HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ CÁC QUỸ TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC NGOÀI NGÂN SÁCH

02/07/2024

Là một bộ phận của tài chính công, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đã góp phần quan trọng trong tiến trình cải cách tài chính công. Tuy nhiên, cùng với nhiều kết quả đạt được, pháp luật và công tác thực hiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Đề tài khoa học cấp bộ “Hoàn thiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”, do ThS. Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội làm Chủ nhiệm đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về nội dung này.

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ KHOA HỌC NĂM 2024: ĐẢM BẢO ĐÚNG TIẾN ĐỘ, CHẤT LƯỢNG, TĂNG CƯỜNG ỨNG DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Hoàn thiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách” chúc mừng Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh - Chủ nhiệm Đề tài

Ngày 28/6, tại Trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Đề tài khoa học cấp bộ, mã số ĐTCB.2023-04: “Hoàn thiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”, do ThS. Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội làm Chủ nhiệm đã được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện Trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học cấp Bộ.

Pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước hiện nay chưa đồng bộ

Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được hình thành từ chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước. Pháp luật quy định về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cơ bản được ban hành và sửa đổi, bổ sung cùng với sự thay đổi của hệ thống pháp luật về tài chính, ngân sách. Mặc dù vậy, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước hiện nay chưa đồng bộ, nằm rải rác, được quy định từ Luật, Pháp lệnh, Nghị định cho đến các văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn. Chưa có một văn bản pháp luật cụ thể nào quy định có tính nguyên tắc về thẩm quyền thành lập, nguyên tắc hoạt động cũng như các quy định về mô hình hoạt động, cơ chế tài chính, giám sát, thanh tra, kiểm tra. Sự thiếu vắng và không rõ ràng trong các quy định về thẩm quyền thành lập, cũng như điều kiện, tiêu chuẩn thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có những giai đoạn thành lập ồ ạt các quỹ ngoài ngân sách. Những rủi ro bởi tính linh hoạt của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trong khi chưa quy định rõ về cơ chế tài chính, nguồn hình thành cũng dễ dẫn đến phân tán nguồn lực quốc gia, hoạt động không hiệu quả, thiếu công khai, minh bạch. Ngoài ra, nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quỹ chậm được ban hành hoặc chậm được sửa đổi.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh - Chủ nhiệm Đề tài

Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; từ thực trạng quy định pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cũng như từ thực tiễn hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, thực tiễn hoạt động lập pháp của Quốc hội; bối cảnh hiện nay và dự báo tình hình đặt ra yêu cầu hoàn thiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Đây là Đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn nhằm tìm kiếm các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đề tài nhằm bổ sung, làm rõ về lý luận và thực tiễn nhằm tìm kiếm các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trong thời gian tới đang được đặt ra như là một trong những giải pháp có tính đột phá. Từ đó, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng các quỹ tài chính công, làm minh bạch và lành mạnh nền tài chính quốc gia, đồng thời xử lý hài hòa mối quan hệ giữa các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách với ngân sách nhà nước để các nguồn lực này đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, các công trình đã công bố của đề tài, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của đề tài cấp Bộ được bố cục gồm 3 chương:  Chương I: Cơ sở lý luận về chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; Chương II: Thực trạng ban hành chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và tổ chức thực hiện tại Việt Nam; Chương III: Quan điểm, giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Hoàn thiện chính sách pháp luật về các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

Từ sự cần thiết nghiên cứu và mục tiêu làm rõ cơ sở lý luận, khung lý thuyết, kinh nghiệm nước ngoài và đánh giá thực tiễn thực hiện để đề xuất những giải pháp khoa học nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, Đề tài nghiên cứu đã tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản sau:

Một là, kế thừa, hệ thống hóa, bổ sung làm rõ những vấn đề lý luận về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Khái quát tình hình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về: Khái niệm, đặc điểm, phân loại, vai trò và sự cần thiết thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; Khái niệm, đặc điểm, khung pháp lý và các tiêu chí hoàn thiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; Kinh nghiệm quốc tế về quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và xu hướng điều chỉnh pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Tổng kết những điểm đạt được, nêu rõ những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu về lý luận và thực tiễn liên quan đến quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Hội thảo "Cơ sở lý luận hoàn thiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách" được tổ chức trong quá trình triển khai nghiên cứu Đề tài

Hai là, trên cơ sở khung lý thuyết và những bài học kinh nghiệm nước ngoài, đề tài phân tích: Thực trạng ban hành chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, gồm: quy định về thành lập, giải thể quỹ; tổ chức và hoạt động; quản lý tài chính; nguồn thu, nhiệm vụ chi; lập, chấp hành và quyết toán quỹ; 38 thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Thực trạng tổ chức, hoạt động của một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý. Thực trạng tổ chức và hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý. Từ đó, rút ra những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân trong ban hành, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Ba là, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá bối cảnh kinh tế - xã hội có ảnh hưởng đến hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, đề tài đề xuất 5 quan điểm, 5 phương hướng, 2 nhóm giải pháp và 2 nhóm kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Trong đó, về phương hướng, Đề tài đề xuất việc hoàn thiện chính sách pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cần: Thống nhất quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dựa trên những nguyên tắc và hệ thống các quy định chung; Đảm bảo nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách một cách hợp lý; Nâng cao hiệu quả quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trên nhiều góc độ. Đồng thời, cần nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về quỹ tài chính nhà nước của Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải gắn bó mật thiết với đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ và Ủy ban nhân dân./.

Lê Anh