Khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII

22/10/2013

Khai mạc 9 giờ sáng nay, 21-10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII kéo dài đến hết ngày 30-11. Đây là kỳ họp cuối năm và cũng là kỳ họp đánh giá lại chặng đường ba năm qua với nhiều nội dung quan trọng: thông qua Dự thảo Hiến pháp 1992, thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Trước đó vào lúc 8 giờ sáng, Quốc hội họp phiên trù bị.

Sau lời khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp. Sau đó các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII là kỳ họp nhìn lại chặng đường gần ba năm qua về phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước. Từ đó xác định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014. Trong thời gian qua kinh tế xã hội đất nước có bước chuyển tích cực đúng hướng, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định… Đây là những tiền đề quan trọng để Quốc hội thảo luận và có những quyết sách kịp thời, đúng đắn, đồng bộ, tạo quyết tâm chính trị cao trong toàn dân để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, tạo đà phát triển bền vững cho năm 2014 và những năm tiếp theo.

Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Gần 3 năm qua, kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và khả năng phục hồi chậm. Trong nước, lạm phát tăng, tồn kho, nợ xấu cao, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao, tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô”.

“Trong bối cảnh đó, bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các địa phương và các doanh nghiệp, đến nay tình hình kinh tế-xã hội đã có bước chuyển tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động giảm. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu. Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tiềm lực quốc phòng được tăng cường; độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị được giữ vững, đối ngoại tiếp tục mở rộng”…

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2013, kết quả ba năm thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) và nhiệm vụ 2014-2015.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, thay mặt Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.

Một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã được tổ chức lấy ý kiến nhân dân và thu hút được sự tham gia tích cực với nhiều ý kiến tâm huyết của đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài. Sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã họp nhiều phiên, nghiêm túc nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Quốc hội, nhân dân, các ngành, các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã dành thời gian cho ý kiến về Dự thảo và tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lấy ý kiến về Dự thảo. Để việc thông qua Hiến pháp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần chân thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục những vấn đề đặt ra.

Kỳ họp thứ 6 cũng sẽ thông qua dự án Luật đất đai (sửa đổi) và dành thời gian xem xét các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2013; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015); việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án quan trọng, cấp bách.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012”; xem xét các báo cáo kết quả giám sát do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thực hiện; nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; báo cáo của Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4, thứ 5; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, tội phạm; công tác thi hành án; phê chuẩn nhân sự Chính phủ, bầu nhân sự một số cơ quan của Quốc hội và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

 

Đặng Giang – Lê Ngân- Hồng Minh

(http://www.nhandan.com.vn/)