HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA CÔNG ĐOÀN CẦN ĐỦ MẠNH ĐỂ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ MỚI ĐẶT RA

18/06/2024

Sáng 18/06, Quốc hội thảo luận tại hội trường, cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Quan tâm đến quy định về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam (Điều 8) và bảo đảm về tổ chức, cán bộ (Điều 26), nhiều đại biểu cơ bản tán thành với quy định như dự thảo luật để đảm bảo linh hoạt, phù hợp, nhưng cũng đề nghị xác định rõ trách nhiệm của từng cấp Công đoàn để phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO VỊ THẾ, KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Toàn cảnh Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Mô hình công đoàn 4 cấp đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều đại biểu cho rằng, quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan trình dự án Luật đã tích cực nghiên cứu, thể chế hóa các chủ trương, đường lối trong các văn kiện của Đảng như: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nghị quyết số 02-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 12/6/2021 về đổi mới tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới …

Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện, thể chế hóa sâu sắc hơn trong dự thảo Luật một số chủ trương được nêu trong các văn kiện của Đảng, nhất là Nghị quyết số 02-NQ/TW như: Có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức; Xây dựng mô hình tổ chức công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động.

So với luật hiện hành, dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã xác định và phân định rõ “Công đoàn Việt Nam” với “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Đồng thời, quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất theo mô hình công đoàn 4 cấp” và “Mô hình tổ chức công đoàn các cấp được xây dựng theo hướng mở, linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tiễn” (Điều 8 dự thảo luật).

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang 

Cho ý kiến về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam (Điều 8), đại biểu Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang thống nhất việc quy định cụ thể trong dự thảo luật về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam theo mô hình tổ chức công đoàn 4 cấp, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật Công đoàn thời gian qua.

Bên cạnh đó, việc quy định cụ thể về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam trong dự thảo luật cũng tạo ra sự tương đồng giữa Luật Công đoàn với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, về bố cục, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng dành cả khoản 1 (Điều 8) để xác định mô hình tổ chức 4 cấp của công đoàn; đồng thời, tách riêng điểm e ra khỏi khoản 1, tránh dẫn đến sự hiểu nhầm về số lượng các cấp công đoàn; đồng thời xác định rõ “Công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt" thuộc cấp nào trong 4 cấp công đoàn đã được quy định.

Để không tạo ra mâu thuẫn trong nội tại của khoản 1 Điều 8 và tránh nhầm lẫn, khó hiểu đối với quy định về hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam, đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị không quy định điểm e về Công đoàn đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Tổng Liên đoàn Lao động quy định tại khoản 1 Điều 8 thành một nội dung riêng. Vì khoản 1 Điều 8 đã xác định Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất theo mô hình 4 cấp tại điểm a, b, c, d, khoản này cũng đã liệt kê 4 cấp tương ứng cụ thể.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Vì vậy, đại biểu cho rằng, nếu Ban soạn thảo dự báo được xu thế phát triển sẽ có mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nên nghiên cứu, đánh giá và luật hóa mô hình này để sắp xếp vào một trong hai loại hình tương ứng được quy định tại điểm b. Nếu đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó có quy mô như công đoàn cấp tỉnh, ngành, trung ương hoặc điểm c nếu có quy mô như công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở như Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, trực thuộc trung ương thay vì phải quy định thêm mô hình công đoàn đối với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thành một điểm riêng biệt không thống nhất theo 4 cấp như dự thảo tại Điều 8 khoản 1 đã quy định.

Để hoàn thiện quy định về hệ thống tổ chức công đoàn, một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung ở điểm c khoản 1 Điều 8 về thành lập công đoàn ở khu công nghệ cao. Bởi Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã nêu: phải nâng cao chất lượng của công đoàn cơ sở và cấp trên cơ sở, trong đó xác định công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; do đó cần bổ sung công đoàn cơ sở gồm cả công đoàn cơ sở ở khu công nghệ cao.

Đồng tình tăng thẩm quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động trong công tác cán bộ

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng trao quyền chủ động hơn cho tổ chức Công đoàn trong công tác cán bộ (Điều 26) theo hướng: Công đoàn các cấp được bảo đảm về tổ chức và số lượng cán bộ công đoàn để thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm; Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đồng thời cho phép “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và công đoàn cơ sở phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ”. 

