TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

21/05/2024

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi của dự thảo Luật, trong đó tập trung rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 21/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN PHIÊN TOÀN THỂ VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐƯỜNG BỘ

Sáng 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. 

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình; đã chỉnh sửa nội dung 82 Điều, bỏ 07 Điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 03 Điều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật đã được tiếp thu tối đa ý kiến ĐBQH, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với mục tiêu xây dựng Luật, đủ điều kiện báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tính khả thi của dự thảo Luật, trong đó tập trung rà soát, chỉnh sửa để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Phí và lệ phí...; rà soát, chỉnh lý bố cục và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, nhất là bảo đảm tính thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Về những nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, căn cứ ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý các quy định tại Chương I (những quy định chung), trong đó tập trung chỉnh lý Điều 1 (phạm vi điều chỉnh), Điều 2 (giải thích từ ngữ), Điều 4 (chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ), Điều 5 (Quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, hệ thống đường Ủy ban Thường vụ Quốc hội địa phương, đường đô thị), Điều 6 (Cơ sở dữ liệu đường bộ), Điều 7 (các hành vi bị nghiêm cấm); bỏ Điều 2 (đối tượng áp dụng), chuyển Điều 7 (hệ thống giao thông thông minh) sang Điều 40 của dự thảo Luật.

Về hệ thống giao thông thông minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là nội dung mới và có sự thay đổi, phát triển nhanh chóng, nếu quy định cụ thể trong dự thảo Luật sẽ không sát thực tiễn, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ quy định những nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời đề nghị Quốc hội cho chuyển nội dung này sang Điều 40 của dự thảo Luật.

Về cơ sở dữ liệu đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và chỉnh lý Điều 6 dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định về cơ sở dữ liệu quản lý hoạt động đường bộ đã được triển khai xây dựng trên thực tế.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Về kết cấu hạ tầng đường bộ, một số ý kiến đề nghị xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; nhiều ý kiến tán thành quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ nếu bố trí được nguồn lực; một số ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này để bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về ngân sách nhà nước…

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý tối đa theo ý kiến đại biểu Quốc hội, tập trung vào các quy định tại Điều 8 (phân loại đường bộ theo cấp quản lý), Điều 12 (quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 15 (hành lang an toàn đường bộ), Điều 16 (sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ), Điều 28 (đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 31 (bàn giao, đưa công trình đường bộ vào khai thác), Điều 35 (bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 37 (trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 41 (Chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 42 (nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ); tách nội dung Điều 40 dự thảo Luật Chính phủ trình để xây dựng thành hai điều là Điều 35 (bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ) và Điều 36 (quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ); thiết kế lại kỹ thuật lập pháp một số điều; bỏ Điều 13 (đường giao thông nông thôn, đường đô thị và đường địa phương), Điều 21 (phạm vi bảo vệ đối với các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 43 (trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh) và sắp xếp lại vị trí một số điều.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp.

Đối với các quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý Điều 8 để xác định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý đường bộ, trên cơ sở đó chỉnh lý Điều 28, Điều 37, dự thảo Luật để xác định trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo hướng viện dẫn quy định tại Điều 8. Nội dung các điều này chỉ quy định về trách nhiệm của các chủ thể, còn trình tự, thủ tục thực hiện các hoạt động cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng; đầu tư công; đầu tư theo phương thức đối tác công tư; quản lý, sử dụng tài sản công; ngân sách nhà nước...

 Về ý kiến đề nghị phân cấp, cho phép một số địa phương có khả năng bố trí nguồn lực được đầu tư, xây dựng quốc lộ và đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định tại điểm c khoản 5 Điều 8, theo đó, trong trường hợp địa phương có khả năng bảo đảm nguồn lực đầu tư thì UBND cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND quản lý tuyến đường đó theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các quy định này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không mâu thuẫn, chồng chéo và bảo đảm tính khả thi.

Về nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 2 Điều 42 để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, theo đó, các nguồn thu quy định tại khoản này sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước để phân bổ theo quy định.

Về quy định thu phí sử dụng đường cao tốc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Chính phủ trình, nhằm tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn. Đối với một số ý kiến băn khoăn về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình chi tiết trong Báo cáo số 839/BC-UBTVQH15, theo đó, việc thu phí đường cao tốc nhằm bảo đảm tính công bằng khi phương tiện tham gia giao thông được sử dụng dịch vụ tốt hơn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ áp dụng với các tuyến cao tốc có tuyến đường bộ song hành./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác