Bế mạc Phiên họp thứ 46 của UBTVQH

02/02/2007

Ngày 30.1, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh Công nghệ cao. Đây là sáng kiến pháp luật của UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, việc xây dựng và ban hành Pháp lệnh Công nghệ cao sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao- một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay... và việc phải ban hành một văn bản pháp luật về công nghệ cao là cần thiết. Theo ý kiến của một số Ủy viên UBTVQH thì dự thảo còn nhiều quy định chưa cụ thể, còn trùng lặp, muốn thi hành được phải có các văn bản hướng dẫn.

Đối với lĩnh vực công nghệ cao nói riêng và khoa học công nghệ nói chung, Nhà nước hỗ trợ đầu ra- những sản phẩm công nghệ- mới là yếu tố để thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng hoạt động này. Tuy nhiên, dự thảo pháp lệnh lại được soạn thảo thiên về Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu vào cho sự hình thành và phát triển của hoạt động công nghệ cao, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao... Điều này thể hiện khá rõ qua những quy định về doanh nghiệp công nghệ cao, về đầu tư mạo hiểm, khu công nghệ cao..., trong đó có khá nhiều quy định ưu đãi về thuế... Hay như quy định kỹ sư mới tốt nghiệp đại học làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao được Nhà nước trả lương gấp 3 lần mức lương tối thiểu trong 3 năm đầu... Tham gia phát biểu, Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Ngọc Trân cho rằng, những quy định tưởng là ưu đãi này, có khi lại làm hại doanh nghiệp công nghệ cao, người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Đấy là chưa tính tới những cam kết mà chúng ta đã ký với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) như quy chế không phân biệt đối xử với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Với những quy định ưu đãi như vậy, liệu ngân sách Nhà nước của chúng ta có chịu được không? Hơn nữa, nhìn vào thực tiễn không phát triển hoặc phát triển chưa như mong đợi của 2 khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh và Láng- Hòa Lạc hiện nay, với những quy định ưu đãi khuyến khích việc thành lập các khu công nghệ cao, Phó chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Trân còn lo sợ sẽ nở rộ các khu công nghệ này ở các địa phương. Thực tế, một số địa phương đã nhấp nhổm việc thành lập này. Những quy định kiểu như vậy là sản phẩm của cách tiếp cận theo kiểu hỗ trợ đầu vào. Điều này nhiều khi không đem lại kết quả như mong muốn- Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Trần Thị Tâm Đan khẳng định. Thực tế, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều phát triển theo hướng đa ngành, đa sản phẩm và không nhất thiết đều quy tụ trong những khu công nghệ cao- Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh bổ sung. Không thể nào tất cả các sản phẩm của doanh nghiệp đó đều là sản phẩm công nghệ cao. Nếu khoanh vùng như dự thảo pháp lệnh là chỉ những doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu công nghệ cao thì có hợp lý không. Mặt khác, đâu phải cứ doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao là sẽ tạo ra những sản phẩm công nghệ cao. Khi ấy, nếu lấy sự hỗ trợ đầu vào để xác định doanh nghiệp hay sản phẩm là công nghệ cao là điều cần phải cân nhắc.

Chủ nhiệm Trần Thị Tâm Đan cho rằng dự thảo pháp lệnh nên xây dựng theo hướng tập trung quy định những chính sách cho doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm công nghệ cao, những nhà khoa học có sáng kiến về công nghệ cao. Như vậy, dự thảo văn bản pháp luật về công nghệ cao nên rút gọn xuống còn 15- 20 điều. Chủ nhiệm Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên, Trưởng ban Dân nguyện Lê Quang Bình... đồng thuận với đề nghị này.

Riêng Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên cho rằng sẽ là cực đoan nếu Nhà nước chỉ đầu tư, hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, nhất là trong bối cảnh hoạt động công nghệ cao của nước ta còn phát triển ở mức thấp như hiện nay. Do đó, bên cạnh việc chủ yếu đầu tư, hỗ trợ đầu ra, Nhà nước cũng cần có một số hỗ trợ đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao.

Ngoài ra, nên xây dựng và ban hành văn bản pháp luật về công nghệ cao dưới hình thức Pháp lệnh hay luật cũng là nội dung được nhiều Ủy viên UBTVQH cho ý kiến. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên ban hành luật.

Kết luận buổi thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Công nghệ cao, Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu khẳng định Ban soạn thảo nên xây dựng dự án pháp lệnh theo hướng quy định các chính sách đối với hoạt động công nghệ cao và tiếp tục chuẩn bị để có thể xây dựng thành Luật Công nghệ cao.

Buổi chiều, trước khi bế mạc Phiên họp thứ 46, UBTVQH đã cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh Dân chủ cơ sở và dự án Pháp lệnh bảo vệ các công trình, mục tiêu trọng điểm về an ninh quốc gia.

 

T.Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)