Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã sửa đổi quy định về quản lý giá thuốc, trong đó, sửa đổi quy định liên quan đến quản lý giá thuốc nhằm bảo đảm thống nhất với Luật Giá năm 2023. Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc trong việc kê khai lần đầu giá bán buôn thuốc dự kiến trước khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường, kê khai lại khi thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã kê khai là chưa phù hợp với Luật Giá. Hơn nữa, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán. Do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước; giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng.
Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đánh giá, thời gian gần đây nhờ thực hiện cơ chế thị trường, tổ chức sản xuất ngành công nghiệp dược, đặc biệt là sản xuất các thuốc thông thường đã đưa đến một mặt bằng giá tương đối phù hợp để đáp ứng yêu cầu của người dân, giảm rất nhiều chi phí cho người bệnh. Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng thuốc biệt dược hay thuốc nhập khẩu, kể cả thuốc độc quyền, việc định giá bao nhiêu là do nhà sản xuất - đây chính là yếu tố độc quyền trong quản lý giá cả hàng hóa.
Đại biểu cho biết, Luật Giá đã quy định đối với các mặt hàng có tính chất độc quyền, hay độc quyền toàn diện như việc Nhà nước định giá, khung giá (giá tối đa, giá tối thiểu, kê khai giá…) và có một số biện pháp để quản lý đối với những mặt hàng có tính chất độc quyền. Hiện nay, việc quản lý đối với các mặt hàng thuốc đang giữ bản quyền theo Luật Dược hiện hành đang quy định theo hình thức kê khai giá. Đại biểu Trần Văn Tuấn nêu quan điểm, kê khai giá là mức quản lý lỏng nhất trong số các biện pháp quản lý giá đối với hàng độc quyền.
Đại biểu Trần Văn Tuấn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang
“Đề nghị có biện pháp tăng cường quản lý ở cấp độ cao hơn, nếu chỉ quản lý kê khai giá, khi đưa thuốc vào thị trường lần đầu tiên đối với hàng nhập khẩu hoặc nhà sản xuất hàng độc quyền bán sản phẩm ra kê khai một bảng giá, sau đó mỗi lần thay đổi lại kê thì không quản lý được đầy đủ giá thành thực của sản phẩm là bao nhiêu. Một số mặt hàng, kể cả nhập khẩu, kể cả sản xuất, giá lúc nhập khẩu, giá thành lúc sản xuất chỉ là một nhưng bị đẩy lên gấp nhiều lần và đưa ra thị trường khoảng chênh lệch rất lớn. Điều này trở thành những khoản hoa hồng qua các bước trung gian, kể cả qua một số vị kê đơn, hoặc cho những thông tin quảng cáo một cách quá mức, cộng hết vào giá thành để đưa đến người tiêu dùng”, đại biểu Trần Văn Tuấn nói.
Đại biểu Trần Văn Tuấn đánh giá cao trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược trình Quốc hội cho ý kiến đã quy định về khung giá thuốc, đó là việc xác định thặng dư số bán lẻ, tức là giá đầu vào và giá bán lẻ chỉ được cộng thêm phần trăm - đây là chi phí từ khâu nhập khẩu hoặc khâu sản xuất đến khâu lưu thông. Chính phủ xác định một tỷ lệ phần trăm cho toàn bộ khâu lưu thông này sau khi nhập khẩu vào hoặc sau khi xuất xưởng đối với khâu lưu thông nhằm xác định một tỷ lệ hợp lý.
Tuy vậy, đại biểu cho rằng, trong dự thảo luật lần này mới chỉ xác định thặng dư số bán lẻ của khu vực nhà thuốc trong bệnh viện; đại biểu đề nghị thặng dư bán lẻ này phải được áp dụng một cách toàn diện cho tất cả các sản phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất của thuốc, kể cả thực phẩm chức năng đang giữ bản quyền (tức là có tính chất độc quyền của người sản xuất) khi đưa hàng ra để bán trên thị trường, như vậy mới đảm bảo bảo vệ quyền lợi của tiêu dùng.