Cho ý kiến về nội dung này, một số đại biểu cho rằng, quy định của dự thảo Luật cần bảo đảm thống nhất với Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức…; rà soát lại nội dung về tổ chức biên chế trong dự thảo Luật để có quy định phù hợp, tương thích với các luật khác.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Tại khoản 2 Điều 26 Dự thảo quy định: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền.” Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dự thảo Luật nêu 02 cơ chế quyết định “cơ cấu tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và chức danh cán bộ công đoàn” là chưa rõ ràng, trường hợp nào trình cơ quan có thẩm quyền quyết định và trường hợp nào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định theo thẩm quyền? Vì vậy, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn những vấn đề nào về cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn phải trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định; những vấn đề nào về cơ cấu tổ chức bộ máy và chức danh cán bộ công đoàn giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định theo thẩm quyền, để thể hiện rõ tính công khai, minh bạch của pháp luật và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện khi Luật Công đoàn có hiệu lực.

Tại khoản 3 Điều 26 dự thảo Luật quy định: “3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị xem xét thay cụm từ “sau khi thống nhất với”, thành “theo đề xuất”. Bởi nếu quy định theo hướng “thống nhất” thì có thể hiểu là việc quyết định của cơ quan có thẩm quyền, điều này chưa thật phù hợp với nguyên tắc hành chính và luật chuyên ngành, cũng như việc thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính.

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quang Nam 

Đại biểu Dương Văn Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Quang Nam đồng tình với đề xuất tăng nguồn huy động của tổ chức công đoàn trong công tác cán bộ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 26 để giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn về vấn đề biên chế, bố trí cán bộ công đoàn; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển đoàn viên trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

Ngoài ra, để quy định này mang tính khả thi trong quá trình thi hành, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định cụ thể, thống nhất trong quá trình áp dụng về số lượng cán bộ công đoàn/tỷ lệ đoàn viên ở công đoàn cơ sở và cả công đoàn cấp trên cơ sở nhằm tránh trường hợp cơ cấu cán bộ công đoàn chưa tương xứng với khối lượng công việc, nhiệm vụ, hoạt động công đoàn.

Cho ý kiến về khoản 3, khoản 4 Điều 26 quy định về việc bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại đơn vị sử dụng lao động, tuy nhiên đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang nêu thực tiễn thời gian qua, việc quyết định bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp có đông công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có giải pháp đề xuất quy định biên chế phù hợp để tổ chức công đoàn chủ động và có căn cứ sắp xếp, bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại đơn vị sử dụng lao động nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh

Đồng tình với đề xuất tăng thêm thẩm quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động trong công tác cán bộ như trong dự thảo luật, đại biểu Hà Phước Thắng – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là phù hợp với tình hình hiện nay và với xu hướng phát triển của công đoàn trong thời gian tới.

Lý do được đại biểu nêu ra là thời gian qua, các quy định về tổ chức bộ máy công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp. Cơ chế giao cho cơ quan có thẩm quyền tại địa phương, giao biên chế cho tổ chức công đoàn địa phương trong biên chế chung được cấp trên giao cho khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị dẫn đến sự không đồng bộ về biên chế trong cùng một cấp công đoàn.

Bên cạnh đó, việc phân bổ biên chế do cơ quan có thẩm quyền tại địa phương quyết định, trong khi việc đảm bảo nguồn tài chính là do công đoàn cấp trên quyết định, dẫn đến việc thiếu đồng bộ trong việc phân bổ nhân lực và nguồn lực đảm bảo, tình trạng không điều tiết được từ nơi thừa sang nơi thiếu về biên chế cán bộ công đoàn trong phạm vi cả nước hay trong phạm vi của một tỉnh, một thành phố cũng là vấn đề bất cập trong quản lý biên chế cán bộ công đoàn hiện nay.

Mặt khác, trong bối cảnh xuất hiện cạnh tranh công đoàn, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp, người lao động, đoàn viên công đoàn, nhiệm vụ công đoàn càng đặc thù càng nặng nề nhưng biên chế công đoàn tại rất thấp so với yêu cầu nhiệm vụ đề ra, do vậy tăng thẩm quyền cho Tổng Liên đoàn Lao động trong công tác cán bộ là phù hợp.

Lan Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác