ tục giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản dân chủ, công khai, rõ ràng, dễ hiểu...

 Ủy ban Kinh tế của QH tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Phá sản như Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao. Sau gần chín năm thực hiện Luật Phá sản (15-10-2004), đã tạo cơ sở pháp lý cho tòa án, các cơ quan hữu quan và các DN, HTX tiến hành các thủ tục phá sản cho DN, HTX làm ăn kém hiệu quả, góp phần tăng cường kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do nhiều quy định của Luật hiện hành chưa rõ ràng, khó thực hiện cho nên số lượng các vụ phá sản do tòa án thụ lý chưa nhiều. 

 Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Thường vụ QH cho rằng, Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) phải gắn với mục tiêu hạn chế thấp nhất những hậu quả do phá sản gây ra, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia quan hệ kinh tế trước những rủi ro trong kinh doanh. Nhiều ý kiến góp ý cho rằng, các quy định trong dự án Luật cần được xây dựng chặt chẽ và rõ ràng hơn. Cụ thể, Ðiều 3 dự án Luật quy định: DN, HTX không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng Việt Nam trở lên trong thời gian ba tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Nhiều ý kiến góp ý tán thành với việc quy định rõ tiêu chí và căn cứ để xác định DN, HTX lâm vào tình trạng phá sản, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở xác định khi đưa ra các tiêu chí nêu trên, nhất là hạn mức 200 triệu đồng Việt Nam.

  Một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung tiêu chí về báo cáo tài chính hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian gần nhất của DN được tổ chức có thẩm quyền kiểm toán để phân biệt DN lâm vào tình trạng phá sản và DN phá sản. Trên cơ sở đó, chủ động tiến hành thủ tục thương lượng trước khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Ðiều 38 và Ðiều 39) và cần quy định cụ thể trách nhiệm, nội dung, phạm vi, thời hạn của việc thương lượng, tránh xảy ra tẩu tán tài sản. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định thời gian thương lượng (sáu tháng) như trong dự thảo Luật là quá dài, làm chậm quá trình giải quyết phá sản của DN, HTX. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền nộp đơn mở thủ tục phá sản của các cơ quan có thẩm quyền (Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), vì các cơ quan giám sát DN trong lĩnh vực này sớm phát hiện nguy cơ mất khả năng thanh toán của DN.

Buổi chiều, tiếp theo chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)