KỲ VỌNG BƯỚC CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ, TOÀN DIỆN TRONG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

29/05/2024

Thảo luận về kết quả kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm góp ý cho lĩnh vực phát triển văn hóa đất nước trong giai đoạn tới.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 29/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tiếp tục hoàn thiện tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới

Quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn hóa vùng nông thôn, đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, một trong những điểm sáng rất đáng ghi nhận là khu vực nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang chuyển mình trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và có những đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng. Quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, cùng với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở, đời sống văn hóa vùng nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực; văn hóa truyền thống tiếp tục được khai thác theo hướng phát huy giá trị tốt đẹp gắn với nhu cầu văn hóa của người dân.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh về văn hóa vùng nông thôn, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho rằng, hiện nay vẫn còn những mảng màu tối, để lại không ít những băn khoăn. Đâu đó vẫm còn những biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa. Quan niệm văn hóa chỉ là “cờ đèn kèn trống”, là “đóng đinh leo thang”, là “múa may, hát xướng” với ý nghĩa không mấy tích cực. Vẫn còn tình trạng coi nhẹ văn hóa, đặt văn hóa thấp hơn kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

“Hệ quả đó là trong khi đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đời sống vượt trội so với trước đây nhưng ở một số nơi, trong một số trường hợp, đạo đức, văn hóa xã hội lại có biểu hiện xuống cấp, chủ nghĩa cá nhân có cơ hội phát triển. Bên cạnh nhiều tấm gương đẹp, giàu lòng vị tha, thiện tâm; trong thiên tai, dịch bệnh sẵn sàng chia sẻ với đồng bào, chung tay cùng đất nước vượt qua khó khăn lại có một số người ích kỷ, tham lam, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lối sống thực dụng cực đoan như một thứ dịch bệnh có nguy cơ lan rộng trong xã hội, nhất là lớp trẻ…”, đại biểu Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Để góp phần tiếp tục thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nói chung, hoàn thiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nói riêng, đồng thời cụ thể hóa quan điểm: Xây dựng nông thôn có “đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc”, đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị Quốc hội giao cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các dự án luật trực tiếp liên quan đến văn hóa cũng như các dự án luật chuyên ngành khác có liên quan.

Kỳ vọng bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa

Bên cạnh đó, đối với phát triển văn hóa, các đại biểu cho biết, trước đây, đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua chương trình mục tiêu quốc gia. Có thể thấy, nguồn vốn đầu tư từ chương trình có tính chất “vốn mồi” đã đem lại hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch và nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân. Sau năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu qua kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm, nhưng luôn ở mức thấp và thiếu chính sách xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực này. Những khó khăn về nguồn lực đầu tư đã ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp phát triển văn hóa. Nhiều di sản, di tích văn hóa – lịch sử bị mai một, xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.

Các đại biểu Quốc hội tại Phiên thảo luận

Sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, các đại biểu cho biết, cử tri và Nhân dân rất phấn khởi, trông đợi Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa và kỳ vọng rất lớn tại Kỳ họp lần này, Quốc hội xem xét, quyết định để khi được triển khai thực hiện sẽ tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn rà soát để quy định cụ thể hơn nữa, chuẩn hóa rõ hơn về nông thôn mới, nhất là các tiêu chí liên quan đến văn hóa theo hướng hài hòa giữa những yêu cầu của thực tế đời sống với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Cần đánh thức tiềm năng phát triển của địa phương thông qua văn hóa, du lịch

Cũng quan tâm đến phát triển văn hóa đất nước, đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum dẫn ví dụ về sự đổi mới trong quá trình kết hợp tổ chức các chương trình kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với triển khai các hoạt động của Năm du lịch quốc gia Điện Biên và Lễ hội Hoa Ban 2024. Cụ thể, có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất và đầu tư nguồn lực to lớn không chỉ về cơ sở vật chất mà còn về thời gian, công sức cho các hoạt động liên quan. Hầu hết các kênh phát thanh, truyền hình, báo chí đều tích cực chủ động đưa tin về các chương trình trong và xung quanh sự kiện này.

Qua đó đã tạo ra sự bùng nổ đối với du lịch tỉnh Điện Biên. Những từ khóa như “cháy vé máy bay”, “cháy tour”, “cháy phòng khách sạn” để nói về  sự thu hút của sự kiện này liên tục xuất hiện và được thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, cho thấy sự quan tâm rất lớn của người dân trong nước, nhất là giới trẻ đối với Điện Biên nói chung và sự kiện 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum 

Từ những kết quả này, đại biểu Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh, để đánh thức được tiềm năng phát triển của các địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì con đường đúng đắn nhất là phải có sự đầu tư phát triển mạnh mẽ về văn hóa, du lịch. Không chỉ riêng Điện Biên mà còn rất nhiều địa phương khác như các tỉnh Tây Nguyên. Mặc dù những nơi này có khó khăn về điều kiện, đường sá, sinh hoạt, sản xuất… nhưng bù lại lại có những cảnh quan tươi đẹp, di tích lịch sử rất nhiều, có nhiều nét văn hóa đa dạng.

Theo đại biểu, những yếu tố đó nếu được quan tâm đầu tư, khai thác không chỉ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà đó còn là con đường tất yếu để bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, quảng bá, phát huy các giá trị văn hóa trong thời đại hiện nay, góp phần tạo sự đột phá, sức sống mới không chỉ cho phát triển kinh tế- xã hội trong hiện tại mà còn là giải pháp phát triển bền vững, dài hạn trong tương lai.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước cho rằng, các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ngành liên quan đối với các địa phương, nhất là địa phương còn nhiều khó khăn, ít kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội kết hợp văn hóa và du lịch./.

Thu Phương

Các bài viết khác