CẦN CÓ CHÍNH SÁCH ĐÃI NGỘ HƠN NỮA VỚI THÍ SINH VÀO NGÀNH SƯ PHẠM VÀ GIÁO VIÊN GIỎI GIẢNG DẠY CÁC CẤP HỌC

18/03/2022

Đóng góp ý kiến vào thu hút thí sinh giỏi đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học sư phạm cũng như giáo viên có trình độ chuyên môn cao vào giảng dạy ở các cấp học, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần có chính sách đãi ngộ hơn nữa từ lương, thưởng, đề bạt, bổ nhiệm giáo viên, nhân lực giỏi trong ngành Giáo dục...

 

Tại phiên giải trình về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông” của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vừa qua, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của ngành Giáo dục, các đại biểu Quốc hội là chính sách đối với nhà giáo nhằm thu hút thí sinh giỏi đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học sư phạm cũng như giáo viên có trình độ chuyên môn cao vào giảng dạy ở các cấp học. Việc làm này rất quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển bền vững của đất nước.


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, sắp xếp các trường sư phạm và cơ sở đào tạo giáo viên theo hướng khắc phục tình trạng phân tán, đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục; Tập trung đầu tư xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm, làm đầu tàu cho hệ thống các trường sư phạm. Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách tuyển dụng phù hợp; khuyến khích, thu hút người giỏi vào ngành Giáo dục, thu hút giáo viên về công tác tại các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; có giải pháp bảo đảm nhân lực dạy một số bộ môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (Ngoại ngữ, Tin học, Nghệ thuật,...). Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách phù hợp trong tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển giáo viên để đảm bảo chất lượng và sự ổn định của đội ngũ.

Với sự chỉ đạo trên và đóng góp vào việc thu hút người giỏi vào ngành Sư phạm, đứng ở góc độ chuyên gia, Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Đinh Quang Báo - nguyên cán bộ nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội), cho rằng, các địa phương nên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá xem người nào có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề thì tạo điều kiện để họ giảng dạy ở những vùng miền khó khăn. Để có được đội ngũ giáo viên, nhà giáo giỏi cho đất nước, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng lương cho họ và tạo điều kiện để sinh viên sư phạm tốt nghiệp là có việc làm ngay. 

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, bên cạnh việc tăng lương, phụ cấp cho giáo viên ở vùng khó khăn thì ngành Giáo dục ở các địa phương cần chú ý tới điều kiện sống tốt để họ yên tâm bám trụ với nghề. Khi Nhà nước chưa thể tăng lương đồng loạt cho giáo viên ở tất cả các vùng miền thì có thể ưu tiên cho những giáo viên giỏi công tác tại những địa phương còn khó khăn. Mặt khác, chúng ta cũng cần chú ý đến chính sách lương thỏa đáng để thu hút những người có trình độ cao, được đào tạo bài bản ở nước ngoài về làm công tác giảng dạy. Nếu nghiên cứu sinh học tập ở nước ngoài về nước mà chỉ thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng thì không thể thu hút được người giỏi vào giảng viên ở các trường học.

Ngoài việc cần cải thiện mức lương cho giáo viên để họ có thể đủ sống bằng nghề thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có chiến lược quy hoạch đào tạo giáo viên, đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp xong là có việc làm. Trên cơ sở quy hoạch này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giao cho các trường sư phạm đào tạo theo chỉ tiêu nâng cao chất lượng đào tạo là chính chứ không phải chạy theo số lượng. Vì vậy, chúng ta phải đảm bảo nguồn tuyển sinh “đầu vào” bằng nhiều cách như miễn học phí và tạo điều kiện để sinh viên sư phạm khi tốt nghiệp là có việc làm ngay như sinh viên các trường quân đội, công an.


Giáo sư, tiến sĩ Đinh Quang Báo- nguyên cán bộ nghiên cứu cao cấp Viện Nghiên cứu sư phạm (Đại học Sư phạm Hà Nội).