“Chúng ta phải lưu ý rằng người tiêu dùng ở đây là những người bệnh, những người đang yếu thế, những người đang rất khó khăn cần phải chăm lo, cần phải bảo vệ, không thể để một vài bộ phận, một vài phần tử lợi dụng những chính sách này, kẽ hở này để trục lợi trên sức khỏe của người bệnh, trục lợi trên nỗi khổ của người bệnh. Tôi đề nghị phải quản lý được giá thuốc để đưa đến người bệnh các sản phẩm tốt, nhanh chóng và với giá hợp lý nhất”, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm, việc quản lý giá thuốc trong Luật Dược phải phù hợp với Điều 5 về nguyên tắc quản lý giá của Luật Giá, đó là, theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, do mặt hàng thuốc ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, phải đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước, đó là Nhà nước sẽ tham gia điều tiết để bình ổn giá thuốc khi có biến động về giá đối với thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục thuốc thiết yếu; định giá đối với hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm sử dụng ngân sách Nhà nước (theo quy định tại Chương III của Luật giá). Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đối với thuốc y học cổ truyền dân tộc, thuốc cung ứng cho các vùng khó khăn, thuốc chữa trị một số bệnh xã hội; đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý giá thuốc.
Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy hiện nay Bộ Tài chính chưa hoàn toàn nhất trí với giá thuốc kê khai (bán buôn, bán lẻ), do đó đề nghị cần tính toán lại giá thuốc ở mức hợp lý đảm bảo tiếp cận được đến tất cả người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Công khai thông tin về giá thuốc
Có nhiều năm công tác trong ngành y tế, đại biểu Nguyễn Công Hoàng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nêu thực tế, người dân và ngay cả bác sĩ cũng không thể biết thông tin về giá thuốc: “Tôi chắc chắn, không có một ai trong chúng ta đi mua thuốc mà chúng ta trả giá. Tôi đề nghị phải chuẩn hóa việc này để người dân không bị lạm dụng và bị nâng giá”.
Theo đại biểu Nguyễn Công Hoàng, cần công khai giá thuốc để người dân có thể vào mạng, vào trang web để biết giá thuốc, biết đơn thuốc của mình, bởi thực tế cùng một loại thuốc nhưng giá bán khác nhau. Vì vậy, vấn đề quản lý giá thuốc không chỉ ngành y tế, mà ngành quản lý thị trường cũng phải vào cuộc liên ngành để quản lý tốt hơn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Phạm Như Hiệp – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên - Huế, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế băn khoăn, khi kê đơn thuốc cho người dân mua thuốc, tại sao chúng ta không yêu cầu kết nối vào hệ thống đã liên thông. Chúng ta không chỉ quản lý mặt hàng thuốc, mà chúng ta phải quản lý luôn giá thuốc. Khi bán thuốc, in hóa đơn ra để bệnh nhân trả, chỉ cần thao thác trên hệ thống thì giá thuốc sẽ nhảy vào phần mềm quản lý liên thông để Cục Quản lý Dược hoặc một đơn vị được giao quản lý giá thuốc. Đại biểu Phạm Như Hiệp cho rằng, việc tích hợp quản lý thuốc và giá thuốc không khó với trình độ công nghệ thông tin như hiện nay.
“Về nhà thuốc bệnh viện, theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược số105/2016/QH13 và Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế của Chính phủ giao cho bệnh viện, chúng tôi quản lý giá thuốc rất tốt, có thặng số đúng theo quy định. Nên chăng các nhà thuốc phía bên ngoài cũng phải đưa vào diện quản lý như vậy để đảm bảo giá thuốc theo thặng số. Ví dụ như thuốc nhỏ thì thặng số có thể cao, chênh lệch 10% hay 15%. Nhưng thuốc giá trị cao thì thặng số phải thấp để người dân được hưởng ưu việt của chế độ chúng ta và quản lý tốt thuốc để đảm bảo cân bằng về thị trường”, đại biểu Phạm Như Hiệp nêu ý kiến.