Theo quy hoạch, mạng lưới đường cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014 km. Đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 2.001 km đường cao tốc, đang xây dựng 1.681 km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805 km; trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành năm 2025.
Về phạm vi đầu tư, dự án đầu tư khoảng 128,8 km, trong đó: tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km; qua địa phận tỉnh Bình Phước 101 km (bao gồm 2 km kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).
Cũng theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Để phát huy hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, phù hợp với khả năng cân đối các nguồn vốn, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn; giải phóng mặt bằng thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch (6 làn xe). Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được thiết kế phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, bảo đảm tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 100-120km/h…
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành nội dung thảo luận
Thảo luận tại Tổ 1, các ý kiến đại biểu đều tán thành cao sự cần thiết đầu tư Dự án nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới đường bộ cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và Cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Cũng theo các đại biểu, Dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với các quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được triển khai đầu tư trong các giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030).
Các vị đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1
Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Việt Anh – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho biết ,đây là Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, đáp ứng các tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia theo khoản 1, Điều 7 Luật Đầu tư công.
Nhấn mạnh sự cần thiết đầu tư dự án, đại biểu Trần Việt Anh lưu ý, để đảm bảo tính bền vững của Dự án cần đánh giá kỹ tác động của dự án. Trong đó, đặc biệt là việc bảo tồn di sản văn hóa, hạn chế tối đa tác động tới di sản, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia trong quá trình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án. Ngoài ra, cũng cần quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân trong khu vực.
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đồng tình với các cơ chế chính sách đặc thù áp dụng trong triển khai Dự án. Theo đại biểu, thực tiễn thời gian qua các cơ chế chính sách đặc thù đều đã phát huy tác dụng, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc trong triển khai. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý, đối với Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) có thể xem xét, nghiên cứu để các nhà đầu tư có vốn nước ngoài tham gia vào đầu tư, không phải làm chủ đầu tư toàn bộ. “Nếu như vậy sẽ tạo được tiền lệ thu hút đầu tư nước ngoài, đây là việc rất cần thiết áp dụng cho triển khai Dự án quan trọng này” – đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu còn cho ý kiến về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
***Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 1:
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1 chiều 25/5
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn điều hành nội dung thảo luận
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tại phiên thảo luận Tổ
Các vị đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1
Đại biểu Bùi Huyền Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Đại biểu Lê Nhật Thành - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội góp ý tại phiên thảo luận
Các vị đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận
Các vị đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu kết thúc phiên thảo luận
Thảo luận tại Tổ 1, các đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tán thành cao Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)./.