Nêu quan điểm trên vào vấn đề trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, cần quan tâm tới chính sách nhà giáo; xác định rõ vị thế và cách ứng xử phù hợp với nhà giáo. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để thực hiện việc xây dựng chính sách đào tạo, tuyển dụng để có cơ chế thu hút người giỏi, có chính sách lương bổng phù hợp để nhà giáo yên tâm sống được bằng thu nhập, yên tâm gắn bó với nghề dạy học. Tất nhiên cùng với đó là cơ chế để xây dựng môi trường văn hoá học đường với sự chuẩn mực về phẩm chất, đạo đức, năng lực của nhà giáo làm gương sáng cho học sinh.

Đưa ra ý kiến về việc thu hút thí sinh giỏi vào các trường sư phạm cũng như thu hút giáo viên có năng lực giảng dạy ở các cấp học, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nêu quan điểm: Vẫn biết là mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng việc đáp ứng nhu cầu giáo viên so với thực tiễn là vấn đề hết sức cần thiết. Thực tế cho thấy, mặc dù điểm thi tuyển “đầu vào” của một số trường đại học sư phạm đã tăng lên nhưng nhiều sinh viên tốt nghiệp lại ngại không muốn giảng dạy ở những vùng, miền khó khăn. Có tỉnh thừa hàng trăm chỉ tiêu biên chế giáo viên cho những môn học mới như môn Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật nhưng lại không có nguồn thí sinh đăng ký để tuyển chọn.

Vấn đề về biên chế giáo viên cũng như việc thu hút giáo viên giỏi vào giảng dạy ở các cấp học là một bài toán tổng thể cần phải có những giải pháp đồng bộ từ việc thu hút học sinh giỏi đăng ký thi vào các trường sư phạm cũng như động viên được giáo viên giỏi công tác ở những vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo... Theo đó, cần hoàn thiện chính sách tiền lương, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cải cách tiền lương đối với đội ngũ giáo viên công lập. Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, ưu đãi, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng,… đối với nhà giáo; có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho giáo viên công tác ở những địa bàn khó khăn hay có những định hướng việc làm tốt hơn cho sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm.


Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội.

Hiện nay, chúng ta đang tính đến việc phân bổ giáo viên theo hình thức đặt hàng các trường đại học sư phạm. Tuy nhiên, việc làm này khó cân đối giáo viên ở từng địa phương. Vì vậy, cần có kế hoạch thi tuyển đối với thí sinh đăng ký vào các trường đại học sư phạm chặt chẽ hơn để trên cơ sở đó tính toán việc làm cho các em một cách hợp lý trên nhu cầu, sự thiếu hụt tổng thể của quốc gia.

Ngoài ra, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, cần tham khảo mô hình tuyển sinh vào các trường đại học công an, quân đội để chọn lựa được những thí sinh giỏi đầu quân vào các trường đại học sư phạm cũng như tuyển chọn được những giáo viên giỏi vào giảng dạy ở các cấp học nhằm đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, để xây dựng các chính sách mới đều phải thận trọng, tránh vội vàng, cần phải tổng kết, đánh giá tác động của chính sách, và cần đồng bộ với các quy định của pháp luật.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa khẳng định: Chúng ta không thể để còn tình trạng điểm thí sinh thi vào các trường đại học sư phạm còn thấp, những học sinh giỏi nhất không muốn đăng ký thi vào các trường sư phạm hay những sinh viên giỏi nhất không muốn ở lại trường làm giảng viên. Những bất cập này không thể phù hợp trong xu thế phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đất nước. Vì thế, cần có những chính sách đãi ngộ từ lương, thưởng, đề bạt, bổ nhiệm giáo viên, nhân lực giỏi trong ngành Giáo dục ở từng vùng miền, khu vực nhằm tạo nên môi trường sư phạm sang trọng, minh bạch; là môi trường của trí thức, trí tuệ và được trân trọng. Từ đó, chúng ta mới có được nguồn tuyển sinh chất lượng vào các trường sư phạm cũng như tuyển dụng được những người giỏi nhất vào giảng dạy ở các cấp học./.

Bích Lan

Các bài viết khác